Như vậy, đến nay trên tuyến cao tốc trục Bắc - Nam qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có 7 nút giao, gồm: Nút giao Gia Miêu (Km 295+800); Nút giao Hà Lĩnh (Km 306+000); Nút giao Thiệu Giang (Km 315+380); Nút giao Đông Xuân (Km 327+142); Nút giao Đồng Thắng (Km 335+400); Nút giao Vạn Thiện (Km 351+320) và nút giao Nghi Sơn (Km 379+500) đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Việc đưa 2 nút giao vào khai thác nhằm tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Đồng thời, cũng tránh ùn ứ phương tiện vào các ngày cao điểm tại các nút giao khác trên tuyến cao tốc qua địa bàn Thanh Hóa.
Theo ghi nhận thực tế trong ngày 19/4 tại hai nút giao Đồng Thắng và Thiệu Giang, sau khi cơ quan chức năng mở lối, các phương tiện bắt đầu được di chuyển đến đường nhánh để dẫn vào cao tốc. Tuy nhiên, số lượng phương tiện qua hai nút giao chưa nhiều.
Nút giao Thiệu Giang là hạng mục thuộc Tiểu dự án 2 - Dự án đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 do UBND huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) làm chủ đầu tư. Nút giao Thiệu Giang giao cắt với đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 tại Km 315+380. Nút giao Thiệu Giang đưa vào sử dụng giúp người dân đi và về các huyện Thiệu Hóa, Yên Định và một số huyện lân cận được thuận tiện hơn.
Nút giao Đồng Thắng (thuộc huyện Triệu Sơn) đấu nối với cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 thuộc gói thầu số 24 - Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 165 tỷ đồng. Dự án khởi công từ tháng 8/2023 với các hạng mục chính như đường dẫn, cầu cạn và hệ thống bảo đảm an toàn giao thông. Nút Giao Đồng Thắng đưa vào khai thác, giúp các phương tiện đi và về các địa phương, như: thành phố Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn, huyện Nông Cống và một số huyện lân cận được thuận tiện hơn.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đi qua tỉnh Thanh Hóa có chiều dài hơn 98km, được chia làm 3 dự án thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.
Nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã rà soát bố trí nguồn vốn đầu tư các nút giao kết nối các tuyến đường bộ cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh gắn kết các khu vực đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch, khu đô thị mới, cảng biển, cảng hàng không Thọ Xuân.
Để thuận tiện cho người dân đi lại trên cao tốc, Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa lưu ý trên đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông chưa cho phép xe tải có trọng tải toàn bộ xe (bao gồm tự trọng xe và hàng hóa trên xe) lớn hơn 10 tấn lưu thông, và cấm xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ nhỏ hơn hoặc bằng 70 km/h, xe thô sơ, người đi bộ.