February 22, 2024 | 14:00 GMT+7

“Thời” của kim cương nhân tạo đã qua?

Băng Hảo -

Trong 1 năm qua, giá kim cương thô tự nhiên đã giảm 15% giá trị khi nhiều người tiêu dùng toàn cầu không hào hứng với hàng xa xỉ như trong đại dịch. Còn mặt hàng kim cương nhân tạo giá còn giảm tới 35%…

Ảnh: Business Today
Ảnh: Business Today

Paul Zimnisky, nhà phân tích kim cương và là Giám đốc điều hành của Diamond Analytics, dự đoán các cửa hàng sẽ thu hẹp quy mô kinh doanh kim cương nhân tạo. “Trên thực tế, hầu hết thợ kim hoàn thậm chí còn không muốn dự trữ những viên kim cương nhân tạo trong kho hàng, mà chỉ đặt mua khi có yêu cầu từ khách hàng hoặc theo từng đơn đặt hàng cụ thể”, ông Zimnisky nói với Business Insider. Tình cảnh này trái ngược hoàn toàn với hồi năm 2018, thời điểm loại đá quý nhân tạo này bắt đầu "tạo sóng".

Nhà phân tích không đưa ra con số cụ thể. Tuy nhiên, ông dự đoán rằng những kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm có thể chứng kiến ​​mức giảm giá gần như tương tự năm 2023, tức khoảng 20 - 35% theo ước tính của công ty phân tích đồ trang sức Tenoris. Cormac Kinney, Giám đốc điều hành của công ty Diamond Standard, tin rằng mức sụt giảm có thể thậm chí lớn hơn vậy, tới 50 - 80%, đặc biệt khi người tiêu dùng ngày càng bớt hứng thú với loại đá quý này. “Trang sức thời trang luôn có giá trị chỉ bằng một phần nhỏ so với đồ kim hoàn thật. Chỉ có hàng thật mới hiếm”, ông Kinney nói.

Lý do dẫn đến việc kim cương nhân tạo bớt sức hút được cho là bởi được bày bán quá rộng rãi. Theo ước tính của chuyên gia, kim cương tổng hợp hiện chiếm khoảng 20% tổng thị trường kim cương, tăng từ mức gần 0% vào năm 2015. Dữ liệu của công ty Tenoris cho thấy doanh số bán trang sức kim cương nhân tạo đã tăng 51% trong 12 tháng, tính đến thời điểm tháng 11/2023. Trong khi doanh số bán kim cương nhân tạo rời (không thuộc các mẫu trang sức) tăng 47%.

Tại Mỹ, nhiều người tiêu dùng bắt đầu cho rằng thà mua kim cương tự nhiên mà kích thước nhỏ còn hơn mua kim cương nhân tạo.
Tại Mỹ, nhiều người tiêu dùng bắt đầu cho rằng thà mua kim cương tự nhiên mà kích thước nhỏ còn hơn mua kim cương nhân tạo.

Ngoài ra, cũng có chuyên gia cho rằng lý do bởi kim cương tổng hợp không phải là kim cương tự nhiên. "Khi độ phổ biến trở nên rộng rãi, thậm chí không cần đến phòng thí nghiệm đá quý để phân biệt kim cương tự nhiên và nhân tạo”, ông Kinney nói. Bên cạnh đó, đối với những người đã mua kim cương nhân tạo, Kinney cho biết các cửa hàng cầm đồ thậm chí không trả 10% số tiền mà người tiêu dùng đã bỏ ra để mua chúng, ngay cả với những viên kim cương trên một carat.

Trên thực tế, kim cương nhân tạo có thực sự bền vững như những gì quảng cáo? Sức ép chuyển đổi xanh đang khiến các doanh nghiệp sản xuất trên thế giới phải xem xét lại toàn bộ quy trình nếu muốn loại đá quý này còn chỗ đứng trên thị trường. Ngành công nghiệp này đang chịu sức ép rất lớn trong vấn đề giảm phát thải carbon khi mà kim cương nhân tạo được hình thành trong buồng nén áp suất rất cao và nhiệt độ khoảng 1.500 độ C.

Tại Ấn Độ - công xưởng lớn nhất thế giới của kim cương nhân tạo, 75% điện năng dùng trong quá trình sản xuất này đến từ than đá nhưng những viên kim cương vẫn được dán nhãn là thân thiện môi trường. Chứng nhận nuôi cấy kim cương bằng năng lượng tái tạo, thu giữ carbon hoặc trung hòa carbon thông qua tín chỉ do các nhà sản xuất kim cương mua đang là những đòi hỏi khắt khe nếu doanh nghiệp muốn bán hàng đến tay người tiêu dùng.

Nhưng điều đó không có nghĩa là nhu cầu về kim cương nhân tạo sẽ biến mất và chắc chắn chúng vẫn hấp dẫn một bộ phận người mua, nhưng doanh số bán hàng có thể sẽ tăng với tốc độ chậm hơn. Nhà phân tích Zimnisky cho rằng kim cương nhân tạo sẽ phân khúc thành một thị trường khác, có giá thấp hơn dành cho những người không muốn mua kim cương thật hoặc một ngày nào đó sẽ nâng cấp lên kim cương thật.

Không còn là lựa chọn yêu thích của nhà đầu tư, giá kim cương thô đã giảm 15% trong một năm qua.
Không còn là lựa chọn yêu thích của nhà đầu tư, giá kim cương thô đã giảm 15% trong một năm qua.

Theo tạp chí Financial Times, thậm chí hiện thị trường kim cương tự nhiên toàn cầu cũng đang đi xuống. Bất chấp thị trường kinh doanh toàn cầu tụt dốc, giá của các loại đá quý có màu đang trên đà tăng trưởng vì vậy giới siêu giàu đang đổ xô đi đầu tư vào loại sản phẩm này. Nhẫn và dây chuyền nạm hồng ngọc, ngọc lục bảo và ngọc bích đang lên giá nhờ sự ủng hộ của những người có sức ảnh hưởng, trong đó có Kate Middleton – công nương xứ Wales.

Các giám đốc điều hành ngành khai khoáng và bán lẻ nhận định, nhu cầu của người tiêu dùng đối với đồ trang sức độc đáo, được đặt làm riêng, theo đó là nguồn cung ổn định sẽ giúp duy trì nhu cầu cao của đá quý cho đến ít nhất là cuối thập kỷ này. Trong lịch sử, đá quý đã chứng minh lợi nhuận trung bình hàng năm khoảng 10%, do đó trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn đang tìm kiếm sự tăng trưởng ổn định.

Ông Ankur Daja, nhà sáng lập của Angara, một nhà bán lẻ trang sức trực tuyến cho biết, sở thích của người tiêu dùng thay đổi, những người coi kim cương là tài sản đang dần chuyển sang đầu tư các loại đá quý có màu. Gemfields, công ty khai thác đá màu lớn nhất thế giới đã tăng gấp ba sản lượng tại mỏ ngọc lục bảo Kagem ở Zambia lên hơn 30 triệu carat/năm. Theo đó, doanh thu của công ty cao gấp 8 lần vào năm 2023, lên đến 90 triệu USD. Ông Daja cho biết giá buôn bán của đá sapphire tăng trung bình 12%, ngọc lục bảo 13% và hồng ngọc 17% mỗi năm kể từ năm 2020.

Các chuyên gia nhận định “sự không hoàn hảo” của đá quý tự nhiên có thể sẽ giữ cho thị trường phát triển mạnh mẽ trong thời gian còn lại của thập kỷ. Ước tính thị trường đá quý màu sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2030. Trong khi đó, thị trường kim cương thô tự nhiên đã trì trệ ở mức 15 tỷ USD kể từ năm 2012 đến nay.

Những người coi kim cương là tài sản đang dần chuyển sang đầu tư các loại đá quý có màu.
Những người coi kim cương là tài sản đang dần chuyển sang đầu tư các loại đá quý có màu.

Tại Trung Quốc, nơi nhẫn kim cương cầu hôn và đính hôn từng là mốt, giới trẻ giờ đây nhận định mặc dù nhẫn kim cương có vẻ ngoài hấp dẫn nhưng tầm quan trọng của việc giữ giá vẫn được ưu tiên hàng đầu. Khi nền kinh tế tại đất nước tỷ dân gặp khó khăn, giá vàng ở đây đã đạt mức cao mới vào năm ngoái và thị trường bán lẻ chứng kiến cơn sốt vàng chưa từng có.

Theo đài truyền hình nhà nước CCTV, mức tiêu thụ vàng trang sức bình quân đầu người hàng năm ở các thành phố hạng ba trở xuống có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6%. Nhà phân tích Zhuang Jinglun của EqualOcean cho biết, trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu, vàng, với đặc tính bảo toàn tài sản mạnh mẽ, có xu hướng được nhiều nhà đầu tư định giá cao hơn. Từ tháng 4 đến tháng 9/2023, doanh thu từ trang sức và sản phẩm vàng tại Trung Quốc đã tăng 12,8%.

Ngược lại, do môi trường vĩ mô yếu kém đè nặng lên việc mua sắm tùy ý, doanh thu từ đồ trang sức bạch kim và kim cương đã giảm 18% trong cùng kỳ. Nhà phân tích Zhuang của EqualOcean cho biết thêm, vàng cũng có cơ chế tái chế tốt, trong khi kim cương gặp khó khăn và có tỷ lệ mất giá cao. Và trong bối cảnh sự thay đổi văn hóa xã hội hiện nay, niềm tin rằng giá trị của kim cương tồn tại mãi mãi đang suy giảm, dẫn đến nhu cầu về kim cương giảm đáng kể.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate