April 05, 2025 | 09:34 GMT+7

Văn hóa hàng "dupe" ảnh hưởng lớn đến ngành xa xỉ toàn cầu

Minh Anh -

Năm 2025 chứng kiến sự lên ngôi của “văn hóa đồ dupe” – xu hướng tìm kiếm các sản phẩm thay thế với giá cả phải chăng hơn nhưng vẫn mang phong cách và thiết kế tương tự hàng hiệu cao cấp…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bạn yêu thích mẫu túi Margaux của The Row nhưng không thể chi trả mức giá 5.000 USD - tương đương 120 triệu đồng? Mẫu túi Bowling Bag của Cos, với giá khoảng 390 USD - tương đương 9,3 triệu đồng, được đánh giá là phiên bản thay thế tốt nhất trên thị trường thời trang đại chúng.

Nếu bạn ưa chuộng thiết kế giày bệt đan Mara của The Row có giá 890 USD - tương đương 21 triệu đồng, các mẫu tương tự có thể dễ dàng tìm thấy trên Shopee với mức giá chỉ từ 200.000 - 300.000 đồng. Tương tự, mẫu khuyên tai Small Drop của Bottega Veneta, vốn có giá khoảng 20 triệu đồng, cũng có nhiều phiên bản trên Shopee với mức giá chỉ từ 20.000 đồng.

Các phiên bản "dupe" của các mẫu thiết kế nổi tiếng có thể mua được dễ dàng trên các sàn thương mại điện tử với giá rẻ.
Các phiên bản "dupe" của các mẫu thiết kế nổi tiếng có thể mua được dễ dàng trên các sàn thương mại điện tử với giá rẻ.

Một ví dụ đình đám khác là chiếc túi dupe Birkin của Walmart – phiên bản được cộng đồng mạng gọi tên là “Wirkin” chỉ có giá khoảng 80 USD trên trang bán lẻ này, một mức giá quá phải chăng so với con số hơn 10.000 USD của chiếc Hermès Birkin chính hãng.

Sản phẩm này nhanh chóng “cháy hàng” sau khi trở nên viral trên TikTok. Mới đây, xuất hiện thông tin rằng Amazon cũng đã bắt đầu cung cấp các mẫu túi mang phong cách Birkin với mức giá chỉ 510 USD.

Văn hóa hàng "dupe" ảnh hưởng lớn đến ngành xa xỉ toàn cầu - Ảnh 1

Xu hướng “hàng dupe” đã làm thay đổi cách người tiêu dùng mua sắm khi các sản phẩm mô phỏng ngày càng trở nên phổ biến và được chấp nhận rộng rãi trên thị trường đại chúng. Đây là những lựa chọn thay thế giá rẻ cho các sản phẩm cao cấp hoặc xa xỉ nhưng thường không sao chép trực tiếp logo hoặc các chi tiết đã được đăng ký thương hiệu, giúp chúng hợp pháp và không bị coi là hàng giả.

“Theo thời gian, từ ‘dupe’ với sắc thái nhẹ nhàng hơn đã thay thế các thuật ngữ mang ý nghĩa tiêu cực như hàng nhái, hàng replica hay hàng giả,” bà Susan Scafidi, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Viện Luật Thời trang tại Trường Luật Fordham, nhận định.

“Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người tiêu dùng trẻ hiện nay coi hàng dupe là dấu hiệu của mua sắm thông minh, cho thấy họ đủ am hiểu để nhận ra sản phẩm gốc nhưng cũng đủ khôn ngoan trong quản lý tài chính để lựa chọn một phiên bản tương tự với giá cả hợp lý hơn”.

Văn hóa hàng "dupe" ảnh hưởng lớn đến ngành xa xỉ toàn cầu - Ảnh 2

Xu hướng “hàng dupe” bắt đầu bùng nổ mạnh mẽ từ năm 2022, được thúc đẩy bởi các video TikTok của người tiêu dùng chia sẻ về những món đồ thời trang, làm đẹp có chất lượng cao cấp với mức giá bình dân. Năm 2023, hashtag #dupe đạt 3,5 tỷ lượt xem trên nền tảng này.

Đến nay, con số đó đã vượt 6,3 tỷ. Không chỉ yêu thích các sản phẩm dupe, thế hệ Gen Z còn tích cực quảng bá chúng và khuyến khích bạn bè cùng tham gia. Sự ảnh hưởng của mạng xã hội tới văn hóa hàng dupe là không thể phủ nhận.

Văn hóa hàng "dupe" ảnh hưởng lớn đến ngành xa xỉ toàn cầu - Ảnh 3

Thực tế, không phải tất cả các sản phẩm dupe đều giống nhau. Khi ngày càng nhiều người tiêu dùng – và cả thương hiệu – đón nhận xu hướng này, các cấp độ chất lượng khác nhau trong danh mục vốn đã mơ hồ này cũng bắt đầu xuất hiện.

CẤP ĐỘ THẤP NHẤT: THỜI TRANG SIÊU NHANH

Các “ông lớn” trong ngành thời trang nhanh như Shein và Temu đã đẩy nhanh sự phát triển của các sản phẩm thời trang dupe nhờ khả năng sản xuất hàng loạt nhanh chóng với giá rẻ hơn khi một món đồ xa xỉ bắt đầu trở thành xu hướng.

Brian Walker, Giám đốc Chiến lược của công ty thương mại điện tử Bloomreach, từng chia sẻ với Vogue Business: “Chúng ta đang chứng kiến một nền văn hóa hàng nhái vốn đã tồn tại từ lâu, nay được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, đi kèm với sự gia tăng nhu cầu từ mạng xã hội”.

Văn hóa hàng "dupe" ảnh hưởng lớn đến ngành xa xỉ toàn cầu - Ảnh 4

Các thương hiệu thời trang thường xuyên đệ đơn kiện các công ty này, theo Shermin Lakha, nhà sáng lập công ty luật Lvlup Legal và agency sáng tạo Tiger Tiger. Tuy nhiên, mức độ thành công của các vụ kiện lại khác nhau. Với Shein, phần lớn các vụ kiện đều dẫn đến việc dàn xếp kín, hoặc công ty này buộc phải gỡ bỏ sản phẩm vi phạm khỏi trang web của mình.

CẤP ĐỘ HAI: THƯƠNG HIỆU DUPE VỚI GIÁ CẢ TRUNG BÌNH

Gần đây, một phân khúc mới đã xuất hiện: các thương hiệu chuyên sản xuất đồ dupe cao cấp. Một số thương hiệu công khai tiếp thị theo hướng này, trong khi số khác để sản phẩm tự lên tiếng. Ví dụ tại Việt Nam, thương hiệu Floralpunk liên tục ra mắt các sản phẩm túi xách “dupe” với các mẫu túi cao cấp của Chanel, Longchamp…, với mức giá trung bình từ 800.000  - hơn 1.200.000 đồng.

Văn hóa hàng "dupe" ảnh hưởng lớn đến ngành xa xỉ toàn cầu - Ảnh 5
Văn hóa hàng "dupe" ảnh hưởng lớn đến ngành xa xỉ toàn cầu - Ảnh 6
 
Văn hóa hàng "dupe" ảnh hưởng lớn đến ngành xa xỉ toàn cầu - Ảnh 7
Văn hóa hàng "dupe" ảnh hưởng lớn đến ngành xa xỉ toàn cầu - Ảnh 8
 

So sánh 2 mẫu túi xách của Floralpunk với 2 thiết kế túi từ các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng.

Túi xách của Floralpunk được biến tấu một chút để không quá giống y nguyên như bản gốc, được người mua nhận xét là chất lượng tốt hơn các mẫu mã giá rẻ tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. Thương hiệu này chưa bao giờ lên tiếng về sự giống nhau của các mẫu thiết kế, nhưng người mua cũng tự “ngầm hiểu” và các sản phẩm của hãng cũng liên tục cháy hàng trên các nền tảng bán hàng. 

CẤP ĐỘ CAO NHẤT: HÀNG DUPE TỪ THƯƠNG HIỆU CAO CẤP

Thuật ngữ "dupe" không còn chỉ giới hạn trong các sản phẩm nhái hay sao chép mà đã mở rộng sang những lựa chọn tầm trung chất lượng, có thể thay thế cho hàng xa xỉ đắt đỏ.

Các thương hiệu theo phong cách đơn giản như Uniqlo, Gap, Banana Republic, J Crew và Cos ngày càng được các tín đồ thời trang ưa chuộng, phản ánh thực tế rằng phần lớn người tiêu dùng không thể theo kịp tốc độ tăng giá của các thương hiệu cao cấp. Ngay cả những người sẵn sàng chi khoảng 500 USD cho một chiếc quần jeans cũng không phải lúc nào cũng muốn lấp đầy tủ đồ bằng những chiếc áo len có giá hơn 1.000 USD.

Văn hóa hàng "dupe" ảnh hưởng lớn đến ngành xa xỉ toàn cầu - Ảnh 9

Tương tự như các thương hiệu bản sao cao cấp, các nhãn hàng tầm trung này đang tận dụng xu hướng "quiet luxury" (xa xỉ tinh tế) đã thống lĩnh ngành thời trang trong hai năm qua. Chất lượng của các thương hiệu này vượt trội hơn so với những thương hiệu bản sao phổ biến trên mạng, trong khi giá cả vẫn đủ hợp lý để thu hút người mua. Một chiếc áo len cổ tròn màu xám, mang vẻ ngoài tinh tế của The Row hoặc Toteme và có thể được bán với giá hàng nghìn USD, thực tế lại là sản phẩm của Uniqlo, chỉ có giá dưới 100 USD.

LIỆU HÀNG DUPE CÓ HỢP PHÁP?

Nhìn chung, các sản phẩm dupe được xem là lựa chọn thay thế chứ không phải bản sao trực tiếp của một sản phẩm đã có sẵn. Tuy nhiên, định nghĩa về "dupe" vẫn còn mơ hồ, đồng nghĩa với việc tính pháp lý của chúng cũng không rõ ràng, theo lời cảnh báo của chuyên gia Susan Scafidi.

"Hàng giả" là một thuật ngữ pháp lý để chỉ việc sử dụng nhãn hiệu một cách trái phép và do đó là bất hợp pháp. Trong khi đó, khái niệm "dupe" chưa được pháp luật quy định cụ thể, đồng nghĩa với việc một sản phẩm "dupe" có thể hoặc không phải là hàng giả.

Văn hóa hàng "dupe" ảnh hưởng lớn đến ngành xa xỉ toàn cầu - Ảnh 10

"Khi một sản phẩm 'dupe' không sử dụng tên hoặc logo đã được đăng ký nhãn hiệu của sản phẩm chính hãng, khả năng bị xem là hàng giả sẽ thấp hơn", bà Susan Scafidi giải thích.

Các thương hiệu thường dựa vào luật nhãn hiệu để bảo vệ tên tuổi và logo của mình, nhưng bà Susan Scafidi lo ngại rằng văn hóa "dupe" đang làm xói mòn sự bảo hộ này. "Việc gắn nhãn hiệu của một thương hiệu khác lên sản phẩm là hành vi bất hợp pháp, nhưng mô tả một sản phẩm 'dupe' là tương tự với một sản phẩm thương hiệu thường được chấp nhận, miễn là điều đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng". Về lâu dài, điều này sẽ gây ra ảnh hưởng không hề nhỏ đối với các thương hiệu xa xỉ toàn cầu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate