Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo về tình hình lao động, việc làm 9 tháng năm 2023, trong đó đánh giá trong 9 tháng qua, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, nhu cầu tuyển dụng vẫn cao hơn số lao động bị mất việc làm.
NHU CẦU TUYỂN DỤNG VẪN CAO HƠN SỐ MẤT VIỆC
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, lực lượng lao động, số người có việc làm quý 3/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước; tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các các doanh nghiệp diễn ra từ quý 4/2022 đã giảm nhiệt.
Nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong các tháng đầu năm 2023 vẫn cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc; cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Tại Hà Nội, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tình hình kinh tế - xã hội thành phố thời gian qua tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Sản xuất nông, lâm nghiệp hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động, phục hồi nhanh ở các ngành, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có những tín hiệu tích cực…Nhờ vậy đã giúp thị trường lao động tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào địa bàn góp phần giải quyết việc làm.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp mới thành lập phản ánh triển vọng tốt về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng tích cực.
Số liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại – dịch vụ, thường chiếm 90% tổng nhu cầu tuyển dụng, ngoài ra là khu vực công nghiệp – xây dựng và khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có sự biến động.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang dần thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh thích ứng linh hoạt với sự khó khăn, áp lực của thị trường, kỳ vọng của khách hàng,…nên doanh nghiệp sẽ yêu cầu cao về năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nhân sự, từ đó tăng nhu cầu tuyển dụng nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên.
Tại Bắc Giang, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thời điểm này các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đang tập trung tuyển dụng lao động. Hiện có khoảng hơn 20 doanh nghiệp đã đăng ký tuyển lao động, bên cạnh công ty về các sản phẩm bán dẫn là Hana Micron Vina cần tuyển trên 1.000 lao động, thì một số đối tác của Apple là Luxshare ICT, New Wing Interconnect Technology đang có nhu cầu tuyển hàng chục nghìn lao động.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang cũng cho biết, đến hết năm 2022 lao động qua đào tạo trên địa bàn đạt tỷ lệ 74%, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%; dự kiến hết năm 2023, 2 chỉ tiêu này đạt tỷ lệ lần lượt là 76% và 33%.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, người lao động tìm kiếm việc làm. Đặc biệt là nắm sát tình hình diễn biến của thị trường lao động để thực hiện có hiệu quả việc kết nối cung - cầu.
TĂNG TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG DỊP CUỐI NĂM
Chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi tình trạng thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động, song tại một số địa phương phía Nam nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn có.
Là một trong những địa phương có số lao động bị mất việc, giãn việc nhiều nhất trong quý 3 vừa qua, Trung tâm Dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động TP.HCM nhận định, những tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp trên địa bàn sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thâm dụng lao động.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực, với số doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp thành lập mới tăng lên, sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.
Dự kiến nhu cầu nhân lực quý 4 năm 2023 của thành phố cần 75.500 đến 81.500 chỗ làm việc, tập trung ở khu vực thương mại dịch vụ, chiếm hơn 70% tổng số việc làm, ngoài ra là nhóm công nghiệp xây dựng, nông – lâm thủy sản.
Ngoài ra, những tháng cuối năm doanh nghiệp thường có nhu cầu tuyển dụng đối với lực lượng lao động chưa qua đào tạo, lao động bán thời gian và lao động thời vụ nên nhu cầu lao động phổ thông cũng vẫn cần khá lớn.
Trung tâm cũng đánh giá, thị trường lao động việc làm ngày càng thay đổi năng động và cạnh tranh quyết liệt, nhu cầu nhân lực tập trung vào lao động có trình độ kỹ năng. Do đó, để bắt nhịp tốt và gia tăng lợi thế cạnh tranh, người lao động cần đa dạng hóa kỹ năng của bản thân, tích cực chủ động nâng cao kiến thức trình độ để nâng cao hiệu quả công việc.
Chỉ đứng sau TP. HCM về số lao động mất việc trong quý 3 vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương nhận định, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do tiếp tục ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới... Điều này ít nhiều sẽ tác động đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động.
Vì vậy, dự báo nhu cầu tuyển dụng từ nay đến cuối năm, tỉnh Bình Dương cần khoảng 20.000 - 22.000 lao động, trong đó lao động có tay nghề, lao động phổ thông chiếm khoảng 70%, còn lại là lao động có trình độ chuyên môn.
Nhu cầu tuyển lao động phổ thông những tháng cuối năm sẽ chủ yếu để bổ sung nguồn lực hao hụt và một số ít nhằm phục vụ mở rộng sản xuất. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ luôn có nhu cầu tuyển dưới 50 lao động sẽ không thông tin rộng rãi mà chỉ thông tin tuyển dụng tại doanh nghiệp.