Trong nhà bếp thử nghiệm của công ty Upside Foods tại Berkeley, California, một đầu bếp đang đưa miếng thịt gà áp chảo lên đĩa và tranh trí bằng rau thơm và khoai tây baby. Món gà áp chảo này trông không có vẻ gì xa xỉ, nhưng như Uma Valeti, giám đốc điều hành của Upside, lưu ý, trên thế giới chắc chỉ có khoảng một nghìn người đã được nếm thử nó.
Đó là bởi miếng thịt gà đặc biệt này được “nuôi” hoàn toàn trong phòng thí nghiệm. Upside đã lấy mẫu sinh thiết từ một con gà sống, sau đó họ dùng các tế bào gốc thu thập được để tạo thành một nhóm tế bào và từ đó tiếp tục tạo thành miếng thịt. Hình dạng, mùi và vị của miếng thịt nhân tạo này giống hệt miếng thịt gà trắng không xương - và thực sự nó là một miếng thịt gà, chỉ khác là được tạo ra bằng một “cách thức” mới lạ.
MỘT THỊ TRƯỜNG SÔI ĐỘNG THỰC SỰ
Theo Reuters, hồi tháng 11 năm ngoái, Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã chứng nhận ức gà do Công ty công nghệ thực phẩm Upside Foods nuôi trồng trong phòng thí nghiệm là an toàn để tiêu thụ. Upside Foods hy vọng sẽ đưa sản phẩm đến các nhà hàng vào năm 2023 và đến các cửa hàng thực phẩm vào năm 2028. Tuy nhiên, sản phẩm ức gà nuôi trồng của công ty này vẫn cần được Cục Thanh tra và an toàn thực phẩm (FSIS) của Bộ Nông nghiệp Mỹ kiểm tra và chứng nhận trên nhãn hàng.
Nicholas Genovese, nhà sinh vật học mảng tế bào gốc, là một người tiên phong trong nền khoa học có công hiện thực hóa quy trình chế biến sản phẩm trên. Ông là nhà đồng sáng lập của Upside Foods, nhưng năm 2021 đã rời khỏi công ty. Thử thách lớn của đề án này, theo ông chia sẻ, là khả năng đáp ứng trên diện rộng và làm thỏa mãn các quy định trong kiểm duyệt. “Khi đem một sản phẩm vào thị trường cạnh tranh, ta cần cân nhắc nhiều khía cạnh”, ông Genovese nói.
Upside Foods đã làm việc với FDA trong 4 năm trước khi được cơ quan này cấp chứng nhận an toàn vào tháng 11. “Chúng tôi rất vui mừng về thông báo này”, David Kay, trưởng ban truyền thông của Upside, chia sẻ và nói thêm: "Bước đột phá mang tính lịch sử này đã mở đường cho chúng tôi vào thị trường”. GOOD Meat, một công ty thịt nuôi trồng khác có trụ sở tại California cũng đã nộp đơn xin cấp chứng nhận an toàn và đang chờ FDA xử lý. Hai đối thủ khác là Mosa Meat (Hà Lan) và Believer Meats (Israel) cũng cho biết là đang đàm phán với FDA.
Không khó để thấy lý do tại sao các nhà đầu tư lại hào hứng với lĩnh vực này. Nhu cầu về thịt và cá đang tăng cao, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Các nhóm tế bào mà các công ty như Upside sử dụng được "thu hoạch" chỉ sau vài tuần nuôi cấy. Sau đó, mỗi công ty sẽ có một phương pháp độc quyền khác nhau để biến các tế bào cơ và mỡ thu được thành một miếng thịt. BlueNalu, có trụ sở tại San Diego, đang nuôi thịt cá ngừ vây xanh trong phòng thí nghiệm; và họ tự hào có thể cung cấp cho các đầu bếp thịt cá chất lượng cao nhất.
Một công ty của Israel, Aleph Farms, sử dụng máy in 3D để biến các tế bào bò thành miếng bít tết - một quy trình tương tự các kỹ thuật đang được sử dụng để nuôi cấy mô và các cơ quan bên ngoài cơ thể người phục vụ cấy ghép. Trong khi đó, Gourmey, công ty khởi nghiệp của Pháp, đang sử dụng các tế bào được nuôi cấy từ trứng vịt để tái tạo gan ngỗng, một sản phẩm giá cao và cực kỳ tàn khốc trong quá trình chăn nuôi.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Osaka gần đây cũng đã công bố việc sử dụng tế bào gốc và máy in 3D để tạo ra một miếng bít tết trong đó cơ, mạch máu và mỡ được sắp xếp bắt chước cấu trúc của thịt bò Wagyu.
Các công ty thậm chí có thể tiến xa hơn, chỉnh sửa gen để cải thiện giá trị dinh dưỡng và hương vị thịt. Các kỹ sư chế biến thịt bò ở Osaka có thể tăng hoặc giảm hàm lượng chất béo của thịt bò Wagyu nhân tạo, tùy theo khẩu vị hoặc yêu cầu sức khỏe của người dùng. Thịt gà có thể được điều chỉnh để chứa axit béo omega-3 vốn chỉ có ở cá. Và cá có thể tươi hơn nếu nó đến bàn ăn thẳng từ phòng thí nghiệm thay vì đại dương xa xôi.
“VƯỢT KHÓ” TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN SIÊU THỊ
Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức trước khi những sản phẩm này xuất hiện ở các siêu thị. Đầu tiên là quy định. Trong vấn đề này, Singapore dẫn đầu thế giới khi từ năm 2019 đã cho phép bán “các sản phẩm protein thay thế chưa được tiêu thụ làm thực phẩm trước đây”, nếu các sản phẩm này vượt qua đánh giá an toàn của hội đồng chuyên gia. Eat Just, công ty có trụ sở tại San Francisco, đã được Singapore chấp thuận bán thịt gà nuôi trong phòng thí nghiệm vào cuối năm ngoái. Quá trình đánh giá của Singapore thường chỉ mất từ ba đến sáu tháng.
Ở Mỹ, thịt nuôi trong phòng thí nghiệm muốn ra thị trường phải qua đánh giá của hai cơ quan khác nhau: Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) - cơ quan sẽ giám sát sự phát triển của tế bào và đưa ra các đánh giá an toàn; và Bộ Nông nghiệp, nơi tiến hành thanh tra liên tục, như đối với các cơ sở chăn nuôi động vật sống, khi doanh nghiệp tiến hành sản xuất. Ở Châu Âu, Quy trình chấp thuận thịt nuôi trong phòng thí nghiệm do Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu phụ trách, nhưng dự kiến sẽ chậm hơn ít nhất ba lần so với Singapore.
Thách thức tiếp theo là các công ty sản xuất thịt cần làm cho quy trình của họ trở nên rẻ hơn. Theo The Guardian, đến nay chưa có công ty thịt nuôi nào đang sản xuất ở quy mô đủ để kiếm tiền. Các lãnh đạo của Upside Foods, Mosa Meat, Believer Meats và GOOD Meat cho biết, họ cần phát triển chuỗi cung ứng về hỗn hợp dinh dưỡng mới để nuôi tế bào thịt cũng như lò phản ứng sinh học khổng lồ cần thiết để sản xuất thịt nuôi trồng với khối lượng lớn.
Hiện tại, năng lực sản xuất của doanh nghiệp có hạn. Cơ sở của Upside Foods có khả năng sản xuất 181 tấn thịt nuôi trồng mỗi năm, chỉ là một phần nhỏ so với 48 triệu tấn thịt gia súc và gia cầm thông thường được sản xuất tại Mỹ trong năm 2021, theo Viện thịt Bắc Mỹ. Josh Tetrick, đồng sáng lập của GOOD Meat, cho biết nếu các công ty không thể có được nguồn vốn cần thiết để mở rộng quy mô sản xuất thì sản phẩm sẽ không đạt được mức giá cạnh tranh với thịt thông thường.
Và nếu các công ty có thể mở rộng quy mô với chi phí hợp lý, nhiều người tiêu dùng có thể sẽ không đánh giá cao các lợi ích của thịt nhân tạo; và ý tưởng ăn một thứ gì đó được nuôi cấy mô chắc chắn là mới lạ và đáng lo ngại với nhiều người. Các công ty thịt nuôi trồng dự định thuyết phục người tiêu dùng rằng sản phẩm này “xanh” hơn và đạo đức hơn so với vật nuôi thông thường, điều có thể giúp sản phẩm hấp dẫn những người tránh ăn thịt vì lý do đạo đức.
Một điểm thu hút khác là việc nuôi trồng thịt trong thùng thép thay vì trên cánh đồng có thể làm giảm tác động môi trường của vật nuôi, vốn chịu trách nhiệm cho 14,5% lượng khí thải nhà kính của thế giới thông qua hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi, phá rừng, quản lý phân thải và lên men đường ruột (ợ hơi của động vật), theo Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO). Các công ty thịt nuôi trồng có lợi thế hơn so với các công ty thịt thực vật ở chỗ là có thể khẳng định sản phẩm này là thịt thật.
Tuy nhiên, theo Janet Tomiyama, nhà tâm lý học sức khỏe tại Đại học California ở Los Angeles, vẫn còn rất nhiều người “dị ứng” với thịt nuôi trồng. Trong một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên Tạp chí Tâm lý môi trường, bà phát hiện, 35% người ăn thịt và 55% người ăn chay cho rằng thịt nuôi trồng là “không tự nhiên” và có thái độ tiêu cực về loại thịt này trước khi ăn thử.