September 24, 2024 | 15:53 GMT+7

Nhiều lao động di cư nội địa muốn làm thêm giờ vì thu nhập quá thấp

Nhật Dương -

Nhiều người di cư ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có đời sống vật chất thiếu thốn, với thu nhập và mức sống thấp, điều kiện nhà ở khó khăn. Điều này khiến người lao động luôn mong muốn làm thêm giờ, mặc dù thời gian làm việc của họ bị kéo dài...

Nhiều lao động di cư có thu nhập và mức sống thấp. Ảnh minh họa.
Nhiều lao động di cư có thu nhập và mức sống thấp. Ảnh minh họa.

Đây là một số phát hiện từ nghiên cứu được chia sẻ tại Tọa đàm chuyên đề “Di cư nội địa ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long: Vấn đề hiện nay và hàm ý chính sách” do Viện Phát triển Bền vững (thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, phối hợp tổ chức ngày 24/9.

NHIỀU LAO ĐỘNG DI CƯ KHÔNG CÓ BẢO HIỂM

Theo kết quả nghiên cứu, đa số người di cư trong mẫu nghiên cứu chưa được hưởng các phúc lợi xã hội cơ bản. Nhiều người di cư không có chuyên môn thường làm lao động đơn giản trong các công ty, hoặc làm tự do với công việc theo mùa vụ, không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kể cả bảo hiểm xã hội tự nguyện, và chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội ở địa phương điểm đến.

Kết quả cũng cho thấy lao động di cư làm việc trong khu vực chính thức và phi chính thức thường có sự khác biệt về thu nhập. Ở khu vực chính thức, thu nhập phần lớn khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, và tăng ca được 9-11 triệu đồng/tháng, cá biệt có công ty đạt tới 14 triệu/tháng. Khu vực phi chính thức thì thấp hơn, khoảng 5-7 triệu đồng/tháng.

Điều này khiến người lao động di cư luôn mong muốn làm thêm giờ, mặc dù thời gian làm việc bị kéo dài.

Theo nghiên cứu, tình trạng này nảy sinh bởi một số lý do. Thứ nhất, chính sách giữ chi phí lao động rẻ với tiền lương vùng thấp. Doanh nghiệp thiết kế chương trình giờ làm việc và mức lương thấp, nhưng vẫn đảm bảo quy định lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, do lương tối thiểu thấp, người lao động phải đi làm thêm.

Thứ hai, doanh nghiệp xây dựng giờ làm việc nhằm khai thác sức lao động và có lách luật để tiết kiệm chi phí. Mặc dù trả tiền ngoài giờ cho những giờ làm ngoài 8 giờ/ngày, nhưng doanh nghiệp khai thác sức khỏe của lao động di cư thông qua việc đi làm sớm, không có giải lao, ăn nhẹ giữa làm chính...

Thứ ba, các doanh nghiệp có mạng lưới liên kết với nhau. Doanh nghiệp làm tốt muốn tăng lương cho người lao động cũng không hề dễ dàng, vì các doanh nghiệp khác trên địa bàn phản đối.

Mức lương thấp khiến phần lớn người lao động di cư sống trong các khu nhà trọ không đủ tiêu chuẩn, chật chội, ẩm mốc, không đủ đồ dùng cơ bản, đặc biệt không đảm bảo tiêu chuẩn về phòng chống cháy nổ.

Lý giải vì sao người di cư lựa chọn hoặc chấp nhận sống trong khu nhà như vậy, báo cáo cho biết bởi trước hết là nhà trọ có giá thuê rẻ. Các nhà trọ được xây thành dãy, mỗi phòng có diện tích 9 - 16m2, với giá thuê từ 800.000 đến 1,4 triệu đồng/tháng, không kể điện nước. Cá biệt có nhà trọ cho thuê với giá 500.000 đồng/tháng.

Loại nhà trọ tiết kiệm chi phí hơn đó là ở tập thể, hàng chục người trong cùng căn phòng, người di cư trả tiền trọ theo từng đêm ngủ, giá dao động từ 10.000 - 30.000 đồng/ngày đêm.

Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày kết quả tại tọa đàm.
Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày kết quả tại tọa đàm.

Thứ hai, nhà trọ chỉ để ngủ. Đa phần lao động di cư đều làm việc cả ngày, thậm chí tăng ca kíp, thời gian chính của họ là ở nơi làm việc. Nhiều lao động di cư làm việc xong, ăn tối ở công ty mới về nhà. Họ về nhà trọ chỉ để tắm, giặt và ngủ. Vì vậy, nhà trọ không phải là quan tâm của họ.

Thứ ba, cuộc sống tạm bợ. Người di cư hi vọng luôn trong tình trạng thăm dò và tìm các công việc, cơ hội tốt hơn, trong khi các lao động thời vụ phụ thuộc công việc. Chính vì sự thiếu ổn định, lao động di cư không chăm lo cho nơi ở của mình. Những người di cư này thường là người di cư hi vọng.

DÀNH QUỸ ĐẤT ĐỂ XÂY DỰNG NHÀ Ở CHO NGƯỜI CÓ THU NHẬP THẤP

Bên cạnh những khó khăn về việc làm, thu nhập, đời sống tinh thần, tình cảm gia đình của người di cư bị chia cắt, và đây là nguyên nhân của nhiều vấn đề xã hội cần được quan tâm giải quyết.

Về tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông cho con cái, nhiều người di cư khó tiếp cận dịch vụ giáo dục công lập. Các cơ sở giáo dục công lập ở nhiều địa phương có biểu hiện quá tải, bởi không dự báo được chính xác số lượng trẻ đến tuổi đi học trong năm học. Trẻ em di cư phải học tập trong cơ sở mầm non tư nhân, với chi phí đắt đỏ hơn.

Trước những phát hiện đưa ra, báo cáo đề xuất nhiều giải pháp và khuyến nghị chính sách, nhằm đảm bảo quyền được công nhận, bảo vệ và hòa nhập cộng đồng của người di cư ở nơi đến.

Đơn cử như các cơ quan chức năng cần có quy hoạch và dành quỹ đất cho xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Trong đó, không phân biệt người thường trú hay người tạm trú, bên cạnh việc đa dạng hóa hình thức cung ứng, và loại hình nhà ở cho người lao động.

Ngoài ra, với khu vực chịu tác động nhiều bởi yếu tố “đẩy” như đồng bằng sông Cửu Long, cần khuyến khích tạo việc làm trong khu vực nông nghiệp ở các vùng nông thôn, nhằm giữ lao động ở lại. Đồng thời, cần cải thiện kết nối giao thông thuận tiện ở vùng này, để người dân đi về trong ngày, giúp giảm sức ép về nhà ở tại nơi đến.

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm.
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm.

Tại tọa đàm, bà Sabina Stein, Trợ lý Đại diện Thường trú, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Công nhận và thực thi quyền của người di cư không chỉ là vấn đề công lý, mà còn là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Để thực sự khai thác tiềm năng của di cư, chúng ta cần thiết lập môi trường thúc đẩy sự hòa nhập của người di cư với các cộng đồng địa phương nơi đến, xây dựng cầu nối thúc đẩy gắn kết xã hội và thịnh vượng cho tất cả mọi người”.

Theo bà, cơ hội học tập bình đẳng cho con em của người di cư tại các địa phương đến, sẽ hỗ trợ ất nhiều cho quá trình hòa nhập. Đồng thời, giảm bớt khó khăn trong việc tiếp cận các thủ tục hành chính tại các tỉnh tiếp nhận, cũng là cách thức cần thiết để hỗ trợ người di cư.

PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hy vọng rằng kết quả nghiên cứu công bố trong ngày hôm nay, sẽ không chỉ dừng lại ở báo cáo trong hội trường, mà sẽ có những đóng góp tích cực đến thực tiễn chính sách dành cho người di cư ở Việt Nam.

Qua đó, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ công, cũng như chất lượng cuộc sống của người di cư ở hai vùng đồng bằng sông Hồng, và đồng bằng sông Cửu Long.

 

Nghiên cứu đã được thực hiện ở 9 tỉnh, thành phố, trong đó 4 địa phương thuộc đồng bằng sông Hồng là Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Nam Định; 4 địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long, gồm Cần Thơ, Long An, An Giang và Sóc Trăng; và một địa phương thuộc Đông Nam Bộ là Bình Dương, cũng là tỉnh tiếp nhận nhiều người di cư từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate