Trong khi thị trường thời trang nhanh có tốc độ tăng trưởng bình quân 6,5%/năm thì thị trường thời trang tuần hoàn toàn cầu đạt mức tăng 24% vào năm 2022 với giá trị 119 tỉ đô la Mỹ. Quy mô thị trường này được dự kiến sẽ tăng vọt lên 218 tỉ đô la (tức tăng khoảng 127%) vào năm 2026. Đây hẳn là một bất ngờ lớn, và các doanh nghiệp may mặc đang phải điều chỉnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu.
Những dự báo này báo hiệu một xu hướng phát triển của công nghiệp may mặc, đi kèm theo sau đó là nguy cơ suy giảm của ngành thời trang nhanh. Thực tế, hàng hóa thời trang tuần hoàn có chất lượng tốt hơn, đẹp hơn. Mẫu mã cũng rất phong phú mà người mua có thể lựa chọn phù hợp cho nhiều loại nhu cầu tùy từng mùa, từng hoàn cảnh. Đặc biệt hơn là việc người mua có thể bán lại sản phẩm đã dùng để thu hồi một phần chi phí.
Theo Vogue Business, năm 2022, thời trang tuần hoàn chiếm thị phần 3,5% trên tổng giá trị ngành công nghiệp may mặc toàn cầu, nhưng nó sẽ nhanh chóng tăng lên mức 23% vào năm 2030. Nhờ chuẩn bị thị trường tốt, Mỹ được coi là nước dẫn đầu thời trang tuần hoàn với khả năng đạt giá trị 10% tổng doanh số bán quần áo vào năm 2025.
Chính vì thế, ngày càng nhiều thương hiệu tham gia trực tiếp vào việc bán lại các sản phẩm của họ. Các nhãn hiệu từ Patagonia đến Oscar de la Renta và Lululemon đã ra mắt các nền tảng trao đổi. Nhiều thương hiệu đã cung cấp dịch vụ sửa chữa sản phẩm đã qua sử dụng ở tại cửa hàng, đặc biệt là các thương hiệu quần áo ngoài trời như Bergans, Jack Wolfskin, Patagonia, Salewa và Houdini.
Thị trường hàng xa xỉ đã qua sử dụng cũng đang nóng lên ở châu Á sau nhiều năm tồn tại dưới cái bóng của thị trường sơ cấp. Theo tờ Vogue Business, xu hướng đang thay đổi khi các thế hệ trẻ hơn, năng động hơn ở các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản tỏ ra quan tâm đến thời trang đã qua sử dụng. Nhu cầu từ châu Á-Thái Bình Dương sẽ thúc đẩy thị trường đồ cũ trên toàn thế giới, được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh hơn ba lần so với thị trường quần áo mới.
Trước cơn sốt này, các hãng thời trang nhanh cũng quyết định nhập cuộc. Ngày 5/10 tới đây, H&M sẽ bắt đầu bán quần áo phụ kiện cũ tại cửa hàng của mình ở London. Đây sẽ là cửa hàng thứ hai của H&M bán quần áo cũ, sau cửa hàng ở Barcelona vừa khai trương vào đầu năm nay. Vào tháng 11 năm ngoái, H&M đã cho ra mắt dịch vụ thuê quần áo tại cửa hàng Regent Street. Không chỉ vậy, hiện nay H&M cũng đang triển khai dịch vụ cung cấp đồ cũ trực tuyến ở Thụy Điển và Đức.
H&M cho biết, hãng sẽ bày bán bộ sưu tập đồ cũ thu đông 2023 bao gồm váy và áo sơ mi ánh kim, cùng với các mặt hàng mới được bổ sung mỗi ngày. Ngoài ra, hãng cũng chia sẻ thêm, các sản phẩm lần này có nguồn gốc từ Flamingos Vintage Kilo, một công ty sở hữu chuỗi cửa hàng quần áo cũ mang phong cách cổ điển ở châu Âu và Mỹ. Những sản phẩm này dự kiến có giá từ 29,99 bảng Anh (37 USD) đến 189 bảng Anh.
H&M không phải hãng bán lẻ duy nhất triển khai việc bán đồ cũ. Mới đây, nhà bán lẻ thời trang nhanh Zara cũng đã ra mắt dịch vụ bán và sửa chữa đồ cũ tại Pháp. Theo đó, dịch vụ này sẽ có tại các cửa hàng, website và ứng dụng di động của Zara. Những dịch vụ này đã được hãng triển khai tại Anh từ tháng 10 năm ngoái. Giám đốc điều hành Zara cho biết, dịch vụ này sẽ còn được ra mắt tại Đức trong năm nay.
Gã khổng lồ thương mại điện tử giá rẻ Shein cũng đã sớm ra mắt dịch vụ bán lại ngang hàng trên ứng dụng - Shein Exchange, giúp người bán đăng những bộ quần áo cũ của hãng mà họ không dùng nữa để trao đổi ngang hàng lấy những bộ quần áo mình thích của người khác. Cũng trong năm 2022, Primark sử dụng các cửa hàng hàng đầu ở Birmingham và Manchester của mình để làm chương trình ưu đãi bán lại đồ cũ với tên gọi WornWell. Chương trình tạo ra nhằm khuyến khích khách hàng mua sắm các mặt hàng quần áo cổ điển hoặc quần áo dùng một lần.
Theo BoF, các hãng thời trang nhanh này công bố mục đích chính của các dịch vụ bán đồ cũ của họ là “bảo vệ môi trường”. H&M cho biết, việc Liên minh Châu Âu đang lên kế hoạch ban hành quy định mới để hạn chế rác thải dệt may, sẽ là một thách thức mới của hãng và cách sản xuất cũng như tiêu thụ thời trang cần phải thay đổi. Adam Whinston, người đứng đầu ESG toàn cầu của Shein cho biết, hãng này đang hướng tới việc tạo ra một thế giới thời trang công bằng cho tất cả mọi người và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, vấn đề của các thương hiệu này nằm ở chữ “nhanh”: sản xuất nhanh, người tiêu dùng vứt bỏ cũng nhanh. Hồi đầu năm nay, Vestiaire Collective, một nền tảng bán sản phẩm thời trang đã qua sử dụng có trụ sở tại Pháp, tuyên bố họ sẽ loại bỏ thời trang nhanh trên nền tảng của mình. Vestiaire Collective tuyên bố động thái này là một phần trong “sứ mệnh thúc đẩy sự thay đổi tập thể hướng tới nền kinh tế thời trang tuần hoàn” và “củng cố quan điểm mua chất lượng hơn số lượng” và khuyến khích người tiêu dùng đầu tư vào tay nghề thủ công để mang lại giá trị tốt hơn.
Vestiaire Collective cũng công bố danh sách các thương hiệu bị từ chối, bao gồm Shein, Asos, Atmosphère, Boohoo, Burton, Coast, Dorothy Perkins, Fashion Nova, Karen Millen, Miss Selfridge, Missguided, Na-Kd, Nasty Gal, Oasis, Pretty Little Things, Topman, Topshop… Dounia Wone, giám đốc tác động của Vestiaire Collective cho biết: “Thời trang nhanh vốn không có giá trị và thậm chí còn ít giá trị hơn khi chúng bị bán lại”.
Động thái này lại tiếp tục dấy lên làn sóng tranh cãi: Thời trang nhanh nên được xử lý như thế nào trong mô hình kinh tế tuần hoàn? Chúng ta cần bán lại quần áo để kéo dài vòng đời của sản phẩm, nhưng là những sản phẩm quần áo phải được làm cẩn thận và có chất lượng chứ không phải là với khối lượng 150 tấn trang phục mỗi năm như hiện nay.
Nhiều chuyên gia thời trang cũng nhận thấy, các sản phẩm thời trang nhanh không được tạo ra theo cách phù hợp để bán lại. Bởi chúng không được sản xuất với nguyên liệu đủ tốt và chất lượng đủ bền để tái chế hay sử dụng nhiều lần. Vì thế, sẽ tốt hơn nếu ngành thời trang giảm thiểu tiêu thụ, cải tiến công nghệ tái chế và đảm bảo quần áo được sản xuất bằng cách thức công bằng và có trách nhiệm với môi trường.