Áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn tiếp diễn, tạo sức ép giảm giá ở số lớn cổ phiếu trong phiên đầu tuần. Tuy vậy biên độ giảm rất hẹp và thanh khoản cũng sụt giảm đáng kể cho thấy sức ép cũng không lớn.
Nhịp điều chỉnh hôm nay tập trung chủ yếu vào phiên chiều, khi lượng hàng ngắn hạn về tài khoản. VN-Index tạo đáy cuối đợt khớp lệnh liên tục, giảm hơn 8 điểm, nhưng kết phiên thu hẹp lại còn giảm 3,32 điểm tương đương -0,3%.
Độ rộng khá xấu với 173 mã tăng/330 mã giảm. Dù vậy chỉ có 87 cổ phiếu trong VN-Index là giảm hơn 1% và thanh khoản nhóm này chiếm khoảng 11,8% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE. Đây là tỷ lệ nhỏ. Ngược lại, số tăng tuy chỉ có 63/173 mã là tăng được trên 1% thì giao dịch nhóm này chiếm tới 52,4% tổng thanh khoản của sàn.
Mở rộng hơn, thanh khoản của HoSE phiên này tương đối nhỏ, giá trị khớp lệnh đạt khoảng 14.456 tỷ đồng, giảm 23% so với phiên trước và thấp nhất 4 phiên. Nếu tính cả thỏa thuận thì sàn này cũng mới đạt hơn 16.000 tỷ đồng. Lý do khiến giao dịch ở nhóm tăng giá mạnh lại chiếm tỷ trọng lớn là do dòng tiền vẫn đang được hút vào một cách tập trung. HoSE có 37 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng thì tới 25 mã tăng giá (trong đó 18 mã tăng trên 1%) và 11 mã giảm giá.
Nhóm tăng giá mạnh có nhiều cổ phiếu thanh khoản rất tốt, thậm chí không kém gì các phiên giao dịch sôi động. Cổ phiếu thép hôm nay hút tiền mạnh và đi ngược dòng ấn tượng. Dẫn đầu là HPG tăng 2,64% với thanh khoản tới 1.197,5 tỷ đồng. Khá lâu rồi cổ phiếu này mới lại đạt ngưỡng giao dịch cỡ ngàn tỷ như vậy. HSG cũng lọt vào top 10 thanh khoản toàn thị trường với 436,8 tỷ đồng, giá tăng 4,12%. NKG cũng trong top 10, đạt 423,3 tỷ đồng, giá tăng 4,88%. Các cổ phiếu này đều đạt mức thanh khoản cao nhất trong gần 2 tháng qua.
Mặc dù tổng thể thanh khoản trên thị trường phiên này giảm nhiều nhưng ở những cổ phiếu có dòng tiền tập trung, cổ phiếu vẫn có lực đỡ khá tích cực và giá tăng. Điều này tạo sự phân hóa ở các mã cụ thể, thậm chí là trong nhóm ngành. Bất động sản chứng khoán là rõ nhất, vẫn có khá nhiều mã tăng với giao dịch rất lớn như DIG tăng 2,46%, PDR tăng 2,92%, DXG tăng 1,77%. Thanh khoản kém nhất trong số này cũng trên 300 tỷ đồng. Tuy nhiên cũng có không ít mã đỏ như NVL, VHM, VIC… Chứng khoán có SSI, VIX, VCI cũng giao dịch hàng trăm tỷ đồng, giá tăng trên 1%, nhưng cũng có quá nửa nhóm này trên các sàn đỏ.
Hiện tượng phân hóa là đặc trưng của nhịp lùi ngắn hạn do áp lực chốt lời. Sẽ có hoạt động đầu cơ lướt sóng quy mô khác nhau ở các cổ phiếu, đồng thời dòng tiền nhắm đến cũng khác nhau. Các cổ phiếu có lực đỡ yếu hơn thường sẽ bị áp lực chốt lời đẩy giá giảm. Ngược lại nếu tiền vào mua nhiều hơn, giá dù không tăng mạnh nhưng cũng vẫn duy trì được sắc xanh. Do thị trường chỉ vừa mới thoát đáy nên không phải nhà đầu tư nào cũng có quan điểm lướt sóng.
Độ rộng VN-Index cuối phiên chỉ còn 173 mã tăng/330 mã giảm không phải là diễn biến quá xấu vì biên độ giảm ở cổ phiếu là nhỏ. Nếu nhìn từ góc độ chốt lời, biên độ giảm càng hẹp tức là khả năng tác động đến giá càng nhỏ. Có thể so sánh biên độ này với giai đoạn cuối tháng 10, mỗi khi giá điều chỉnh đều xuất hiện các phiên lao dốc rất mạnh.
Khối ngoại hôm nay bán ròng khá lớn 367,7 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung vào chứng chỉ quỹ FUESVFL -164 tỷ đồng. Cổ phiếu có VCB -138,4 tỷ, VHM -66,6 tỷ, MWG -47,4 tỷ, HPG -453 tỷ, KDH -24,5 tỷ, VCI -21,5 tỷ. Phía mua ròng có SSI +73,1 tỷ, STB +42,5 tỷ, NKG +35,3 tỷ, HSG +31 tỷ, CTG +30,6 tỷ, TPB +26,3 tỷ, PDR +24,4 tỷ, BMP +21,4 tỷ.