July 03, 2025 | 17:14 GMT+7

Thời trang Việt khát vọng đưa vải sợi xanh ra thế giới

Minh Nguyệt -

Trong một thế giới vẫn đang loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán phát triển bền vững trong thời trang, chiếc lá dứa chính là câu trả lời. Việt Nam đã chứng minh có thể dệt nên chương mới cho ngành công nghiệp thời trang xanh...

Ảnh: Ecosoi
Ảnh: Ecosoi

Tại triển lãm Mặc “Thơm” diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên chất liệu vải sợi dứa PinaLina™ bản địa chính thức ra mắt trước công chúng với bộ sưu tập thời trang ready-to-wear hiện đại. Đây không phải thành quả của riêng một thương hiệu, mà là kết tinh của Hệ sinh thái Đổi mới Sáng tạo Mở (Open Innovation), với sự bắt tay giữa các “mắt xích” quan trọng bao gồm ba doanh nghiệp Faslink, Ecosoi và Trung Quy.

Trong bối cảnh ngành thời trang đối mặt với bài toán phát thải, khan hiếm nguyên liệu và yêu cầu cấp bách về phát triển bền vững, Open Innovation đã điều phối và kết nối các đối tác “mắt xích” chuyên sâu trong hành trình “tái sinh” lá dứa thành chất liệu ứng dụng thực tế.

Công nghệ sinh học là nền tảng chính của hành trình biến lá dứa thành sợi vải. Ecosoi - đơn vị chuyên nghiên cứu tái chế phụ phẩm nông nghiệp, đã phát triển công nghệ xử lý xơ dứa bằng phương pháp cơ học không hóa chất, giữ trọn cấu trúc cellulose và độ bền vốn có trong từng sợi vải. 

Sau công đoạn xử lý sợi, Faslink phối hợp cùng Trung Quy – doanh nghiệp dệt may nội địa với hơn 20 năm kinh nghiệm và hệ thống dây chuyền đạt chuẩn quốc tế, giúp hoàn thiện dòng vải có thể phân hủy sinh học hoàn toàn sau vòng đời sử dụng và không phát thải vi nhựa ra môi trường.

Triển lãm Mặc “Thơm”.
Triển lãm Mặc “Thơm”.

"Trước đây tôi chưa từng nghĩ lá dứa có thể lấy sợi và dệt thành vải để may chiếc áo tôi mặc hôm nay", anh Trần Xuân Tuấn, thế hệ thứ hai trong một gia đình hơn 30 năm trồng dứa tại Thanh Hóa chia sẻ tại sự kiện. Anh Tuấn là một trong số các nông hộ thuộc 200 ha vùng trồng của Thanh Hóa, Nghệ An, Kiên Giang (cũ) tham gia cung cấp lá dứa cho các doanh nghiệp để sản xuất vải thân thiện môi trường.

Theo Faslink, với mỗi ha dứa chuyển đổi sản xuất, các nông hộ có thể tăng thêm khoảng 60 triệu đồng thu nhập. Trước đây tại Thanh Hóa, những nông hộ như anh Tuấn thường chọn cách dùng máy phay lá và đốt bỏ. Một số gia đình có diện tích trồng lớn phun thuốc cỏ cháy trước khi xử lý. "Nếu không đốt, chúng tôi cũng không biết phải làm gì với số lá đó", anh Tuấn cho biết.

Chị Vũ Thị Liễu, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Ecosoi, cho biết đa số nông dân chọn cách đốt vì lá dứa có nhiều gai, cứng nên xay nghiền làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi tốn chi phí cao. "Đốt lá dứa phát thải nhiều CO2 và tôi lo ngại hóa chất còn nguy cơ ngấm vào nước ngầm", chị cho biết. Đi tìm lời giải cho vấn đề, chị nhận ra cách duy nhất là biến lá dứa thành sản phẩm có giá trị kinh tế để nông dân không còn đốt bỏ.

Thời trang Việt khát vọng đưa vải sợi xanh ra thế giới - Ảnh 1
Thời trang Việt khát vọng đưa vải sợi xanh ra thế giới - Ảnh 2
 
Thời trang Việt khát vọng đưa vải sợi xanh ra thế giới - Ảnh 3
Thời trang Việt khát vọng đưa vải sợi xanh ra thế giới - Ảnh 4
 

Ở những phiên bản đầu tiên, vải sợi dứa sản xuất ra có cảm giác bị thô cứng. Để khắc phục, ông Trần Văn Quy, CEO Trung Quy Group, cho biết họ sử dụng công nghệ lý - hóa (không dùng hóa chất) để làm mềm sợi, đảm bảo độ co rút dưới 5% và tạo cảm giác mềm mại khi mặc. Hiện họ hoàn thiện được các loại vải sợi dứa nhẹ, thoáng khí, mềm như lanh, phân hủy sinh học hoàn toàn, đặt tên là PinaLina (tên gọi trái dứa theo tiếng Tây Ban Nha).

Theo Open Innovation, từ 60 tấn lá dứa tươi sẽ cho ra 1 tấn sợi dứa. Để dệt 1 tấn sợi dứa cần khoảng 280kWh điện, 23m3 nước, thấp hơn so với các chất liệu tổng hợp truyền thống. Đặc tính của vải sợi dứa thô nhẹ, thoáng khí, chống tia UV, khử mùi... Dù bề mặt vải thô mộc tự nhiên nhưng vải vẫn mềm rũ, dễ may đo, tạo phom dáng trong thiết kế thời trang.

Ông Quy chia sẻ ngoài màu trắng tự nhiên, vải sợi dứa có nhiều màu sắc khác bởi sử dụng thuốc nhuộm thực vật. Năm ngoái, trình diễn tại tuần lễ thời trang London và Paris, bộ sưu tập của NTK Phạm Ngọc Anh đã được làm từ vải sợi lá dứa, vải gai xanh, gai dầu… Các công đoạn tạo thành trang phục của bộ sưu tập cũng được NTK xử lý hoàn toàn theo hướng bền vững.

Bộ sưu tập ready-to-wear tại triển lãm Mặc "Thơm".
Bộ sưu tập ready-to-wear tại triển lãm Mặc "Thơm".

NTK Ngọc Anh cho biết: "Những cây gai xanh được trồng ở Điện Biên khi dệt thành vải có bề mặt xốp cao, nhẹ nên có khả năng hút ẩm, tia UV và các chất thải trong môi trường khí rất tốt. Vải gai dầu được lấy từ bà con dân tộc vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Hoà Bình… trong khi đó vải lá dứa lại được làm từ những quả dứa trồng ở Nghệ An. Các loại vải này dựng thành từng trang phục làm nên vẻ đẹp mộc mạc, độc đáo, được nhiều khách hàng của tuần lễ thời trang chú ý".

Trước đó, 30 thiết kế áo dài trong bộ sưu tập "Bình Minh" đã ra mắt trong khuôn khổ Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản vào cuối năm 2023. Bên cạnh những chất liệu từ tơ sen, sợi chuối, NTK Vũ Việt Hà đã tìm kiếm chất liệu mới cho bộ sưu tập của mình tại các nông trường trồng dứa trong nước từ nhiều tháng trước đó. 

Trên nền chất liệu mới, anh đã khai thác thế mạnh về phom dáng áo dài thập niên 1930. Các thiết kế cách điệu ở phần ống tay loe, tạo nên diện mạo trẻ trung và phóng khoáng. Họa tiết hoa lá, chim chóc thêu tay kỳ công càng nổi bật hơn nhờ dát vàng. Một số mẫu áo gây ấn tượng mạnh nhờ kỹ thuật lọng tỉ mỉ, kết hợp những mảng miếng thổ cẩm nguyên bản của vùng cao.

Được biết đây là những sáng tạo được nhà thiết kế rất tâm đắc khi những thước vải gần gũi thiên nhiên, thân thiện với làn da đã góp phần giải quyết bài toán bền vững. Bên cạnh đó, việc khám phá chất liệu mới cũng là một trong những vấn đề được làng mốt toàn cầu quan tâm trong 10 năm trở lại đây.

Bộ sưu tập áo dài từ vải sợi dứa của NTK Vũ Việt Hà.
Bộ sưu tập áo dài từ vải sợi dứa của NTK Vũ Việt Hà.

Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Trần Hoàng Phú Xuân cho biết hiện vải sợi dứa đã nhận được quan tâm từ các đối tác Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Bà tiết lộ có 3 nhãn hàng thời trang nội địa (local brand) mở lời hợp tác và công ty hàng đầu ngành xây dựng chốt đơn hàng đồng phục từ vải sợi dứa.

"Một số thương hiệu thời trang nội địa đang trong giai đoạn thử nghiệm mẫu vải dệt từ sợi dứa của chúng tôi để đưa vào bộ sưu tập mới 2025 -2026", bà Xuân cho biết. Dự kiến tháng 8 và 9, những sản phẩm quần áo, phụ kiện từ chất liệu này sẽ có mặt trên thị trường.

Tuy nhiên, để khách hàng quốc tế đón nhận sản phẩm thời trang xanh từ chất liệu vải dứa, nhóm hợp tác còn nhiều việc phải làm, từ tiếp thị đến tạo niềm tin. "Ngoài ra, làm sao để có thể bảo hộ toàn bộ hành trình tạo ra sản phẩm này, từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối, là điều chúng tôi luôn trăn trở", bà Xuân cho biết thêm.

Open Innovation dự định dùng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để truy xuất toàn bộ chuỗi cung ứng theo chuẩn LCA (Life Cycle Assessment). "Trong ngành thời trang toàn cầu hiện nay, sở hữu LCA giúp mình tự tin đi bất kỳ thị trường nào và khách hàng cũng yên tâm lựa chọn hơn", bà Xuân chia sẻ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate