Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn số 8646/BGTVT-TC gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Tư pháp xin ý kiến về phương án thu hồi vốn đối với các đoạn cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dự kiến, mức thu được Bộ Giao thông vận tải đưa ra từ 1.000 đồng-1.500 đồng/km/CPU, tùy từng tuyến, áp dụng công nghệ thu phí điện tử không dừng tại các tuyến cao tốc này.
Bộ Giao thông vận tải kiến nghị giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam là đơn vị được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản. Cơ quan này sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí.
Tại phương án thu hồi vốn gửi các Bộ, Bộ Giao thông vận tải đánh giá, mức thu phí dự kiến tại 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông 1.000 - 1.500 đồng/PCU/km là tương đồng với mức thu của các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác và phù hợp với mức chi trả, lợi ích thu được của người sử dụng đường cao tốc.
Được biết, hiện mức thu phí sử dụng của một số tuyến đường cao tốc đang được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư tài chính phát triển hạ tầng và một số nhà đầu tư tư nhân khai thác dao động từ 1.000 đến 2.100 đồng/PCU/km.
Tính toán của cơ quan xây dựng phương án thu hồi vốn cho thấy, trong trường hợp lưu lượng phương tiện tăng trưởng theo đúng kịch bản, với mức thu 1.000 - 1.500 đồng/PCU/km tùy từng tuyến, thì sau khi trừ chi phí vận hành, bảo dưỡng và tổ chức thu, ngân sách sẽ thu được khoảng 2.130 tỷ đồng/năm từ 8 tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong giai đoạn 2025 - 2030.
Trước đó, đầu tháng 8, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư.
Theo đó, ý kiến các Bộ, cơ quan đều thống nhất cần thiết phải xây dựng cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội phục vụ đầu tư phát triển đường bộ cao tốc.
Để đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện, cả hai phương án thu theo cơ chế giá hay cơ chế phí đối với dịch vụ sử dụng đường cao tốc đều phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
“Phương án thu cần được xây dựng, tính toán kỹ trên cơ sở làm rõ các nguyên tắc, tiêu chí, đảm bảo tính nhất quán, công bằng, hợp lý, thống nhất và thu hút các nguồn lực đầu tư”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Việc đề xuất thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc sẽ được xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định vào thời điểm thích hợp, tuy nhiên, để chủ động khi trình, đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, sớm hoàn thiện hồ sơ.