Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về diện tích trồng cà phê, với hơn 700 nghìn ha (sau Brazil: 1,9 triệu ha; Indonesia: 1,2 triệu ha; các quốc gia Colombia, Ethiopia và Bờ Biển Ngà mỗi nước có trên dưới 800 nghìn ha). Tuy nhiên, nhờ năng suất cà phê của Việt Nam cao nhất thế giới, cao gấp 2,8 lần so với năng suất cà phê của Indonesia, nên Việt Nam đạt sản lượng cà phê thu hoạch hàng năm lớn thứ nhì thế giới, với 1,75-1,85 triệu tấn.
CÀ PHÊ VIỆT CHIẾM THỊ PHẦN LỚN TẠI EU VÀ MỸ
Tại hội thảo “Phát triển bền vững ngành hàng cà phê” trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Sơn La mới đây, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết Việt Nam hiện đang xuất khẩu cà phê đến hơn 80 quốc gia. Năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 1,77 triệu tấn, với kim ngạch đạt trên 4,05 tỷ USD. Trong đó EU là thị trường tiêu thụ lớn, chiếm 38,3% trong tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của cả nước.
Xét về thị trường đơn lẻ, Đức, Italia và Hoa Kỳ là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, với thị phần lần lượt là: 11,6%; 7,8% và 7,2%. Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,266 triệu tấn, trị giá 3,16 tỷ USD, giảm 7,3% về lượng, nhưng tăng 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
EU vẫn đang là thị trường nhập khẩu và tiêu dùng cà phê lớn nhất thế giới. Niên vụ 2022-2023 (tính từ tháng 10/2022 đến hết tháng 9/2023), EU nhập khẩu 47,5 triệu bao cà phê (mỗi bao 60 kg), tăng 3 triệu bao so với năm 2022; chiếm 40% tổng lượng cà phê nhân nhập khẩu của thế giới. Các nhà cung cấp cà phê hàng đầu cho EU gồm: Brazil chiếm 35%; Việt Nam chiếm 22%; Uganda chiếm 7%; Honduras chiếm 6%.
"Về cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê nhân sống Robusta vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, với trên 1,5 triệu tấn và kim ngạch trên 3 tỷ USD; xuất khẩu cà phê nhân sống Arabica chỉ đạt trên 58 nghìn tấn và kim ngạch 253 triệu USD".
Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.
Đứng thứ hai là Mỹ, với 26,5 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, tăng 2,5 triệu bao so với niên vụ trước. Các nhà cung cấp cà phê hàng đầu cho thị trường Mỹ gồm: Brazil chiếm 31%; Colombia chiếm 19%; Việt Nam chiếm 10%; Guatemala chiếm 6%.
Giá xuất khẩu cà phê hiện tại đã đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, với bình quân 2.682 USD/tấn trong tháng 9/2023, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng 2023, giá cà phê xuất khẩu đạt 2.496 USD/tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tại thị trường trong nước, giá cà phê cũng đã thiết lập mốc kỷ lục cao nhất từ trước tới nay, có thời điểm lên đến 70.000 đồng/kg. Hiện tại giá cà phê nội địa đang ở mức bình quân 61.000 đồng/kg, cao hơn 68% so với cuối năm ngoái.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, hiện cả nước có 710,6 nghìn ha cây cà phê, sản lượng 1,85 triệu tấn/năm. Năng suất trung bình cà phê Việt Nam lên tới 2,82 tấn/ha, cao gấp 1,4 lần của Brazil; gấp 2,8 lần Colombia và gấp 4,5 lần của Indonesia.
Nhằm thực thi cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các quy trình kỹ thuật về canh tác, tái canh, chế biến cà phê. Gần đây, Cục Trồng trọt đã ban hành quy trình tạm thời về canh tác tiết kiệm chi phí, giảm vật tư đầu vào đối với sản xuất cà phê tại Quyết định số 318/QĐ-TT-CCN ngày 5/9/2023.
NGÀNH CÀ PHÊ ĐỐI MẶT NHIỀU THÁCH THỨC
Tính đến tháng 9/2023, diện tích trồng cà phê có chứng nhận sản xuất bền vững trên cả nước đạt 185,8 nghìn ha, với các chứng nhận UTZ CERTIFIED (Chương trình chứng nhận toàn cầu, đưa ra các tiêu chuẩn về sản xuất và kinh doanh cà phê có trách nhiệm); Chứng nhận Rainforest (Bộ quy tắc thực hành phát triển bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển vững trên toàn cầu do Tổ chức RA thực hiện); Chứng nhận 4C (Quy tắc chung của Cộng đồng cà phê - là một hệ thống chứng nhận toàn cầu về trồng và sản xuất cà phê bền vững); Chứng nhận VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Việt Nam).
Tuy vậy, theo Cục Trồng trọt, ngành cà phê đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một là, diện tích tăng nhanh vượt quy hoạch. Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2020-2030 cả nước có 600 nghìn ha cà phê. Thế nhưng hiện tại, thống kê diện tích cà phê đang có đã là 710 nghìn ha, vượt gần 18% so với quy hoạch.
Hai là, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán chiếm tỷ trọng cao, 89,7% trong tổng diện tích trồng cà phê là của nông hộ, trong đó 63% là nông hộ nhỏ quy mô dưới 1 ha, do đó khó tiếp cận vốn và tiến bộ kỹ thuật.
Ba là, cơ cấu giống cà phê chưa hợp lý: cà phê Robusta chiếm tỷ lệ cao 92,9%; diện tích trồng cà phê giống mới còn thấp, chỉ chiếm 20%.
Bốn là, chi phí canh tác cà phê còn cao.
Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, cho biết ngành hàng cà phê đang đứng trước thách thức phải chuyển đổi để tuân thủ những “luật lệ” mới từ EU và các thị trường trên thế giới như đã nói ở trên.
Đạo luật mới của CHLB Đức về Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có hiệu lực từ tháng 1/2023. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp ở bất kỳ đâu nếu đã tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm tại Đức đều phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu về trách nhiệm thẩm định về quyền của người lao động và môi trường...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 44-2023 phát hành ngày 30-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam