March 20, 2024 | 10:00 GMT+7

Thời cơ để đón đầu dòng khách Halal

Tường Bách -

Thị trường khách du lịch Hồi giáo tuy còn mới mẻ nhưng tiềm năng “khai phá” được đánh giá rất cao. Với khoảng 140 triệu lượt khách đạo Hồi đi du lịch khắp thế giới, Việt Nam mới đón được chưa đầy 1 triệu khách…

Ảnh: Travel Weekly Asia
Ảnh: Travel Weekly Asia

Hiện tại, Thái Lan đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia không theo đạo Hồi được khách Hồi giáo ưa chuộng, sau Malaysia, Singapore và Vương quốc Anh. Hai năm trở lại đây, du lịch Hồi giáo đang có xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Song, Việt Nam chưa thực sự chú trọng thị trường này, chưa kiến tạo cơ hội phát triển và kêu gọi đầu tư rộng rãi dịch vụ du lịch đặc thù tại các điểm đến lớn trong cả nước.

TIỀM NĂNG TỪ ĐẤT NƯỚC LÁNG GIỀNG

Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Salahuddin Uno mới đây cho biết ít nhất 194 triệu người, chiếm 71,7% dân số Indonesia, dự kiến ​​sẽ di chuyển, bao gồm trở về quê hương hoặc đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr, kết thúc tháng lễ Ramadan. Các điểm đến du lịch cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để đón lượng khách du lịch khổng lồ trong ngày 10 và 11/4 tới. 

Theo ông Uno, lượng người đi lại năm nay dự kiến ​​​​tăng hơn nhiều so với con số 123,8 triệu lượt được ghi nhận trong kỳ nghỉ lễ Eid năm ngoái. Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia đã phối hợp với chính quyền khu vực và các bên liên quan để đảm bảo sự sẵn sàng và chuẩn bị chu đáo tại của các điểm du lịch trước kỳ nghỉ lễ. Bộ trưởng Sandiaga Uno kêu gọi các bên liên quan đảm bảo rằng tất cả các điểm đến du lịch, bao gồm Đền Borobudur, đều được chuẩn bị tốt theo tiêu chuẩn sạch sẽ, sức khỏe, an toàn và môi trường (CHSE) tiêu chuẩn.

Trong khi đó, dữ liệu của nền tảng du lịch Traveloka cũng ghi nhận sự đột biến về chi tiêu du lịch của người Indonesia, trong đó Việt Nam là nơi thu hút nhu cầu tăng mạnh nhất. Theo đó, chi tiêu của người Indonesia cho các sản phẩm du lịch quốc tế, từ vé máy bay, khách sạn đến các điểm tham quan, đã tăng gấp đôi vào năm 2023 so với năm 2022.

Rất đông người dân Indonesia dự kiến ​​sẽ đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr, kết thúc tháng lễ Ramadan.
Rất đông người dân Indonesia dự kiến ​​sẽ đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr, kết thúc tháng lễ Ramadan.

Iko Putera - một quản lý cấp cao của Traveloka cho biết Singapore và Nhật Bản là những điểm đến được người Indonesia yêu thích nhất, nhưng Việt Nam đang nổi lên là một đối thủ nặng ký. “Nhu cầu đến thăm Việt Nam tăng mạnh mẽ là do Sa Pa và Đà Nẵng đang được lan truyền trên mạng xã hội. Mọi người luôn tìm kiếm những trải nghiệm mới và mong muốn khám phá những điểm đến mới”. Theo ông Iko Putera, chi phí du lịch tại Việt Nam cũng là một yếu tố quan trọng, nhất là giá vé máy bay và giá khách sạn phải chăng hơn so với các điểm đến khác ở Đông Nam Á.

Yento Chen, Giám đốc điều hành của Công ty Destination Tour Indonesia, cho rằng Việt Nam thu hút du khách Indonesia bằng những dịch vụ đa dạng – từ cảnh quan thiên nhiên đến văn hóa và ẩm thực – mà không cần phải di chuyển đường dài. Theo ông Yento, trong khi các tour du lịch đến vịnh Hạ Long, TP.HCM và Hà Nội đã rất phổ biến thì Sa Pa và Phú Quốc hiện đang chiếm được cảm tình của du khách Indonesia, đặc biệt là vào kỳ nghỉ đông: “Việt Nam thu hút các đoàn khách MICE, nhóm gia đình và khách du lịch mạo hiểm vì quốc gia này cung cấp chuyến du lịch với nhiều trải nghiệm hơn, vốn được người Indonesia rất ưa chuộng”.

Đại diện công ty G-Tour, bà Angelina Samudera cho biết gói tour du lịch 5 ngày đến Sa Pa là sản phẩm được quan tâm nhất tại G-Tour, với hầu hết số lượng đặt chỗ được thực hiện từ tháng 12 đến tháng 2 trong mùa băng tuyết. Tính riêng công ty G-Tour đã ghi nhận lượng đặt chỗ tour đến Việt Nam tăng 20 - 30% vào năm 2023 và bà Angelina hy vọng sẽ duy trì sự tăng trưởng này bằng cách xây dựng tour kết hợp Hà Nội, vịnh Hạ Long và Sa Pa.

Thời cơ để đón đầu dòng khách Halal - Ảnh 1

THÊM NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG “NHẬP CUỘC”

Cùng với thị trường Ấn Độ, du khách Hồi giáo là thị trường còn khá mới mẻ, tuy nhiên, du lịch Việt Nam gây ấn tượng với du khách bởi sự an toàn, cảnh quan thiên nhiên đẹp, con người thân thiện, chất lượng dịch vụ đẳng cấp. Theo báo cáo chỉ số Hồi giáo toàn cầu, năm 2023, có khoảng 140 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch khắp nơi trên thế giới.

Đến năm 2028, ước khoảng 230 triệu lượt khách đi du lịch ra nước ngoài, chi tiêu lên tới 225 tỷ USD. Riêng khu vực Đông Nam Á có gần 300 triệu người Hồi giáo. Ngành du lịch Việt Nam đã xác định đây là một trong những thị trường tiềm năng cần xúc tiến, đẩy mạnh hợp tác.

Tại tỉnh Quảng Ninh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Nguyễn Huyền Anh cho rằng để thu hút khách Hồi giáo, Quảng Ninh phải có cơ sở hạ tầng tốt phù hợp thói quen của họ, có sản phẩm chứng nhận Halal và mời chuyên gia Hồi giáo đào tạo đội ngũ người làm du lịch về văn hóa Hồi giáo.

Cuổi năm 2023, Sở Du lịch tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội du lịch tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch Hồi giáo (Halal). Giảng viên đã truyền đạt các kiến thức về văn hóa người Ả rập, du lịch Hồi giáo, thực phẩm Halal, các dịch vụ thân thiện với người Hồi giáo. Tham gia lớp bồi dưỡng là đại diện các địa phương, cơ quan quản lý du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tương tự, tại sự kiện giới thiệu các sự kiện tiêu biểu của ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng năm 2024 diễn ra cuối tuần qua, du lịch Halal được đưa ra bàn thảo và được xem là tiềm năng lớn mà du lịch Lâm Đồng đang “bỏ quên”. Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Lâm Đồng, trong 8 hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch năm nay thì có tới 3 hoạt động nhắc du lịch Halal mà trọng điểm là hai thị trường Indonesia và Malaysia.

Kinh nghiệm để thu hút khách thị trường Halal là cần trả lời 2 câu hỏi: Cho họ ăn gì? Họ nghỉ ở khách sạn như thế nào?
Kinh nghiệm để thu hút khách thị trường Halal là cần trả lời 2 câu hỏi: Cho họ ăn gì? Họ nghỉ ở khách sạn như thế nào?

Đó là các hoạt động như: Ngày hội giới thiệu văn hoá Indonesia tại Lâm Đồng, dự kiến tổ chức vào tháng 6/2024; Đón đoàn khảo sát lữ hành, báo chí của thị trường Halal trọng điểm, đoàn từ Malaysia đến khảo sát các sản phẩm du lịch dự kiến vào tháng 7/2024; Tổ chức các chương trình xúc tiến phát triển du lịch tại quốc gia thuộc nhóm các thị trường Halal trọng điểm, dự kiến vào tháng 8/2024 tại Malaysia, Indonesia… Cùng với đó là, Sở VHTT&DL Lâm Đồng dự kiến sẽ tổ chức hội nghị hướng dẫn, bồi dưỡng cho các doanh nghiệp tiếp cận với ngành Halal trong năm 2024.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Halal Quốc gia Việt Nam cho biết Việt Nam đang hướng tới du khách Malaysia, Indonesia và xa hơn là vùng Trung Đông, nơi mà khách du lịch rất “phóng khoáng” khi quẹt thẻ. “Người Hồi giáo có những đặc thù trong ăn uống như không ăn thịt lợn, ăn những loại động vật được giết mổ theo nghi thức Hồi giáo. Thứ hai, trong điểm lưu trú, điểm đến cần có những dịch vụ cơ bản phù hợp với người Hồi giáo thể hiện sự tôn trọng văn hoá của người Hồi giáo…”, ông Cương nói.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp, Quảng Ninh, Sa Pa đang thu hút khách Halal tương đối tốt. Sắp tới, loạt tỉnh miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… cũng đã liên hệ với Công ty Halal Quốc gia Việt Nam để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ du lịch Halal.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate