Sau một thời gian dài tập trung vào các dự án thử nghiệm, gọi vốn và thu hút sự quan tâm của công chúng — nhưng vẫn có ít cam kết thực sự từ các thương hiệu lớn — các chất liệu tái chế đang có những dấu hiệu khởi sắc. Liệu ngành công nghiệp thời trang có đang đứng trước ngưỡng cửa của một bước đột phá?
Chỉ trong vòng bốn tuần qua, hàng loạt tín hiệu tích cực đã xuất hiện: startup tái chế chất liệu polyester Reju đã công bố thỏa thuận hợp tác với tổ chức từ thiện Goodwill và tập đoàn quản lý chất thải WM; startup tái chế chất liệu sinh học Syre cho biết họ dự kiến đưa nhà máy tái chế tại Bắc Carolina vào hoạt động từ giữa năm 2025; trong khi Circ, Canopy và Fashion For Good đã ra mắt “Fiber Club” — một liên minh nhằm tạo điều kiện cho các thương hiệu tiếp cận nguồn nguyên liệu và tích hợp chuỗi cung ứng. Tất cả những động thái này báo hiệu rằng ngành công nghiệp thời trang có thể đang tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển bền vững.
“Đang có những tiến triển rõ rệt,” Kathleen Rademan, Phó Chủ tịch chiến lược thương mại tại Circ, nhận định. “Các thương hiệu đang nhận ra rằng họ cần thay đổi cách kinh doanh để những đổi mới này có thể mở rộng quy mô,” Peter Majeranowski, nhà sáng lập Circ, bổ sung thêm.
Startup tái chế polyester Syre đã khiến nhiều người trong ngành bất ngờ khi ra mắt chỉ chưa đầy hai tuần sau khi Renewcell — một dự án cũng được thương hiệu thời trang nhanh H&M hậu thuẫn — tuyên bố phá sản. Là sự hợp tác giữa H&M và Vargas Holding, Syre đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy tái chế polyester tại Bắc Carolina, Mỹ, dự kiến đi vào hoạt động từ giữa năm 2025. Giám đốc thương mại Jad Finck kỳ vọng Syre sẽ bắt đầu có doanh thu thương mại và tung ra thị trường sản phẩm với khối lượng thương mại trước cuối năm sau.
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành bày tỏ hoài nghi về tốc độ này, lo ngại rằng nếu Syre đưa ra những cam kết quá sức và không thể thực hiện, điều này có thể làm giảm sự quan tâm từ các nhà đầu tư và thương hiệu về tái chế chất liệu. Ông Jan Finch cho biết tốc độ triển khai này là khả thi vì Syre tận dụng một nền tảng sẵn có thay vì xây dựng mọi thứ từ đầu.
Nhà máy tại Bắc Carolina dự kiến có công suất 10.000 tấn vật liệu mỗi năm, trong khi một nhà máy xử lý vật liệt trong tương lai tại Việt Nam — Syre tiết lộ đang lên kế hoạch triển khai nhưng chưa công bố chi tiết về dự án này — dự kiến đạt công suất từ 150.000 đến 200.000 tấn.
Hàng loạt startup có khả năng về mặt kỹ thuật để biến các chất liệu cũ thành chất liệu mới, nhưng việc đưa những công nghệ này ra khỏi phòng thí nghiệm và ứng dụng vào chuỗi cung ứng đòi hỏi đầu tư rất nhiều tài chính và các giải pháp hậu cần logistic. Đây là những yếu tố mà ngành công nghiệp thời trang hiện tại chưa có sẵn và cũng chưa có sự đồng lòng giữa các doanh nghiệp để thực hiện.
Ngành thời trang đang đối mặt với vấn đề rác thải ngày càng gia tăng, và để giảm đáng kể dấu chân carbon hoặc đạt được tính tuần hoàn, ngành cũng phải giảm nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Điều này không thể thực hiện nếu các doanh nghiệp không cắt giảm lượng nguyên liệu mới để sử dụng trong sản xuất.
Theo các nhà ủng hộ việc tái chế, câu trả lời cho những thách thức này là biến dòng rác thải của ngành thời trang thành nguồn nguyên liệu thô của chính nó. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, còn rất nhiều thứ cần phải thay đổi.
MỐI QUAN HỆ HỢP TÁC ĐẦY HỨA HẸN CHO TƯƠNG LAI
Việc sở hữu công nghệ tái chế hiện đại — và thậm chí một nhà máy quy mô lớn — vẫn chưa đủ. Các yếu tố khác cũng cần được sắp xếp, từ hạ tầng thu gom và phân loại vật liệu tái chế đến nhu cầu thương mại đối với sản phẩm đầu ra. Và mối quan hệ hợp tác mới được công bố giữa Reju, Goodwill và WM đặc biệt đáng chú ý, theo Karla Magruder, nhà sáng lập kiêm chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Accelerating Circularity, bởi nó kết hợp các nhu cầu về logistic với một giải pháp công nghệ.
Theo sáng kiến hợp tác này, Goodwill và WM sẽ phối hợp thử nghiệm các mô hình thu gom và phân loại quần áo đã qua sử dụng; các sản phẩm may mặc sử dụng chất liệu polyester không phù hợp để bán lại (một quy trình mang tính chủ quan và thuộc một lĩnh vực phức tạp) sẽ được chuyển đến Reju để tái chế thành chất liệu polyester mới.
Sự hợp tác này mang tính chiến lược, theo CEO của Reju, ông Patrik Frisk, người từng là lãnh đạo của Under Armour. Reju, một công ty tái chế polyester được IBM hỗ trợ, cần một nguồn cung ổn định các loại sản phẩm dệt may đã qua sử dụng để tái chế thành chất liệu sợi mới.
Trong khi đó, Goodwill đối mặt với vấn đề dư thừa khối lượng sản phẩm mà họ cần tìm giải pháp. WM, công ty quản lý các loại rác thải, nhận thấy các sản phẩm dệt may chiếm một phần ngày càng lớn trong dòng rác thải của mình. Đối với họ, đây không chỉ là vấn đề bền vững của ngành thời trang mà còn là vấn đề quản lý rác thải. “Các bãi chôn lấp rác không phải lúc nào cũng dễ tìm,” ông Patrik chia sẻ.
Trong khi đó, Circ, một startup tái chế dệt may, đang nỗ lực thiết lập các khung cơ sở nhằm mở rộng quy mô cho chính mình và hy vọng là cho cả những doanh nghiệp khác trong tương lai.
Vào tháng 6, tại triển lãm Future Fabrics Expo ở London, họ đã ra mắt Circ-Ready, một mạng lưới các nhà cung cấp có kiến thức và khả năng sử dụng nguyên liệu tái chế của Circ, với mục tiêu giúp các thương hiệu dễ dàng sử dụng những chất liệu này hơn.
Đầu tháng này, Circ cũng đã ra mắt Fiber Club, hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận bảo tồn rừng Canopy và Fashion For Good, nhằm cải thiện sự tương tác với nhà cung cấp và “dân chủ hóa” quyền tiếp cận các vật liệu thế hệ mới, theo Kathleen Rademan.
Tuy nhiên, hầu hết những sáng kiến này chỉ dừng lại ở mức hợp tác, chứ chưa phải là những kế hoạch cụ thể hay cơ sở hạ tầng hữu hình — điều đó đồng nghĩa vẫn còn nhiều khả năng thất bại. Nhưng những người trong ngành nhận định rằng ngành công nghiệp thời trang đang dần trưởng thành và ý thức về bền vững hơn, đặc biệt khi các quy định về chất liệu bền vững bắt đầu có hiệu lực — chủ yếu tại châu Âu, nơi vật liệu tái chế được dự đoán sẽ nhận được nhiều khuyến khích, miễn là các quy định này được thực thi nghiêm ngặt. Các thương hiệu sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các bước tiếp theo trong quá trình sản xuất xanh, dù chúng có khó khăn đến đâu.