Ngày 26/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp rà soát, hoàn thiện 2 dự thảo nghị định: Quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai.
LÀM RÕ NGUYÊN TẮC MIỄN, GIẢM TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TIỀN THUÊ ĐẤT
Tiếp thu, giải trình bổ sung dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các tiêu chí phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất bảo đảm phù hợp với các luật chuyên ngành, quy chuẩn quốc gia, định mức kinh tế-kỹ thuật.
Dự thảo nghị định chỉ cụ thể hóa những điểm mới về quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh được nêu Luật Đất đai mà pháp luật về quy hoạch chưa quy định; hoàn thiện quy định về trường hợp không phải thu hồi đất do tình huống bất khả kháng theo Bộ luật Dân sự, do lỗi của cơ quan Nhà nước làm ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất, trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định; liên thông hồ sơ giữa cơ quan thuế và cơ quan Tài nguyên và Môi trường khi xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;…
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất phương án về thẩm quyền quyết định thành lập trung tâm phát triển quỹ đất; tư vấn lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất; phương thức giao đất, cho thuê đất đối với thửa đất, diện tích đất nằm xen kẹt cho cá nhân; quyết định giá đất trong trường hợp quá thời hạn theo luật định; hoàn thành nghĩa vụ tài chính mới bàn giao đất trên thực địa…
Tiếp thu ý kiến của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉnh lý quy định về quản lý, khai thác quỹ đất ngắn hạn theo hướng giao UBND cấp tỉnh quy định cụ thể trình tự, thủ tục, quyết đơn giá cho thuê; làm rõ khái niệm dự án đầu tư lấn biển và hạng mục lấn biển trong dự án đầu tư để thống nhất cách hiểu, thực hiện đối với phần đất hình thành từ công trình phòng, chống sạt lở bờ biển do chủ đầu tư xây dựng để bảo vệ diện tích đất được Nhà nước giao thực hiện dự án.
Tại cuộc họp, các ý kiến dành nhiều thời gian thảo luận và thống nhất nguyên tắc áp dụng phương pháp định giá đất đối với các dự án chưa quyết định giá đất dù đã được giao đất theo quy định của Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành mà được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bàn giao đất trên thực tế từ ngày 1/1/2005 đến trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành.
Theo đó, việc định giá đất được tính bằng bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm giao đất trên thực tế nhân với hệ số điều chỉnh giá đất ở thời điểm tương ứng.
Về nguyên tắc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho dự án đầu tư, các ý kiến cho rằng cần làm rõ "thế nào là miễn, thế nào là giảm", từ đó xác định những trường hợp được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu, bảo đảm tương thích với các quy định của pháp luật đầu tư.
Giao Bộ Tài chính đánh giá tác động của chính sách này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị rà soát các quy định hiện hành để thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho những dự án sản xuất, kinh doanh cần ưu đãi, thu hút đầu tư như sử dụng, chuyển giao công nghệ mới, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cung cấp dịch vụ công cơ bản…
MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC GHI NỢ TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, hoàn thiện, bổ sung quy định ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại vào công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính; việc lựa chọn tổ chức, tư vấn điều tra, đánh giá đất đai thực hiện theo quy định pháp luật về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng trong dự án bất động sản.
Cùng với đó, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục biến động đất đai đối với những trường hợp tặng, cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, hoặc cộng đồng dân cư, hoặc mở rộng đường giao thông; quy định thời gian tối đa tạm dừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận khi có văn bản của cơ quan thẩm quyền liên quan đến tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất…
Đáng chú ý, dự thảo nghị định mở rộng đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất là toàn bộ hộ gia đình, cá nhân khi cấp giấy chứng nhận lần đầu, người nhận thừa kế theo quy định của pháp luật và nghiên cứu quy định bổ sung thời hạn áp dụng chính sách này.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu đề nghị bổ sung đối tượng có nhu cầu cấp đổi giấy chứng nhận; bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư dự án bất động sản phải cung cấp hồ sơ cho cá nhân trong trường hợp tự thực hiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận.
CỤ THỂ HÓA CÁC NỘI DUNG ĐIỀU TRA VÀ ĐÁNH GIÁ ĐẤT ĐAI
Thảo luận về trình tự, thủ tục lập dự án điều tra, đánh giá đất đai, các ý kiến cho rằng cần thực hiện theo pháp luật hiện hành về dự án sử dụng vốn đầu tư công, kinh phí sự nghiệp, thay vì quy định riêng trong nghị định.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị cần cụ thể hóa các nội dung điều tra, đánh giá đất đai, được quy định trong Luật Đất đai, thành bộ chỉ tiêu, chỉ số cụ thể.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ phương pháp điều tra; các bộ chỉ tiêu, số liệu cần thu thập, điều tra, đánh giá đất đai tổng thể (diện tích, cơ cấu, biến động, chất lượng, tình trạng ô nhiễm…) phục vụ công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên đất đai cả nước; yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với các công nghệ sử dụng điều tra, đánh giá đất đai, như công nghệ viễn thám, chụp ảnh hàng không….
Phó Thủ tướng phân công nhiệm vụ cho các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ…, và các địa phương trong thực hiện điều tra, đánh giá, cải tạo đất đai theo phạm vi, lĩnh vực quản lý.
Đại điện Bộ Công an, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định kết nối, chia sẻ, cập nhật, đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Đồng thời, làm rõ các nguồn kinh phí xây dựng, quản lý, bảo trì, duy trì, nâng cấp, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đất đai (ngân sách Nhà nước, nguồn thu từ khai thác, sử dụng dữ liệu thông tin đất đai, dịch vụ giá trị gia tăng và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật);…
Phó Thủ tướng cho rằng cần quy định cụ thể về phương thức kết nối, chia sẻ các trường dữ liệu về đất đai với các cơ sở dữ liệu quốc gia, Trung tâm Dữ liệu quốc gia theo từng cấp độ phù hợp với yêu cầu, nghiệp vụ quản lý của các bộ, ngành, địa phương cũng như nhu cầu của tổ chức, cá nhân.
"Bộ Tài nguyên và Môi trường cần bám sát luật, hiểu đúng luật. Quá trình tiếp thu, chỉnh lý các quy định cần trao đổi với các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia để quy định một số điểm mới, cho rõ ràng, dễ hiểu", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định nội dung các điều, khoản quy định chi tiết việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng làm việc, thống nhất cơ chế theo dõi, cập nhật "địa chỉ số" của thửa đất, tài sản gắn liền với đất theo thời gian thực.