July 26, 2024 | 15:38 GMT+7

Thị trường phục hồi mạnh, VN-Index giành lại mốc 1240 điểm, khối ngoại mua ròng

Kim Phong -

Nhịp tăng 30 phút cuối phiên chiều nay có sự trợ giúp mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu tầm trung trong rổ VN30 đã đưa VN-Index vượt thành công ngưỡng 1240 điểm. Độ rộng đảo ngược hoàn toàn so với phiên sáng, số mã tăng nhiều gấp 2,2 lần số giảm. Đặc biệt chiều nay khối ngoại mua ròng trở lại gần 544 tỷ đồng...

VN-Index đã giành lại được ngưỡng 1240 điểm.
VN-Index đã giành lại được ngưỡng 1240 điểm.

Nhịp tăng 30 phút cuối phiên chiều nay có sự trợ giúp mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu tầm trung trong rổ VN30 đã đưa VN-Index vượt thành công ngưỡng 1240 điểm. Độ rộng đảo ngược hoàn toàn so với phiên sáng, số mã tăng nhiều gấp 2,2 lần số giảm. Đặc biệt chiều nay khối ngoại mua ròng trở lại gần 544 tỷ đồng.

Mặc dù quá nửa phiên chiều VN-Index vẫn trên tham chiếu, nhưng diễn biến chỉ là đi ngang. Lúc 2h, thậm chí độ rộng vẫn là 198 mã tăng/202 mã giảm. Thay đổi tập trung vào 30 phút cuối đợt liên tục, với nòng cốt là các cổ phiếu blue-chips trung bình, thay vì các mã trụ.

Giao dịch nổi bật chiều nay là FPT. Chốt phiên sáng cổ phiếu này vẫn đang giảm 0,24% nhưng ngay khi bước vài phiên chiều đã bứt phá liên tục. FPT tăng gần như không nghỉ và đóng cửa ở mức đỉnh cao nhất phiên, tăng 2,4% so với tham chiếu, tương đương riêng chiều tăng tới 2,65%. MSN cũng cực kỳ ấn tượng, buổi sáng đã tăng 2,11%, chiều tăng tiếp 2,07% nữa, đóng cửa trên tham chiếu 4,23%. Hai cổ phiếu này thu hút dòng tiền rất tốt, FPT khớp thêm 338,9 tỷ đồng, MSN khớp thêm 292,7 tỷ, cao nhất rổ VN30 và chiếm 24% tổng giao dịch của cả rổ phiên chiều. BCM cũng khá ấn tượng về giá tăng 1,4% riêng chiều nay và đóng cửa tăng tổng cộng 4,92%. Đây cũng là 3 cổ phiếu kéo điểm nhiều nhất cho VN-Index.

Tiếc rằng 3 cổ phiếu nói trên không phải là vốn hóa lớn nhất. FPT đang đứng thứ 3 thị trường sau VCB và BID, nhưng MSN chỉ đứng thứ 15 và BCM đứng thứ 18. VCB – cổ phiếu lớn nhất – chỉ tham chiếu, BID tăng nhẹ 0,54%, GAS và HPG đứng chót Top 5 chỉ tăng 0,52% và 0,37%. So với giá chốt buổi sáng, VCB, BID, HPG chiều nay thậm chí còn thấp hơn. Đó là chưa kể VHM giảm 0,13%, TCB và VIC tham chiếu. Nếu các trụ này cũng tham gia nhóm tăng giá tốt hơn thì VN-Index chắc chắn tạo cơn bùng nổ hoành tráng.

Dù vậy VN-Index chốt phiên cũng đạt 1242,11 điểm, tăng 8,92 điểm (+0,72%) so với tham chiếu. Điểm tốt là chỉ số đã giành lại được ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1240 điểm sau 3 phiên đóng cửa dưới mức này.

Thanh khoản chung hôm nay khá thấp, nhưng các mã thu hút dòng tiền mạnh nhát hầu hết là tăng giá ấn tượng.
Thanh khoản chung hôm nay khá thấp, nhưng các mã thu hút dòng tiền mạnh nhát hầu hết là tăng giá ấn tượng.

Đà phục hồi của cổ phiếu chiều nay tốt hơn nhiều so với chỉ số. Trong 30 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục, gần trăm cổ phiếu đảo chiều tăng vượt tham chiếu. Độ rộng của VN-Index cuối phiên là 284 mã tăng/129 mã giảm. Trong đó, 128 cổ phiếu tăng quá 1%, so với mức 65 mã buổi sáng. Nhóm tăng tốt nhất này chiếm 47,2% tổng giá trị khớp lệnh của sàn. Nhiều cổ phiếu thu hút dòng tiền rất ấn tượng như MSN, FPT, MBB, DGC, HVN, DBC, POW…

VN30-Index đóng cửa tăng 0,76% với 22 mã tăng/3 mã giảm, tốt hơn một chút so với phiên sáng (20 mã tăng/8 mã giảm). Thống kê có 19 cổ phiếu trong rổ tăng cao hơn phiên sáng, 8 mã tụt giá. Dù vậy đa số chỉ nhích giá lên một chút, trừ BCM, FPT, MSN, POW, SSB là những cổ phiếu thay đổi trên 1%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ dĩ nhiên hưởng lợi lớn từ nhịp bứt phá cuối ngày. Hơn 30 cổ phiếu tăng trên 3% thì chỉ MSN, POW, BCM, PLX thuộc rổ VN30. Nhóm HVN, CMG, DBC, IMP, TV2, PAN tăng giá cực mạnh với thanh khoản khá cao.

Thanh khoản hai sàn niêm yết chiều nay tăng 43% so với phiên sáng, đạt gần 6.349 tỷ đồng. HoSE tăng 44% với 5.969 tỷ đồng. Mức thanh khoản này không cao nhưng cổ phiếu bứt phá khá ấn tượng về giá. Điều này tiếp tục xác nhận áp lực bán là không lớn, tạo điều kiện cho cầu nhỏ đẩy giá lên thuận lợi.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng gây bất ngờ khi quay xe mua ròng 543,8 tỷ đồng chiều nay, trong khi buổi sáng bán ròng 164,5 tỷ. Tuy vậy mua chủ yếu là thỏa thuận KDC với +466,2 tỷ đồng. Ngoài ra chỉ vài mã khác đáng kể là VCB +107,2 tỷ, BID +70,8 tỷ, MSN +67 tỷ, FPT +45,1 tỷ, VNM +34,9 tỷ, BCM +32,3 tỷ. Bên bán có DGC -86,7 tỷ, MWG -84,5 tỷ, SSI -73,4 tỷ, HPG -54,8 tỷ, VHM -35,7 tỷ, DXG -33,8 tỷ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate