August 03, 2022 | 13:04 GMT+7

Thổ Nhĩ Kỳ: Lạm phát có thể vượt 80%, chính sách vẫn siêu nới lỏng

Bình Minh -

Lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo có thể vượt 80% trong tháng 7 vừa qua, nhưng nước này vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng...

Tỷ giá đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ so với đồng USD đã giảm hơn 1/4 từ đầu năm đến nay, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất trong số đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi - Ảnh: Reuters.
Tỷ giá đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ so với đồng USD đã giảm hơn 1/4 từ đầu năm đến nay, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất trong số đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi - Ảnh: Reuters.

Lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể tăng tốc trở lại và phải mất vài tháng nữa mới đạt đỉnh, thậm chí có thể lên tới mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á 1997, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương nước này tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Theo tin từ Bloomberg, xu hướng leo thang của lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc giới chức nước này và các chuyên gia kinh tế phải nhiều lần điều chỉnh dự báo trong năm nay. Nỗ lực bình ổn tỷ giá đồng nội tệ Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đẩy cao giá cả hầu như mọi mặt hàng từ lương thực-thực phẩm tới năng lượng.

 

“Nếu chính sách tiền tệ này tiếp tục, việc vượt lên được lạm phát sẽ là điều không thể. Chính sách tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ là không bền vững”.

Nhà quản lý tiền tệ Ogeday Topcular, RAM Capital SA

Ngày 3/8, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ công bố báo cáo lạm phát hàng tháng. Theo một cuộc khảo sát do Bloomberg thực hiện với sự tham gia của 22 nhà phân tích, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Thổ Nhĩ Kỳ tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức tăng 78,6% ghi nhận trong tháng 6. Số liệu đã công bố cho thấy Istanbul – thành phố đông dân nhất của Thổ Nhĩ Kỳ - chứng kiến giá tiêu dùng tăng hơn 99% trong tháng 7 so với cùng kỳ 2021.

“Nếu chính sách tiền tệ này tiếp tục, việc vượt lên được lạm phát sẽ là điều không thể. Chính sách tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ là không bền vững”, nhà quản lý tiền tệ Ogeday Topcular thuộc RAM Capital SA nhận định.

Dù nhiều quốc gia trên thế giới đang đương đầu với mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một trường hợp gây chú ý, bên cạnh những nước có mức lạm phát “khủng” khác như Zimbabwe, Venezuela và Lebanon – nơi tốc độ tăng giá đã vượt quá mức 3 con số. Số liệu mới nhất cho thấy lạm phát ở Zimbabwe là 192%; ở Venezuela là 167%; ở Lebanon là 210%.

Chính sách siêu lỏng lẻo khiến Thổ Nhĩ Kỳ “lạc nhịp” với xu hướng chung của chính sách tiền tệ trên toàn cầu hiện nay – khi nhiều nền kinh tế đang thắt chặt quyết liệt nhất kể từ thập niên 1980 để chống lại sự leo thang của lạm phát. Nếu điều chỉnh theo lạm phát, lãi suất thực của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đang ở mức sâu dưới 0%.

“Các kỳ vọng không hề được neo giữ và đồng USD suy yếu đang đẩy giá cả lên cao hơn. Chúng tôi không cho rằng Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng lãi suất để phản ứng với sự leo thang không ngừng của lạm phát. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo chính trị của nước này đang kêu gọi giảm thêm lãi suất”, chuyên gia kinh tế Selva Bahar Baziki của Bloomberg nhận định.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan muốn giữ cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào tháng 6/2023, cho dù lạm phát tăng cao xói mòn thu nhập khả dụng của người dân và có thể khiến tỷ lệ ủng hộ ông suy giảm.

Phát biểu vào tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ Sahap Kavcioglu thể hiện quan điểm tự tin rằng mô hình kinh tế mới ưu tiên sản xuất, xuất khẩu và tạo công ăn việc làm của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp bình ổn giá cả và tỷ giá đồng Lira.

Thổ Nhĩ Kỳ: Lạm phát có thể vượt 80%, chính sách vẫn siêu nới lỏng - Ảnh 1

Thay vì thắt chặt chính sách tiền tệ, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã dựa vào các biện pháp vĩ mô khác như kiềm chế tăng trưởng các khoản vay thương mại, cũng như các chính sách tăng cường sử dụng đồng nội tệ và hướng dòng vốn chảy vào đầu tư dài hạn.

Ảnh hưởng của các chính sách trên thể hiện rõ trên thị trường tiền tệ, với tỷ giá đồng Lira so với đồng USD đã giảm hơn 1/4 từ đầu năm đến nay, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất trong số đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi.

Phần tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng có thể vẫn còn đang ở phía trước.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng ở Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo sẽ đạt đỉnh ở mức khoảng 85% trong tháng 9 hoặc tháng 10 – theo một báo cáo của Ngân hàng Trung ương. Cơ quan này cũng cho rằng lạm phát sẽ kết thúc năm 2022 ở mức 60,4%, cao hơn khoảng 18 điểm phần trăm so với con số đưa ra trong lần dự báo trước và cao gấp 12 lần so với mức lạm phát mục tiêu.

Tuy nhiên, dự báo này vẫn còn tương đối lạc quan nếu so với quan điểm của giới phân tích. Bloomberg Economics dự báo lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt mức cao 91% trong quý 3 năm nay và chỉ giảm tốc về mức 69% vào cuối năm.

Loại trừ khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ, Thống đốc Kavcioglu tuần trước nói rằng lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối năm nay có thể thấp hơn dự báo của ngân hàng trung ương, và sự giảm tốc có thể bắt đầu từ tháng này.

Khi được hỏi về sự “lệch pha” chính sách tiền tệ với các ngân hàng trung ương khác, ông Kavcioglu nói “chỉ thời gian mới đưa ra câu trả lời ai đúng”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate