Cần có các chính sách ưu đãi hơn nữa đối với các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực và doanh nghiệp nhỏ và vừa, như: về ưu đãi thuế, đào tạo, tài chính, phát triển thị trường...
CẦN BỆ ĐỠ CHÍNH SÁCH
Công bố khảo sát về tình hình thực tiễn của doanh nghiệp tại hội thảo "Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu", do Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức, bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành NC Network, cho rằng Việt Nam chưa có một hãng máy hoàn chỉnh, các doanh nghiệp sử dụng máy cũ của Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp mua đầu tư máy mới nhưng không phải tất cả đều làm được. Trong khi ở Nhật Bản có chuyên môn hóa về từng lĩnh vực dập, phay hoặc hàn, thì ở Việt Nam doanh nghiệp khó khăn để hoàn thành một cụm chi tiết, do máy móc chưa đủ nên không thể nhận được đơn hàng.
Đặc biệt, nguyên vật liệu cũng đang bị phụ thuộc vào nước ngoài, tìm mua ở Việt Nam không có, đặt hàng ở Trung Quốc nhưng sản lượng mua về quá ít nên không thể mua được. Có tới 71% doanh nghiệp được khảo sát gặp vấn đề chậm giao hàng. Vì có tình trạng doanh nghiệp gia công ở Vĩnh Phúc nhưng xử lý nhiệt lại ở địa phương khác, làm cho việc hoàn thành giao hàng là khó khăn. Có công ty của Nhật Bản muốn đầu tư nhưng lo lắng về việc không đảm bảo trong xử lý nhiệt, khi phải chạy tới tận Quảng Ninh để làm, trong khi việc đầu tư xử lý nhiệt thì lại băn khoăn về môi trường…
Hiện nay số lượng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ dù tăng mạnh nhưng chưa đủ và thiếu doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghệ nguồn, như: khuôn, đúc, ép nhựa, hàn, xử lý nhiệt…
Bùi Thị Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành NC Network.
“Trong bối cảnh cơ hội tham gia chuỗi cung ứng đang rất nhiều, nhưng rủi ro và khủng hoảng đang rất cao, cố gắng duy trì "ngủ đông" đến quý 3/2023 để có quyết định đầu tư. Do đó, cần nâng cao hơn nữa chính sách hỗ trợ về ưu đãi thuế, đào tạo, tài chính, phát triển thị trường”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Hạnh cho hay doanh nghiệp cũng mong muốn có lãi suất hợp lý, cần được dùng tài sản thế chấp là máy móc thay vì chỉ là bất động sản. Nhà nước có chiến lược dài hạn, xác định ngành công nghiệp mũi nhọn để doanh nghiệp không thể phụ thuộc vào bên ngoài và yên tâm phát triển và quy hoạch các khu công nghiệp theo chuỗi cung ứng.
Về thuế nhập khẩu, theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM, quy định của luật là giảm dần mức thuế từ thành phẩm tới nguyên liệu thô. Tuy nhiên, trên thực tế thì nhiều mặt hàng nguyên liệu vẫn bị đánh thuế. Chẳng hạn, thuế nhập khẩu nguyên thiết bị bằng 0%, nhưng nhập nguyên liệu có thành phẩm thậm chí lên tới 20%.
Để doanh nghiệp tự chủ tham gia vào chuỗi cung ứng, ngoài việc doanh nghiệp cần chủ động, nhưng nếu có bệ đỡ chính sách tốt thì doanh nghiệp sẽ có năng lực tốt hơn.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM.
Thông tin thêm về thuế nhập khẩu, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Điện Quang, cho rằng thuế với một số sản phẩm linh kiện điện tử đang không khuyến khích sản xuất. Đơn cử, thuế nhập khẩu bo mạch điện tử cho máy tính bằng 0%, nhưng linh kiện lắp ráp bo mạch phải chịu thuế khiến bo mạch điện tử sản xuất trong nước chịu thuế khoảng 3%, không cạnh tranh bằng việc nhập khẩu.
"Nhà nước cần có chính sách dành cho doanh nghiệp sản xuất ra nguyên vật liệu cơ bản, như chip led là lĩnh vực phục vụ cho nhiều ngành chứ không riêng gì ngành chiếu sáng. Ngoài ra, những sản phẩm có sở hữu trí tuệ đăng ký tại Việt Nam, thì cần xem xét trong quá trình tham gia trong mua hàng của nhà nước", ông Hưng nói.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, cho biết các chính sách hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Vì vậy, trong xây dựng luật tới đây sẽ chú trọng vấn đề chính sách thuế, như: kích cầu cấp bù lãi suất, vì lãi suất mười mấy phần trăm không ai đi làm công nghiệp.
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp "hấp thụ" được hiệu quả hơn để có thể đón đầu cơ hội từ các tập đoàn lớn đang có dự định đầu tư vào Việt Nam thì các chính sách nói trên cần hiện xuyên suốt, liên tục để các doanh nghiệp có thể phục hồi, và phát triển.
XÁC ĐỊNH RÕ VAI TRÒ CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP
Theo ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trong thời gian qua, ngành công nghiệp thành phố đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế khi chiếm khoảng 18% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn).
Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2016 đến nay, cơ cấu ngành công nghiệp TP.HCM đã chuyển dịch đúng định hướng, cơ cấu 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng từ 52,8% năm 2016 lên 55,8% năm 2020.
Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp.
Ông Châu cho biết TP.HCM đã xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển. Theo đó, thành phố đang xây dựng đề án khoa học "Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050".
Triển khai đi trước để thực hiện chương trình trên của thành phố, Sở Công thương TP.HCM đã ký kết hợp tác với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, Sở Công thương các tỉnh, thành phố nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; Phối hợp nghiên cứu, góp ý, đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp; phối hợp, liên kết hình thành vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp…