Theo báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý 3 và 9 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê công bố mới đây, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 3 tiếp tục tăng, đời sống được cải thiện hơn.
MỨC TĂNG KHÔNG ĐỒNG ĐỀU GIỮA CÁC VÙNG
Tổng cục Thống kê cho biết quý 3/2024, thu nhập bình quân của lao động đạt 7,6 triệu đồng, tăng 176 nghìn đồng so với quý trước, và tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,4 lần ở nông thôn (9,3 triệu đồng so với 6,6 triệu đồng).
So với quý trước, tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 3/2024 không đáng kể (đạt 2,4%). Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, đời sống của người lao động được cải thiện hơn.
Cụ thể, tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 3 năm nay (đạt 7,3%) cao gấp 1,4 lần tốc độ tăng thu nhập bình quân so với cùng kỳ (quý 3/2023 đạt 5,3%).
Tính chung 9 tháng năm 2024, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,34 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,6 triệu đồng so với 6,4 triệu đồng).
Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,4 lần khu vực nông thôn (9,2 triệu đồng so với 6,5 triệu đồng).
Xét theo vùng kinh tế - xã hội, so với quý trước, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 3 tăng lên không đồng đều ở các vùng trong cả nước. Trong đó, thu nhập của người lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng được cải thiện hơn.
Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng quý 3 là 9,1 triệu đồng, tăng 5,8% so với quý trước, cao hơn tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động tại vùng này cùng kỳ năm ngoái (quý 3/2023 tăng 3,3%).
Thu nhập của người lao động tại một số địa phương trong vùng có tốc độ tăng cao như: Hà Nội 10,7 triệu đồng, tăng 6,6% so với quý trước (tương ứng tăng 659 nghìn đồng); Nam Định 7,6 triệu đồng, tăng 5,7% (tương ứng tăng 406 nghìn đồng).
Vùng Trung du miền núi phía Bắc có tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động tăng thấp, với 5,6 triệu đồng/tháng, tăng 0,82% so với quý trước (tương ứng tăng 45 nghìn đồng). Trong đó, một số tỉnh ghi nhận tốc độ giảm thu nhập bình quân tháng của người lao động như: Sơn La là 3,6 triệu đồng, giảm 7,8% (tương ứng giảm 305 nghìn đồng); Lạng Sơn là 5,8 triệu đồng, giảm 4,9% (tương ứng giảm 298 nghìn đồng); Cao Bằng là 3,2 triệu đồng, giảm 3,5% (tương ứng giảm 114 nghìn đồng).
THU NHẬP TĂNG Ở HẦU HẾT CÁC NGÀNH KINH TẾ
Theo khu vực kinh tế, Tổng cục Thống kê đánh giá, so với quý trước và cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 3/2024 tăng lên ở hai khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu nhập bình quân tháng của người lao động có giảm so với quý trước, song lại tăng so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 3 tăng cao nhất ở khu vực dịch vụ, với 9,1 triệu đồng, tăng 4,1% (tăng tương ứng 355 nghìn đồng) so với quý trước và tăng 7,8% (tăng tương ứng 657 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực công nghiệp và xây dựng là 8,5 triệu đồng, tăng 2,3% (tăng tương ứng 189 nghìn đồng) so với quý trước và tăng 557 nghìn đồng (tăng tương ứng 7,0%) so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản là 4,3 triệu đồng, giảm 2,9% (giảm tương ứng 128 nghìn đồng) so với quý trước và tăng 4,5%, tăng tương ứng là 188 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, quý 3 ghi nhận mức thu nhập bình quân tháng của lao động tăng lên ở hầu hết các ngành kinh tế.
Một số ngành ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá như: Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản là 11,9 triệu đồng, tăng 12,7%, tương ứng tăng 1,3 triệu đồng; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 11,3 triệu đồng, tăng 11,2%, tương ứng tăng 1,1 triệu đồng.
Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 12,7 triệu đồng, tăng 10,3%, tương ứng tăng 1,2 triệu đồng; công nghiệp chế biến chế tạo là 8,3 triệu đồng, tăng 6,7%, tương ứng tăng 524 nghìn đồng.
Trong Điều tra lao động việc làm, thu nhập của người lao động là số tiền công/tiền lương hoặc lợi nhuận nhận được từ công việc (bao gồm tiền làm thêm giờ, tiền thưởng, tiền phụ cấp nghề và tiền phúc lợi khác) trong tháng trước thời điểm điều tra.
Thu nhập bình quân một lao động đang làm việc là tổng thu nhập của tất cả lao động đang làm việc so với tổng số lao động đang làm việc.
Tính chung 9 tháng năm 2024, lao động làm việc trong một số ngành kinh tế có tốc độ tăng thu nhập bình quân khá hơn với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 11,2 triệu đồng, tăng 13%, tương ứng tăng 1,3 triệu đồng; hoạt động kinh doanh bất động sản là 11,7 triệu đồng, tăng 11,6%, tương ứng tăng 1,2 triệu đồng.
Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 12,7 triệu đồng, tăng 11,2%, tương ứng tăng 1,3 triệu đồng; khai khoáng là 11 triệu đồng, tăng 7,8%, tương ứng tăng 794 nghìn đồng; xây dựng là 8,4 triệu đồng, tăng 6,7%, tương ứng tăng 527 nghìn đồng.
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương trong 9 tháng năm 2024 là 8,5 triệu đồng, tăng 7,7%, tăng tương tứng 611 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Lao động nam có mức thu nhập bình quân cao hơn mức thu nhập bình quân của lao động nữ là 1,13 lần (9 triệu đồng so với 7,9 triệu đồng). Lao động làm việc trong khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân là 9,5 triệu đồng, cao hơn 1,25 lần mức thu nhập bình quân của lao động ở khu vực nông thôn (7,7 triệu đồng).