January 18, 2023 | 14:12 GMT+7

Thị trường bất động sản có nhiều sự kiện nổi bật trong năm 2022

Thanh Xuân -

Chính sách “nắn” lại dòng tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản là điểm nóng bàn thảo của năm 2022. Các chủ đầu tư lẫn khách hàng đều kỳ vọng, Chính phủ có động thái mạnh mẽ hơn về việc nới "room" tín dụng, kiểm soát lãi suất cho vay đầu tư…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế-tài chính-bất động sản Datxanh services (Feri), năm 2022, thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều sự kiện nổi bật.

Cụ thể, sau làn sóng Covid-19 lần thứ 4 vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, thị trường dần sôi động khi lượng giao dịch cùng giá một số khu vực không ngừng tăng, dẫn đến tình trạng sốt đất trên diện rộng, đồng thời với việc UBND TP.HCM hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm là cơ sở để chính quyền đánh giá lại toàn bộ bức tranh thị trường. Bên cạnh đó, chính sách siết chặt tín dụng và tăng lãi suất cho vay cũng ảnh hưởng đến nhà đầu tư; đặc biệt công tác thanh kiểm tra, xử lý sai phạm trên diện rộng nhiều doanh nghiệp nhằm lành mạnh hóa thị trường, trong ngắn hạn đã tác động lớn đến tâm lý lẫn niềm tin thị trường.

Đối mặt hàng loạt khó khăn từ thị trường, khách hàng, tính thanh khoản, vốn, trái phiếu… nhiều chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản chủ động tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, điều chỉnh chiến lược, điều chỉnh giá sản phẩm, tái cấu trúc danh mục tài sản, bán bớt tài sản để mua lại trái phiếu trước hạn… giúp đưa công ty trở lại trạng thái an toàn nhất có thể.  

Ngoài ra, năm vừa qua còn nhiều chính sách, dự thảo nổi bật nhận về không ít sự quan tâm của cộng đồng như: đề xuất chính sách sở hữu chung cư có thời hạn; đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2; bỏ khung giá đất, xác định theo giá thị trường; ban hành mẫu hợp đồng mua bán và quy định giấy chứng nhận quyền sở hữu cho căn hộ du lịch (condotel). Các dự thảo được đánh giá là nỗ lực của Nhà nước trong định hình, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, giảm tình trạng đầu cơ, sốt ảo.

Đặc biệt, chính sách “nắn” lại dòng tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản là điểm nóng bàn thảo năm 2022. Các chủ đầu tư, khách hàng đều kỳ vọng Chính phủ có động thái mạnh mẽ hơn trong việc nới "room" tín dụng, kiểm soát lãi suất cho vay đầu tư bất động sản. Mặt khác, kỳ vọng chính quyền đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ pháp lý dự án, công trình cơ sở hạ tầng đẩy mạnh triển khai, sẽ trợ lực cho thị trường thời gian tới. Về phía khách hàng, nhất là người có nhu cầu mua ở thực mong muốn giá bán đưa về mức hợp lý, đi kèm chính sách hỗ trợ tài chính của ngân hàng và chủ đầu tư.

Năm vừa qua, chuyên gia đánh giá, bất động sản văn phòng là phân khúc ghi nhận phục hồi khá sau giai đoạn hậu Covid-19, với nguồn cung mới tăng nhẹ, giá thuê, tỷ lệ hấp thụ cải thiện tương đương mức trước dịch. Còn bất động sản bán lẻ, các nhà bán lẻ nước ngoài tích cực gia nhập thị trường khiến giá thuê tăng cao, việc trả mặt bằng diễn ra không nhiều do khách thuê nhận được hỗ trợ từ chủ đầu tư. Giai đoạn này, ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt hơn ở khu vực ngoài trung tâm. Song song đó, bất động sản công nghiệp cũng nổi bật khi liên tục tăng về giá thuê cũng như tỉ lệ lấp đầy...

Trái ngược với những phân khúc trên, bất động sản nhà ở chịu nhiều ảnh hưởng từ yếu tố biến động khách quan, chủ quan từ thị trường nên chưa thể phục hồi nhanh như kỳ vọng trong năm qua. Chính nguồn cung khan hiếm khiến giá bán tăng nhẹ, cộng thêm chính sách siết tín dụng bất động sản làm tỷ lệ hấp thụ giảm mạnh từ quý 3/2022, càng giảm sâu hơn tại quý 4/2022.

Mặc dầu còn khó khăn nhưng khi dự báo năm 2023, chuyên gia đánh giá tình hình kinh tế thế giới sẽ có những chuyển biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 nhiều khả năng hồi phục. Thị trường bất động sản tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate