March 09, 2022 | 14:35 GMT+7

Thị trường hết tăng nóng, công ty chứng khoán thận trọng đặt mục tiêu kinh doanh giảm năm 2022

Kiều Linh -

Kế hoạch kinh doanh của các công ty chứng khoán có sự phân hoá rõ rệt. Một số công ty chứng khoán lớn đặt mục tiêu doanh thu lợi nhuận giảm trong khi đó công ty nhỏ kế hoạch tiếp tục tăng trưởng so với năm 2021...

Đồ hoạ: K.Linh.
Đồ hoạ: K.Linh.

Tại Chứng khoán Bản Việt - VCI, ban lãnh đạo doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu hoạt động năm 2022 đạt 3.240 tỷ đồng, giảm 12,6% so với đạt được năm 2021, tuy nhiên, tổng chi phí phấn đấu giảm 27,8% nên lợi nhuận trước thuế vẫn tăng nhẹ 2,7% đạt 1.900 tỷ đồng.

Kế hoạch doanh thu lợi nhuận của VCSC xây dựng trên cơ sở Vn-Index dao động quanh 1.500 điểm vào cuối năm 2022. Theo VCSC, Chính phủ đặt mục tiêu GDP đạt tốc độ tăng trưởng 6-6,5% vào năm 2022 và mức tăng trưởng này hoàn toàn khả thi. Dự báo tăng trưởng EPS của Vn-Index sẽ đạt khoảng 23% cho năm 2022 tương ứng với P/E trượt là 15,9 lần và P/E dự phóng 12 tháng là 13,1 lần vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ những rủi ro nhất định có thể ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường chứng khoán Việt Nam, ví dụ như các biến chủng virus mới có thể khiến tình hình chung trở nên khó lường, chính sách “zero Covid” của Trung Quốc khiến tình trạng đóng cửa biên giới kéo dài, lạm phát có khả năng tăng cao do chính sách hỗ trợ của các quốc gia trên thế giới.

Ở nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, dòng vốn tới từ các nhà đầu tư tổ chức và các doanh nghiệp lớn đạt mức kỷ lục trong năm 2021, với tổng giá trị các thương vụ M&A trên toàn cầu đạt hơn 5 nghìn tỷ USD theo thống kê của Reuters. VCSC kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ vẫn giữ tâm thế lạc quan trong năm 2022. Các hợp đồng VCSC đang thực hiện có giá trị giao dịch lớn ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng trong năm 2022 ở các lĩnh vực bất động sản, hàng tiêu dùng, hàng không, khu công nghiệp...

Trong lĩnh vực môi giới bán lẻ, VCSC đánh giá vẫn sẽ khó khăn trong năm 2022 với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty chứng khoán với chiến lược cho vay ký quỹ cao, áp dụng chính sách miễn/giảm phí giao dịch cùng với việc đầu tư rất nhiều cho đội ngũ môi giới, trả hoa hồng cao để đội ngũ này chào mời nhà đầu tư mới và nhà đầu tư có thâm niên đang giao dịch tại những công ty khác qua nhiều kênh.

Thị trường đầy biến động với những rủi ro vĩ mô leo thang như lạm phát tăng cao, Fed tăng lãi suất, áp lực dòng tiền rút khỏi thị trường cũng khiến Công ty CP Chứng khoán FPT đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận thụt lùi trong năm 2022. Ban lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá, sự phục hồi kinh tế thế giới năm 2022 sẽ giảm tốc trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục bùng phát, giảm hỗ trợ chính sách và nguồn cung bị tắc nghẽn. Lạm phát cao hơn 2021 nhiều ngân hàng Trung ương tăng lãi suất cơ bản, mất cân đối vĩ mô tiếp tục xảy ra ở nhiều nước đặc biệt là nước đang phát triển.

Thị trường chứng khoán được dự báo giảm sức nóng so với năm 2021, tuy vẫn thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Căn cứ vào kết quả kinh doanh năm 2021 và dự báo thị trường năm 2022, FPTS đặt mục tiêu doanh thu hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính đạt 1.090 tỷ đồng trong năm 2022 và lợi nhuận trước thuế đã thực hiện 680 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,71% và 6,30%.

Đồ hoạ: K.Linh.
Đồ hoạ: K.Linh.

Trái ngược với kế hoạch kinh doanh thận trọng của các công ty chứng khoán lớn, Công ty CP Chứng khoán SmartInvest (UPCoM: AAS) vừa công bố Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 với kế hoạch kinh doanh năm 2022 thu về 1.200 tỷ đồng doanh thu hoạt động tăng 25% và 480 tỷ đồng lãi sau thuế tăng 27% so với thực hiện năm trước.

HĐQT dự kiến trình cổ đông thông qua phương án phát hành 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2022. Tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1. Phát hành 300 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Toàn bộ số tiền thu được từ 2 đợt phát hành sẽ được Công ty sử dụng bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư vào các giấy tờ có giá trên thị trường (50% số tiền thu được từ đợt chào bán), cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán (30%) và bảo lãnh phát hành chứng khoán (20%). Nếu các phương án đều thành công, AAS sẽ tăng vốn điều lệ 800 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Thêm vào đó, AAS cũng dự kiến sẽ chuyển sàn giao dịch từ UPCoM sang niêm yết trên HOSE. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022.

Tân binh Chứng khoán Stanley Brother (VUA) vừa mới lên sàn đầu năm nay cũng đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng bứt phá trong năm 2022. Theo kế hoạch mà ban lãnh đạo doanh nghiệp đề ra, doanh thu năm 2022 đạt 180 tỷ đồng, tăng 57,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng tăng 208,7%.

Hồi đầu tháng 1/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về ngày giao dịch đầu tiên VUA là ngày 25/1/2022, mức giá tham chiếu là 19.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của VUA ngày chào sàn ước tính đạt 644,1 tỷ đồng. Cổ phiếu VUA kịch trần 3 phiên liên tiếp, sau đó đi ngang, hiện đang giao dịch xung quanh mức giá 46.100 đồng/cổ phiếu, tăng gấp 2,5 lần trong vòng 1 tháng từ khi chào sàn.

Diễn biến cổ phiếu VUA.
Diễn biến cổ phiếu VUA.

Theo bản giới thiệu của VUA, công ty này tiền thân là CTCP Chứng khoán Toàn Cầu, được thành lập vào giữa tháng 1/2008 với vốn điều lệ 35 tỷ đồng. Đến tháng 12/2018, VUA tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 339 tỷ đồng và giữa nguyên cho tới thời điểm hiện tại. VUA trở thành công ty đại chúng vào ngày 21/12/2021, có 108 cổ đông (bao gồm 1 tổ chức và 107 cá nhân) và không có cổ đông nào nắm giữ trên 5% vốn điều lệ. Công ty hiện đặt trụ sở tại tòa nhà TNR, số 54A Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Tính đến cuối năm 2021, VUA có một cổ đông là bà Hoàng Phương Hằng với tỉ lệ sở hữu 4,97% vốn điều lệ. Được biết, bà Hằng từng là Thành viên Ban kiểm soát CTCP An Tiến Industries (HII) – thành viên thuộc CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (APH), nhân viên tại CTCP Nhựa An Phát Xanh (AAA) – một thành viên khác của APH.

Tại Đại hội đồng cổ đông, Ban lãnh đạo Chứng khoán Thành Công - TCI cũng đặt mục tiêu doanh thu 435 tỷ đồng tăng 37,6% lợi nhuận trước thuế 222 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,3%. Kế hoạch doanh thu được đặt trên giả định Vn-Index tăng 10% trong năm 2022.

Mùa đại hội đồng cổ đông năm 2022 sắp diễn ra, với thị trường chứng khoán biến động, kế hoạch doanh thu lợi nhuận của nhiều công ty chứng khoán được dự báo vẫn sẽ tăng trưởng trong năm 2022 tuy nhiên mức tăng trưởng đã thấp hơn do so sánh với nền cao của năm 2021.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate