Cách đây 2 tuần, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi các tiểu bang của nước này chỉ xem phong toả là “biện pháp cuối cùng”.
Giờ đây, từ đồng minh chính trị của ông Modi cho tới các lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Ấn Độ, thậm chí cố vấn y tế cấp cao nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden đều tin đó là cách duy nhất để chống chọi với đợt dịch tội tệ nhất thế giới đang bủa vây quốc gia tỷ dân ở Nam Á.
Năm ngoái, khi Ấn Độ đương đầu với làn sóng Covid đầu tiên, ông Modi đã mạnh tay áp lệnh phong toả toàn quốc mà không hề cảnh báo trước, dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo khi nhiều lao động di cư phải chạy bộ về quê. Bởi vậy, việc ông Modi chần chừ áp phong toả trong làn sóng Covid thứ hai hiện nay càng gây tranh cãi nhiều hơn. Nhưng mặc sự lưỡng lự của vị Thủ tướng, nhiều bang của Ấn Độ đã kiên quyết đưa ra lệnh phong toả vì nhận thấy không còn giải pháp nào khác.
Theo số liệu mới nhất công bố ngày 4/5, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ đã vượt mốc 20 triệu, với 357.229 ca ghi nhận trong 24 giờ gần nhất. Số ca tử vong tăng thêm 3.449 ca, lên 222.408 ca.
Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ hai thế giới, sau Mỹ, thiết lập cột mốc u ám này. Chỉ mất 4 tháng để Ấn Độ tăng thêm 10 triệu ca nhiễm tiếp theo, so với quãng thời gian 10 tháng để ghi nhận 10 triệu ca nhiễm đầu tiên.
“Một trong những vấn đề hiện nay là quan niệm sai lầm rằng nếu phong toả thì phong toả hết - đồng nghĩa với thảm hoạ kinh tế, còn không thì không phong toả - đồng nghĩa với thảm hoạ y tế”, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Catherine Blish thuộc Stanford Medicine phát biểu. “Những gì đang diễn ra đã là một thảm hoạ y tế và kinh tế rồi. Nếu một tỷ lệ lớn dân số mắc bệnh, thì đó là điều tệ hại đối với cả người dân và nền kinh tế”.
Nhà ngân hàng giàu nhất Ấn Độ, tỷ phú Uday Kotak, người hiện giữ cương vị Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ triển khai “những biện pháp toàn quốc mạnh mẽ nhất, bao gồm giảm bớt các hoạt động kinh tế để giảm bớt nỗi thống khổ cho người dân”.
“Chúng ta cần nghe theo lời khuyên của các chuyên gia trong vấn đề này, cả chuyên gia Ấn Độ và nước ngoài”, ông Kotak nói.
Lời kêu gọi của ông Kotak được xem là một sự thay đổi quan điểm của giới doanh nghiệp Ấn Độ. Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 4, các công ty thành viên của CII phản đối phong toả và muốn đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng trở lại đây, sự quá tải của hệ thống y tế và số ca tử vong không ngừng tăng lên đã làm lộ ra quy mô của cuộc khủng hoảng. Tình trạng thiếu vaccine khiến mọi việc thêm phần tồi tệ.
Theo giới chuyên gia, các hiệu quả tức thời để cắt đứt chuỗi lây nhiễm ở Ấn Độ lúc này là giữ khoảng cách đủ xa giữa người với người để virus không lan từ người này sang người khác. Một số chuyên gia, bao gồm chuyên gia cấp cao nhất về Covid-19 của Mỹ, tiến sỹ Anthony S. Fauci, nói rằng đóng cửa tạm thời là điều quan trọng mà Ấn Độ cần làm lúc này.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến nói rằng phong toả hoàn toàn trên toàn quốc là điều không thể và đó sẽ là thảm hoạ đối với người nghèo - đối tượng vốn đã gánh chịu nhiều nhất trong “chảo lửa Covid” này.
Nhiều phần của Ấn Độ, bao gồm thủ đô New Delhi và thủ phủ tài chính Mumbai, hiện đã tiến hành phong toả, dù không nghiêm ngặt như hồi năm ngoái. Chính phủ liên bang Ấn Độ để cho các bang tự quyết định có phong toả địa phương hay không.
Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đã phát tín hiệu sẵn sàng triển khai biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, nhưng các chuyên gia kinh tế nói rằng nếu làn sóng virus không được kiểm soát, chính sách tài khoá và tiền tệ của nước này có thể chịu sức ép lớn. Hiện tại, dư địa phản ứng chính sách của Chính phủ Ấn Độ không còn nhiều.