April 13, 2025 | 08:56 GMT+7

Thị trường xa xỉ Mỹ “ngổn ngang” do "cơn bão thuế quan"

Quỳnh Chi -

Khi chính sách thuế quan mới của tổng thống Mỹ Donald Trump được công bố, người tiêu dùng Mỹ đang hoang mang trước viễn cảnh thay đổi thói quen mua sắm…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Niềm tin tiêu dùng Mỹ hiện ở mức thấp nhất trong 12 năm qua, khi lo ngại về việc giá cả hàng hóa leo thang ngày càng gia tăng – từ nhu yếu phẩm, hàng xa xỉ cho tới thời trang nhanh trước chính sách thuế quan rất “mạnh tay” của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trên mạng xã hội, người dùng đăng tải các video phân tích nên chi tiêu ở đâu và khi nào trước khi làn sóng tăng giá lan rộng, đồng thời lo lắng về tác động của thị trường chứng khoán đến khoản tiết kiệm và quỹ hưu trí của họ.

Hiện chưa rõ mức độ thay đổi giá cả cụ thể sẽ như thế nào. Một số thương hiệu có thể sẽ gánh một phần chi phí từ việc tăng thuế của Tổng thống Trump; một phần khác có thể được chuyển sang các khâu trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất. Một số mức thuế có thể cũng sẽ được đàm phán để giảm nhẹ. Tuy nhiên, điều chắc chắn là người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu ít nhất một phần chi phí gia tăng này. Một số thương hiệu thậm chí đang cân nhắc thêm hẳn một dòng phụ thu thuế quan vào hóa đơn nhằm minh bạch hóa lý do giá sản phẩm tăng.

Khi bất ổn gia tăng, người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít hơn. Điều này đồng nghĩa rằng bất kể kịch bản thuế quan diễn biến ra sao trong thời gian tới, các thương hiệu sẽ vẫn phải đối mặt với một thị trường tiêu dùng bất ổn, đơn giản vì làn sóng hoang mang mà tuyên bố thuế quan đã gây ra. Và tình trạng này khó có thể sớm ổn định trong ngắn hạn.

Thị trường xa xỉ Mỹ “ngổn ngang” do "cơn bão thuế quan" - Ảnh 1

Dù thay đổi như thế nào, các chuyên gia nhận định người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng Mỹ sẽ cảm nhận rõ tác động trong thời gian tới.

 “Các nhà bán lẻ và thương hiệu sẽ buộc phải xử lý các chi phí tăng cao gần như ngay lập tức, và điều đó có thể ảnh hưởng nhanh chóng đến giá bán cũng như chuỗi cung ứng,” ông Neil Saunders, Giám đốc điều hành mảng bán lẻ tại GlobalData cho biết. “Sẽ cần thời gian để mọi thứ lắng xuống, nhưng cơn bão thuế quan thì đã ập đến ngay lập tức”.

HƯỚNG TỚI SỬ DỤNG ĐỒ SECONDHAND

Khi thuế quan khiến chi tiêu toàn ngành xa xỉ – từ phân khúc trung cấp đến cao cấp – sụt giảm, giới chuyên gia đồng thuận rằng thị trường bán lại - resale có khả năng sẽ hưởng lợi. Vốn đã được người tiêu dùng thông thái nhìn nhận như một cách tiếp cận hợp túi tiền để bước vào thế giới hàng hiệu, kênh mua sắm hàng đã qua sử dụng sẽ càng thu hút hơn trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhưng vẫn muốn làm mới tủ đồ của mình bằng những món đồ xa xỉ.

Theo nền tảng bán lại trực tuyến Thredup, trước khi chính sách thuế quan mới được công bố, có tới 59% người tiêu dùng cho biết nếu các chính sách liên quan đến thuế và thương mại khiến quần áo mới trở nên đắt đỏ hơn, họ sẽ tìm đến những lựa chọn hợp lý hơn như hàng secondhand. CEO của Thredup, ông James Reinhart, nhận định rằng khi chi phí của quần áo mới bị đẩy lên, giá trị mà mô hình resale mang lại sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn.

Thị trường xa xỉ Mỹ “ngổn ngang” do "cơn bão thuế quan" - Ảnh 2

“Điều này có thể mang lại cú hích lớn cho ngành hàng secondhand và resale tại Mỹ, bởi các sản phẩm đã có sẵn trong nước hiển nhiên sẽ không bị áp thuế,” bà Sky Canaves – chuyên gia phân tích chính về bán lẻ và thương mại điện tử tại công ty nghiên cứu thị trường Emarketer – nhận định. Reinhart cũng đồng tình và nhấn mạnh vào chuỗi cung ứng mang tính nội địa được hình thành từ… chính tủ quần áo của người dân Mỹ.

MUA SẮM HÀNG XA XỈ TẠI NƯỚC NGOÀI

Nếu giá cả hàng xa xỉ tại Mỹ - vốn đa phần được nhập khẩu từ các quốc gia châu Âu - tăng cao, liệu người tiêu dùng Mỹ có bắt đầu mua sắm nhiều hơn ở nước ngoài, giống như người Trung Quốc trước đây?

Với tầng lớp giàu có thì có thể. Nhưng với phần lớn người tiêu dùng Mỹ, nếu chi tiêu cho thời trang và hàng hiệu sụt giảm thì nhu cầu du lịch cũng sẽ giảm theo. “Người tiêu dùng sẽ phải ưu tiên cho các khoản chi thiết yếu, và khả năng cao là họ sẽ hạn chế đi lại”, tiến sĩ Sheng Lu, Giám đốc khoa Thời trang và Nghiên cứu may mặc tại Đại học Delaware, nhận định.

Thị trường xa xỉ Mỹ “ngổn ngang” do "cơn bão thuế quan" - Ảnh 3

Thực tế, các số liệu hiện tại cho thấy nhu cầu du lịch của người Mỹ đang ở mức thấp. Theo báo cáo từ công ty tư vấn toàn cầu Bain, số lượng và tổng giá trị vé máy bay được mua cho kỳ du lịch trong quý 2 và quý 3/2025 đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Chính vì lý do đó, ông Neil Saunders không kỳ vọng phần lớn người tiêu dùng Mỹ sẽ chuyển hướng chi tiêu cho đồ hiệu ở nước ngoài. “Du lịch vẫn là một khoản tốn kém đối với nhiều người, và thực tế là rất nhiều người Mỹ đơn giản là không thích đi du lịch,” ông nhận định. “Chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng của loại hình du lịch hàng hiệu từ tầng lớp tiêu dùng cao cấp tại Mỹ, nhưng nhìn chung, mức độ này chỉ mang tính cục bộ và không tạo ra ảnh hưởng lớn trên toàn thị trường”.

LIỆU BONG BÓNG XA XỈ CÓ VỠ?

Theo số liệu từ Bain, năm ngoái, thị trường hàng xa xỉ cá nhân toàn cầu đã mất khoảng hơn 50 triệu người tiêu dùng do điều kiện kinh tế bất ổn kết hợp với giá hàng xa xỉ tăng nhanh chóng. Ngay cả khi hàng triệu người tiêu dùng rút lui khỏi cuộc chơi, tầng lớp khách hàng cao cấp nhất vẫn tiếp tục chi tiêu.

Tuy nhiên, theo ông Sheng Lu, giới siêu giàu – “vùng an toàn” bền vững của ngành hàng xa xỉ – sẽ tiếp tục chi tiêu bất chấp mọi biến động. “Họ sẽ vẫn mua sắm, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa”, ông Sheng Lu nhận định.

Thị trường xa xỉ Mỹ “ngổn ngang” do "cơn bão thuế quan" - Ảnh 4

Tuy nhiên, những người tiêu dùng thuộc nhóm siêu giàu có thể sẽ bắt đầu siết chặt chi tiêu. Người tiêu dùng cao cấp có khả năng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý bởi phản ứng của thị trường nhiều hơn là bởi chính sách thuế quan. Bởi lẽ, tại Mỹ, các hộ gia đình có thu nhập cao thường dựa vào hiệu suất thị trường để đánh giá triển vọng tài chính của mình, theo phân tích từ Bain.

Ngoài ra, ông Sheng Lu cũng cảnh báo rằng thị trường hàng xa xỉ không thể chỉ dựa vào nhóm siêu giàu để duy trì. Ông chỉ ra xu hướng các thương hiệu đang đầu tư mạnh hơn vào phân khúc “xa xỉ nhỏ” nhằm tiếp cận tầng lớp trung lưu khá và người tiêu dùng Gen Z – những nhóm hiện có khả năng sẽ rút lui khỏi thị trường xa xỉ. 

“Họ sẽ cảm nhận rõ rệt áp lực từ lạm phát và sự bất ổn trong triển vọng tài chính do tình hình kinh tế hiện tại,” ông Sheng Lu nhận định. “Tôi không nghĩ họ sẽ tiếp tục chi tiêu như trước, đặc biệt là đối với các mặt hàng xa xỉ”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate