Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, ngày 15/01/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Phòng Cảnh sát kinh tế) Công an TPHCM đã khởi tố, bắt tạm giam 22 đối tượng về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự.
THỦ ĐOẠN "QUA MẶT" CƠ QUAN CHỨC NĂNG
Theo đó, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện đường dây nghi vấn hoạt động “sản xuất, buôn bán hàng giả” là thuốc đông y kết hợp tân dược điều trị các bệnh đau xương khớp, viêm mũi, trĩ, phong ngứa, dạ dày, tim mạch, thần kinh… do đối tượng Ngô Kim Diệu (sinh năm: 1984, Giám đốc Công ty TNHH Kingpharm, trụ sở tại quận Bình Tân) và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Hương (sinh năm: 1986, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kiến Lâm, trụ sở tại Quận 8) cầm đầu.
Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát kinh tế tiến hành xác lập chuyên án để đấu tranh, triệt phá đường dây trên.
Kết quả điều tra ban đầu xác định Ngô Kim Diệu và vợ là Nguyễn Thị Thu Hương bắt đầu sản xuất thuốc giả từ năm 2018 cho đến nay. Cả 02 đối tượng đều không có chuyên môn về y dược.
Các đối tượng tìm mua nguyên liệu thuốc đông y và hoạt chất tân dược có cùng công dụng chữa một số loại bệnh cụ thể, về trộn lẫn nghiền thành bột, rồi sử dụng máy móc đóng thành viên nang, ép vỉ, đóng gói thành phẩm thuốc giả.
Diệu và Hương thuê 16 người là họ hàng, người quen để khép kín hoạt động sản xuất thuốc giả, quản lý kho nguyên liệu, thành phẩm nhằm tránh bị phát hiện.
Trong đó Nguyễn Thị Như Ý và chồng là Ngô Quí Dương (ở Quận 12) sản xuất bao bì, tem nhãn giả. Sau khi đóng gói thành phẩm, thông qua đối tượng Đỗ Thành Mỹ (sinh năm: 1981; ở Quận 12), Đỗ Thanh Hải (sinh năm: 1973; ở huyện Bình Chánh), Nguyễn Mộng Điền (sinh năm: 1988; ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) và các đối tượng khác đưa hàng giả ra thị trường tiêu thụ.
Chỉ riêng năm 2024, Diệu và Hương đã sản xuất số thuốc giả trị giá hơn 45 tỷ đồng, riêng 03 đối tượng Mỹ, Hải, Điền tiêu thụ số thuốc giả trị giá gần 35 tỷ đồng.
Đặc biệt, khác với các trường hợp sản xuất buôn bán thuốc giả từng bị phát hiện, xử lý trước đây; Diệu và Hương không làm giả thương hiệu thuốc nào đang lưu hành trên thị trường trong và ngoài nước mà tự nghĩ ra tên Công ty có trụ sở ở nước ngoài (không tồn tại trên thực tế), chủ yếu tại Malaysia và Singapore để in trên bao bì nhằm thể hiện sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ.
Thủ đoạn này để các sản phẩm giả dễ tiêu thụ trên thị trường và khiến người mua, cơ quan chức năng khó truy nguồn gốc, xuất xứ.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng phát hiện có sự sơ hở, dấu hiệu vi phạm của một số doanh nghiệp trong việc nhập khẩu, kinh doanh các hoạt chất tân dược; chưa quản lý, bán các hoạt chất tân dược này theo đúng yêu cầu, mục đích khi đăng ký nhập khẩu, tạo điều kiện cho Diệu và đồng bọn thu mua các nguyên liệu hoạt chất tân dược này để sản xuất thuốc giả.
Theo Điều 194, người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh có thể bị phạt tù từ 5 năm - 12 năm tù.
Cá biệt có các hoạt chất tân dược được nhập khẩu, phân phối phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng được bán trôi nổi ra thị trường để Diệu mua sản xuất thuốc uống cho người (thuốc giả).
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra (Phòng Cảnh sát kinh tế) đã khởi tố, bắt tạm giam 22 đối tượng về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự, trong đó có vợ chồng Diệu, Hương.
Vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng, xử lý nghiêm minh, triệt để đối với các đối tượng có liên quan.
CẦN NGHIÊN CỨU THẬT KỸ SẢN PHẨM THỰC PHẨM CHỨC NĂNG
Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Công an TP Sầm Sơn phá Chuyên án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng, bắt giữ 2 đối tượng: Nguyễn Hữu Nam (sinh năm 2000, ở TP Sầm Sơn) và Triệu Y Tám (sinh năm 2001, ở huyện Ba Vì, TP Hà Nội).
Tại cơ quan Công an, 2 đối tượng khai nhận lợi dụng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, chào bán qua mạng và cam kết đây là sản phẩm “chính hãng” của Công ty Cổ phần đầu tư và công nghệ S99, luôn có sẵn hàng hóa với số lượng lớn, luôn có khả năng cung cấp cho người mua với giá tốt.
Tháng 4/2024, Nguyễn Hữu Nam đứng tên thành lập hộ kinh doanh cá thể, được UBND TP Sầm Sơn cấp Giấy chứng nhận đăng ký để chạy quảng cáo mang tên Nam Trung, địa chỉ khu tái định cư Bắc Kỳ, phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn (đây là địa chỉ Nam thuê).
Sau đó, Nam lập ra 03 trang Facebook và thuê các nhân viên làm tư vấn bán hàng để bán hàng theo hình thức online để quảng cáo, tư vấn, bán hàng thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm đau xương khớp nhãn hiệu "Khớp Tây Bắc" và "Cao Tây Bắc" của Công ty cổ phần S99.
Để có nguồn hàng giả bán cho khách hàng, Nam đã không liên hệ với Công ty Cổ phần S99 mà câu kết với Triệu Y Tám mua nguyên liệu, tem nhãn và sản xuất tại nhà Tám ở huyện Ba Vì, TP. Hà Nội, sau đó vận chuyển vào Thanh Hóa để tiêu thụ.
Chỉ tính từ tháng 4/2024 đến khi bị bắt, Nam và Tám đã câu kết với nhau bán ra thị trường hàng nghìn lọ thực phẩm chức năng giảm đau xương khớp nhãn hiệu “Khớp Tây Bắc, Cao Tây Bắc” giả, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.
Qua vụ án trên, cơ quan Công an khuyến cáo người tiêu dùng hãy nghiên cứu thật kỹ các sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khoẻ trước khi lựa chọn sử dụng.
Khi mua hàng hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được bán tại các cơ sở uy tín, bảo đảm chất lượng để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Hãy là những người tiêu dùng thông minh để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người than, đừng vì tâm lý mua được hàng rẻ mà mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.