May 21, 2024 | 18:09 GMT+7

Việt Nam đăng cai Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 4

Ánh Tuyết -

Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 được tổ chức vào tháng 6/2024 tại Việt Nam, dự kiến sẽ thảo luận hàng loạt vấn đề quan trọng...

Hải quan Việt Nam nỗ lực để hoàn thành trách nhiệm, thúc đẩy các nước triển khai lộ trình đã định với các nội dung: ưu tiên về một cửa, quá cảnh và công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên...
Hải quan Việt Nam nỗ lực để hoàn thành trách nhiệm, thúc đẩy các nước triển khai lộ trình đã định với các nội dung: ưu tiên về một cửa, quá cảnh và công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên...

Ngày 21/5, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề: "Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33" sắp diễn ra tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, từ ngày 4 - 6/6/2024.

Thông tin tại buổi họp báo về sự kiện quan trọng trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hải quan ASEAN của Hải quan Việt Nam, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan), cho biết đây là lần thứ 4 Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN sau các năm 1995, 2004 và 2014.

Theo đại diện Tổng cục Hải quan, hợp tác, hội nhập khu vực và quốc tế là tất yếu và là xu thế chủ đạo trong bối cảnh hiện nay với trọng tâm mở cửa kinh tế, tự do hóa thương mại, nhằm phát huy nguồn lực trong nước, tận dụng cơ hội bên ngoài. 

Trong khu vực Đông Nam Á, kể từ khi trở thành thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về tăng trưởng và phát triển kinh tế, quy mô nền kinh tế tăng gần 17 lần từ 20,8 tỷ USD năm 1995 lên khoảng 430 tỷ USD tỷ USD đến năm 2023. 

Với dân số hơn 660 triệu người, GDP năm 2022 đạt gần 3660 tỷ USD, đứng thứ 3 Châu Á và đứng thứ 5 toàn cầu sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, ASEAN hiện nằm trong những khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới. 

Bên cạnh đó, nhằm mở rộng hội nhập kinh tế toàn cầu, ASEAN đã và đang đẩy mạnh triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và vùng lãnh thổ, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hồng Kông (Trung Quốc). 

Giai đoạn phát triển mới với việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập vào năm 2015 đã đặt ra yêu cầu mới đối với ngành hải quan các nước trong khu vực là phải đẩy nhanh công cuộc cải cách, hiện đại hóa, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt nhất, cũng như ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quy trình nghiệp vụ và quản lý hải quan.

Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - chính trị thế giới như sự suy yếu của hệ thống thương mại đa phương, chiến tranh thương mại, hay tác động của đại dịch Covid-19, các nước ASEAN trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức chung trong hợp tác kinh tế, giao lưu thương mại. 

"Hợp tác hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và duy trì Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), khi ASEAN trở thành một thị trường đơn nhất, một cơ sở sản xuất và phân phối chung trong khu vực, thông qua tạo thuận lợi thương mại, hàng hoá tự do lưu thông và thực hiện các mục tiêu hội nhập kinh tế sâu rộng của ASEAN", đại diện Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.

Họp báo chuyên đề: "Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33". 
Họp báo chuyên đề: "Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33". 

Tham dự hội nghị gồm các đại biểu: 10 đoàn hải quan các nước ASEAN do các tổng cục trưởng làm trưởng đoàn, Hải quan Timor Lester với vai trò quan sát viên và Ban thư ký ASEAN, Tổ chức Hải quan Thế giới, Hải quan Australia, Hải quan Trung Quốc, Hải quan Hàn Quốc, Hải quan Nhật Bản, Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN, Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ, Hội đồng Kinh doanh ASEAN - EU. 

Hội nghị sẽ thảo luận 12 nội dung bao gồm: thống nhất các chương trình và giải pháp, tiếp tục thực hiện và hoàn thành các mục tiêu xác định tại các Kế hoạch Chiến lược phát triển Hải quan ASEAN giai đoạn 2021-2025. 

Bên cạnh đó, các nội dung như: trao đổi chứng từ điện tử qua "Một cửa ASEAN"; triển khai Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS); lộ trình triển khai thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN… cũng được ưu tiên thảo luận.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, với vai trò chủ trì hội nghị quan trọng nhất của Hải quan ASEAN, Việt Nam thể hiện là thành viên có trách nhiệm và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong khu vực ASEAN.

Qua đó, nâng cao vị thế, vai trò của Hải quan Việt Nam, một cơ quan thành viên trụ cột cộng đồng kinh tế ASEAN, thực hiện đúng chủ trương chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, trong đó có ASEAN.

Dưới vai trò Chủ tịch Hải quan ASEAN nhiệm kỳ 2024-2025, Hải quan Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành trách nhiệm trong việc tích cực điều phối, thúc đẩy các nước triển khai đúng tiến độ, lộ trình đã định với các nội dung ưu tiên về một cửa, quá cảnh và công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên.

Đồng thời, khuyến khích các nước tăng cường trao đổi, cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong quá trình thực tế triển khai, thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan hải quan thành viên, góp phần vào xây dựng một Cộng đồng Kinh tế ASEAN thịnh vượng, bền vững.

Hội nghị còn là diễn đàn để hải quan ASEAN tăng cường đối thoại, tham vấn với các đối tác nhằm thực hiện các mục tiêu phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate