Theo Ban quản lý hai cảng tàu, vé hành khách qua cảng sẽ tăng từ 40.000 đồng/người/lượt lên 60.000 đồng/người/lượt. Trong đó, người cao tuổi được giảm 50%, trẻ nhỏ từ 7 đến 15 tuổi được giảm 20%. Bên cạnh đó, phí dịch vụ, neo đậu đối với các tàu du lịch cũng tăng theo. Theo đó, tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, phí dịch vụ mỗi chuyến khoảng 100.000 đồng nhưng từ 1/4 sẽ tăng lên 150.000 đồng/chuyến. Ngoài ra, phí an ninh trật tự và chiếu sáng công cộng tăng từ 150.000 đồng lên 200.000 đồng/tàu/tháng.
NGÀNH DU LỊCH PHẤN KHỞI ĐÓN NĂM MỚI
Với việc tăng vé hành khách qua cảng, phí tham quan vịnh Hạ Long của mỗi hành khách sẽ tăng từ 440.000 lên 460.000 đồng với tuyến 1 (310.000 đồng vé tham quan, 150.000 vé tàu). Với tuyến 2, giá vé tăng từ 490.000 lên 510.000 đồng (310.000 vé tham quan và 200.000 vé tàu). Trong 310.000 đồng vé tham quan có 60.000 tiền phí qua cảng do các cảng thu. Giá vé nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long cũng sẽ tăng theo, trung bình từ 600.000 - 800.000 đồng/người.
Đại diện hai cảng tàu cho biết việc tăng phí đã được báo cáo và xin phê duyệt của Bộ Tài chính. Đây là lần tăng giá đầu tiên của Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long sau 5 năm đi vào hoạt động. Việc tăng giá đã được hai cảng thông báo tới các hãng tàu, công ty lữ hành, đối tác từ ngày 29/2.
Trước đó, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã trở thành cái tên được truyền thông trong và ngoài nước nhắc tới như một điểm đến của các sự kiện lớn. Chỉ vài ngày sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn, Cảng tàu đã tất bật chuẩn bị để đón những đội đua đầu tiên của giải đua thuyền buồm vòng quanh thế giới (Clipper Round The World Race - Clipper Race) 2023 - 2024 cập cảng.
Sau những bó hoa tươi thắm, sự chào đón nồng hậu từ Cảng tàu tới 11 đội đua và gần 400 thủy thủ, suốt hơn 2 tuần lễ sau đó, Quảng Ninh đã tận dụng triệt để sức nóng của sự kiện để quảng bá mạnh mẽ điểm đến. Theo đó, không chỉ mời các thuyền viên đa quốc tịch lưu trú và tham quan, trải nghiệm dịch vụ du lịch hấp dẫn, tỉnh còn tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá và thu hút đầu tư du lịch.
Cách Hạ Long khoảng 50km, sân bay quốc tế Vân Đồn cũng trải qua những ngày cuối tháng 2 bận rộn với Comac Airshow. Đây là triển lãm hàng không mở màn cho chuỗi sự kiện triển lãm của hãng máy bay hàng đầu Trung Quốc tại 5 quốc gia Đông Nam Á đã chọn Sân bay Vân Đồn là điểm đến để lần đầu tiên tổ chức sự kiện này tại Việt Nam. Đây cũng là dịp quan trọng để các doanh nghiệp hàng không Việt Nam - Trung Quốc thúc đẩy, tìm hiểu cơ hội hợp tác trong lĩnh vực hàng không nói riêng, tăng cường giao lưu hợp tác phát triển kinh tế nói chung.
Như vậy chỉ trong vòng 2 tuần lễ, Quảng Ninh đã liên tiếp đăng cai tổ chức 2 sự kiện tầm cỡ khu vực và quốc tế tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và Sân bay Vân Đồn. Với những tiêu chuẩn khắt khe phải đáp ứng để tổ chức các sự kiện đặc thù của ngành, Quảng Ninh không chỉ hân hoan đón dòng khách quốc tế đầu năm mà còn mở ra cơ hội quảng bá du lịch và thu hút đầu tư cho tỉnh.
DOANH NGHIỆP CÒN NHIỀU LO NGẠI
Dù vui mừng trước triển vọng thu hút du khách của tỉnh trong năm 2024, việc tăng phí nói trên đã gây phản ứng đối với các chủ tàu, doanh nghiệp lữ hành. Hiện đại diện Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết đã có văn bản kiến nghị gửi tới Ban quản lý hai cảng tàu. Theo đó, đại diện chi hội cho biết họ nhất trí việc điều chỉnh mức phí dịch vụ của cảng, qua đó nâng cấp chất lượng phục vụ khách du lịch.
Tuy nhiên, việc áp dụng tăng từ ngày 1/4 được đơn vị này đánh giá "chưa phù hợp" do sự phục hồi ngành du lịch còn hạn chế, khách đến vịnh Hạ Long chưa đáng kể. Các doanh nghiệp, đội tàu vẫn giữ giá dịch vụ, thuê tàu trong suốt những năm qua để kích cầu.
Thống kê của ban quản lý vịnh Hạ Long chỉ ra lượng khách tham quan vịnh Hạ Long năm 2023 đạt gần 2,5 triệu lượt - chưa bằng năm 2015 (2,6 triệu lượt) và thua xa năm 2019 (gần 4,5 triệu lượt). Còn theo Chi hội tàu du lịch Hạ Long, 80% khách đến vịnh Hạ Long theo tour và doanh nghiệp đã ký hợp đồng hằng năm từ tháng 9 năm trước. Vì thế, nếu thay đổi giá dịch vụ, cảng cần xem xét thời gian, thông báo trước để chủ tàu áp dụng vào hợp đồng với đơn vị lữ hành.
Ông Nguyễn Quang Toàn, chủ một tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đang hoạt động tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, cho biết: "Khách đến Hạ Long thực tế còn rất vắng. Nếu tăng phí neo đậu, phí qua cảng, chúng tôi buộc phải tăng giá vận chuyển, hợp đồng ký với khách. Việc tăng giá cần có lộ trình cụ thể trước nhiều tháng, chứ không chỉ thông báo xong rồi thu". Theo vị này, với bảng giá mới mà Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long vừa công bố, tổng các loại phí của một tàu sẽ phải trả từ ngày 1/4 sẽ cao hơn hiện tại vài triệu đồng/tháng.
Theo ông Trần Văn Hồng, Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long, gánh nặng trên sẽ đè lên vai các doanh nghiệp, chủ tàu tuy nhiên các chủ tàu cũng chưa chắc đã dám tăng giá vé, giá tour đối với du khách vì nếu tăng thì khó cạnh tranh với các điểm du lịch khác, nhất là bên vịnh Lan Hạ, Cát Bà (TP Hải Phòng). “Phí của 2 cảng này tăng mạnh và đột ngột, trong đó có những dịch vụ tăng tới hơn 30%, sẽ không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới điểm đến,” ông Hồng nói.
Ngược lại, các đơn vị kinh doanh tàu du lịch phía Hải Phòng cũng cho biết việc tăng phí của hai cảng ảnh hưởng đến việc bán tour của họ do tỉnh này không có cảng tàu đủ lớn để phục vụ hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Lan Hạ. Các tàu du lịch thường đón khách qua cảng Tuần Châu. "Chúng tôi thường ký hợp đồng tour trọn gói với các đơn vị lữ hành từ tháng 9 hàng năm. Chỉ nói riêng về vé qua cảng đối với du khách tăng từ 40.000 đồng/người lên 60.000 đồng/người thì chúng tôi đã phải bù lỗ 20.000 đồng/khách, trong khi đã ký hợp đồng với hàng ngàn khách", một chủ tàu này cho hay.
Tiếp nhận phản ánh của các chủ tàu, đại diện Ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng cho biết, đơn vị này đã nhận được thông tin tăng giá dịch vụ của 2 cảng tàu du lịch nói trên. Để đảm bảo hoạt động kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp đúng quy định pháp luật và đảm bảo hài hòa quyền lợi của hành khách qua cảng tham quan vịnh Hạ Long, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở GTVT chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp liên quan tiến hành rà soát, đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ hành khách qua cảng đảm bảo đúng các quy định của pháp luật trước khi triển khai thực hiện.