December 11, 2023 | 12:18 GMT+7

Thị trường chưa thoát được thế giằng co, khối ngoại tiếp tục xả ròng

Kim Phong -

Nhóm cổ phiếu trụ nổi lên sáng nay là VHM, VIC, VNM, MSN giúp VN-Index giằng co nhẹ trong vùng giá đỏ. Độ rộng vẫn đang cho thấy áp lực bán chiếm ưu thế và dòng tiền trong nước có tín hiệu suy yếu nhẹ, đẩy tỷ trọng bán của khối ngoại tăng lên hơn 13% tổng giao dịch sàn HoSE...

Vẫn còn cổ phiếu trong nhóm vốn hóa lớn nhất nổi lên nâng đỡ VN-Index.
Vẫn còn cổ phiếu trong nhóm vốn hóa lớn nhất nổi lên nâng đỡ VN-Index.

Nhóm cổ phiếu trụ nổi lên sáng nay là VHM, VIC, VNM, MSN giúp VN-Index giằng co nhẹ trong vùng giá đỏ. Độ rộng vẫn đang cho thấy áp lực bán chiếm ưu thế và dòng tiền trong nước có tín hiệu suy yếu nhẹ, đẩy tỷ trọng bán của khối ngoại tăng lên hơn 13% tổng giao dịch sàn HoSE.

VN-Index kết phiên sáng giảm nhẹ 0,09% tương đương -1,06 điểm. Mức giảm này xuất hiện ngay từ khoảng 10h30, nghĩa là gần nửa phiên sáng thị trường đi ngang lình xình dưới tham chiếu. Bên bán không gia tăng thêm sức ép để đẩy thị trường lùi sâu hơn nhưng bên mua cũng không phản công đủ mạnh để lật ngược tình thế.

Độ rộng cũng cho thấy trạng thái giảm với biên độ hẹp kéo dài. Từ 10h30, HoSE đã có 152 mã tăng/307 mã giảm và đến hết phiên vẫn là 169 mã tăng/310 mã giảm. Độ rộng không thay đổi nhiều trong suốt thời gian VN-Index đỏ nửa sau phiên sáng là phù hợp với trạng thái đi ngang nhẹ của chỉ số.

Biên độ giảm cũng không mạnh, trong 310 mã đỏ ở HoSE, chỉ có 88 mã giảm trên 1% và thanh khoản nhóm này chiếm khoảng 37% tổng khớp của sàn. Chỉ 16 mã trong nhóm giảm sâu nhất này giao dịch từ 20 tỷ đồng trở lên, trong đó 7 mã khớp vượt 100 tỷ là VIX giảm 2,62%, SSI giảm 1,07%, DXG giảm 2,25%, DIG giảm 2,06%, GEX giảm 1,71%, MWG giảm 1,06% và PDR giảm 3,14%. Có thể thấy biến động mạnh với thanh khoản lớn vẫn tập trung ở nhóm chứng khoán và bất động sản, các mã có tính thị trường rất cao, biến động mạnh thời gian gần đây.

Trong 169 cổ phiếu ngược dòng, 35 mã tăng trên 1%. Tuy nhiên nhóm này không nhiều cổ phiếu giao dịch lớn. Đáng kể là VHM tăng 3,15% với 244,6 tỷ; VIC tăng 2,44% với 133 tỷ; MSN tăng 2,11% với 106,3 tỷ; VNM tăng 1,88% với 210,8 tỷ; HCM tăng 1,77% với 138,6 tỷ…

Nhóm trụ “thất thế” trong tháng 10 và 11 vừa qua đang có tín hiệu phục hồi, trong đó đáng chú ý là VIC và VHM. Tác động nâng đỡ điểm số ở các trụ này là khá tốt, nhất là khi biên độ tăng cũng mạnh. Chỉ riêng 4 mã mạnh nhất nhóm VN30 là VHM, VIC, VNM và MSN đã kéo lại gần 4 điểm cho VN-Index. Phía giảm cũng yếu, trong Top 10 vốn hóa của chỉ số, duy nhất VPB là giảm quá 1%, mất 1,28%. VCB tuy ảnh hưởng nhiều nhất tới VN-Index (làm giảm 0,85 điểm) nhưng chủ yếu là do vốn hóa to, còn giá chỉ giảm 0,71% so với tham chiếu.

Thị trường chưa thoát được thế giằng co, khối ngoại tiếp tục xả ròng - Ảnh 1

VN30-Index chốt phiên sáng vẫn đang tăng nhẹ 0,03% với 11 mã tăng/18 mã giảm. Ngoài VPB, 4 mã khác giảm hơn 1% là SSI, BCM, VJC và MWG. Không mã nào trong nhóm này lọt top 15 vốn hóa của sàn HoSE nên tác động tương đối yếu.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay kéo dài đợt bán ròng sang phiên thứ 11 liên tiếp, khi rút đi 305 tỷ đồng trên sàn HoSE, mua ròng 21,1 tỷ trên HNX và bán ròng 3,8 tỷ trên UpCOM. Tuy nhiên khối này đang có tín hiệu mua đối ứng tốt hơn. Cụ thể, tổng giá trị bán ra ở HoSE tăng 55% với 835 tỷ đồng thì mua vào cũng tăng 76% ới 530 tỷ. Đây là phiên sáng có mức độ giải ngân cao nhất 16 phiên. Các mã bị bán ròng nhiều là FUEVFVND -100,6 tỷ, VCB -34,8 tỷ, STB -29,6 tỷ, VPB -27,1 tỷ, VNM -20,9 tỷ. Phía mua có VND +26,6 tỷ là đáng kể.

Tổng giao dịch hai sàn niêm yết giảm 9% so với phiên trước, đạt 6.334 tỷ đồng, mức thấp nhất 6 phiên. HoSE giảm 11% còn khoảng 5.768 tỷ đồng. Trong 16 cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường, khớp từ 100 tỷ đồng trở lên, có 5 mã tăng và 10 mã giảm, cho thấy sức ép vẫn khá rõ ở nhóm hút dòng tiền mạnh nhất. Điểm tốt như đã nói ở trên, là biên độ giảm sâu chỉ xuất hiện ở nhóm có tính thị trường cao như một số mã chứng khoán và bất động sản. Đa phần các cổ phiếu còn lại giảm nhẹ dưới 1%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate