November 17, 2023 | 16:39 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu

Dũng Hiếu -

Nhân kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, chiều 17/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu.

Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: VGP

Cùng dự buổi gặp mặt có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; lãnh đạo Bộ Lao đông-Thương binh và Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, một số bộ, ngành Trung ương, Hội Khuyến học Việt Nam... Đặc biệt là sự có mặt của 60 thầy cô giáo tiêu biểu đại diện cho các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước.

Sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu trên toàn quốc là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn cho đội ngũ thầy, cô giáo; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với nhà giáo nói riêng và sự nghiệp giáo dục, đào tạo nói chung. Đồng thời, thể hiện sự trân trọng, tri ân và tôn vinh nhà giáo, nghề giáo trong sự nghiệp “trồng người”.

NHỮNG NGƯỜI THẦY TRÁCH NHIỆM, TÂM HUYẾT VÀ TẬN TỤY VỚI NGHỀ

Năm 2023 đánh dấu tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, với những thành tựu đáng tự hào, mà ở đó có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ thầy, cô trên mọi miền Tổ quốc.

Các thầy, cô đã tận tâm, tận hiến với sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Đó là những hạt nhân nòng cốt, lan tỏa, cộng hưởng giá trị tốt đẹp trong xã hội. Các thầy, cô cũng chính là những tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo.

Cô giáo Dương Thị Diến, sinh năm 1988, dân tộc Tày, ở Bắc Kạn. Ảnh: VGP.
Cô giáo Dương Thị Diến, sinh năm 1988, dân tộc Tày, ở Bắc Kạn. Ảnh: VGP.

Tại buổi gặp mặt, cô giáo Dương Thị Diến, sinh năm 1988, dân tộc Tày, ở Bắc Kạn, cho biết sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây năm 2009, cô giáo Dương Thị Diến tình nguyện lên tỉnh Lai Châu công tác, được phân công giảng dạy tại Trường Mầm non xã Tà Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, là trường thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện ở thời điểm đó.

Mất hơn 4 giờ đồng hồ, để đến được trung tâm trường, cô giáo Diến cảm nhận sâu sắc những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn của các thầy cô giáo "cắm bản" ở vùng sâu, vùng xa, cùng nối nhờ gia đình, người thân. Tuy nhiên, cô đã được các đồng nghiệp đón, động viên, cùng với những ánh mắt trẻ thơ đầy yêu thương, những câu chào đón đầy thân thương của bà con dân bản đã giúp tôi thêm nghị lực quên đi nỗi buồn và mệt nhọc để bước vào nhiệm vụ mới.

Cô Diến và các đồng nghiệp đã không quản khó khăn, nhọc nhằn, đem hết khả năng và năng lực để cống hiến. Trường Mầm non xã Tà Mít đã từng bước đổi thay, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, trẻ yêu trường, yêu lớp. Năm 2015 nhà trường được công nhận đạt chuẩn Phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi…

Với 14 năm công tác trong ngành Giáo dục tỉnh Lai Châu, cô Diến trở thành giáo viên dạy giỏi, nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2023 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua của tỉnh Lai Châu; có 03 lần được Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong giáo dục và đào tạo.

Cô giáo Nguyễn Thuý Duyên, giáo viên trường Tiểu học Thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: VGP.
Cô giáo Nguyễn Thuý Duyên, giáo viên trường Tiểu học Thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: VGP.

Xúc động khi được vinh dự đại diện cho đội ngũ các nhà giáo tiêu biểu của cả nước phát biểu cảm tưởng tại cuộc gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ, cô giáo Nguyễn Thuý Duyên, giáo viên trường Tiểu học Thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết khi chọn nghề dạy học, bản thân cô ý thức rõ trách nhiệm mà xã hội đã giao phó, tôi luôn tự nhủ phải luôn cố gắng hết lòng vì đàn em thơ với mong muốn các em có một tương lai tươi sáng để góp phần xây dựng quê hương, giúp quê hương thoát khó vượt nghèo.

Đó cũng là động lực để bản thân cô giáo Duyên vượt khó vươn lên và đã đạt được một số thành tích trong quá trình công tác được các cấp ghi nhận.

Cô giáo Nguyễn Thị Dang, sinh năm 1990, hiện là Giáo viên trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Sau 4 năm học tại trường, đến tháng 9/2013, cô giáo Dang về công tác tại Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, luôn trăn trở, tìm tòi những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật, như: sáng kiến một số biện pháp hỗ trợ kỹ năng tập đọc cho trẻ khó khăn về học; một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học môn kỹ năng xã hội cho học sinh khó khăn về học, hay một số biện pháp tạo hứng thú học toán cho học sinh lớp 2 - Chậm phát triển trí tuệ,...

Từ đó giúp các em khuyết tật tự tin hơn, hiệu quả học tập tốt hơn, các em thích được đi học, gắn bó với trường với lớp hơn, nâng cao khả năng hòa nhập và được phụ huynh rất tin tưởng.

Thầy giáo Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM). Ảnh: VGP
Thầy giáo Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM). Ảnh: VGP

Đại diện cho các nhà giáo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp cả nước được báo cáo Thủ tướng, thầy giáo Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM) bày tỏ, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của nước ta thời gian qua đã có sự phát triển vượt bậc về lượng và chất. Trong đó các trường cao đẳng, trung cấp đóng vai trò chủ lực trong đào tạo nguồn nhân lực lao động nắm được lý thuyết, có kỹ năng nghề vững vàng, là lực lượng chủ lực trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Hiện nay, hợp tác và kết nối doanh nghiệp là thế mạnh của giáo dục nghề nghiệp. Trường Cao Thắng đã mời các doanh nghiệp tham gia ban cố vấn chương trình đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập, chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao tay nghề và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp...

Thay mặt đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, thầy giáo Lê Đình Kha mong muốn Thủ tướng tiếp tục quan tâm, có nhiều chính sách đãi ngộ, tôn vinh, thu hút và trọng dụng nhà giáo, thu nhập được nâng cao, nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề… Đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp về đào tạo bán dẫn và các ngành mới.

XÁC ĐỊNH ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN LÀ LỰC LƯỢNG LÒNG CỐT ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, sự kiện Thủ tướng gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu cả nước nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã được tiếp nối liên tục nhiều năm nay. Điều này cho thấy Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tới giáo dục nói chung và lực lượng nhà giáo nói riêng. Đây là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn đối với các nhà giáo.

Thay mặt cho ngành Giáo dục & Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Thủ tướng Chính phủ vì sự quan tâm hết sức ý nghĩa này.
Thay mặt cho ngành Giáo dục & Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Thủ tướng Chính phủ vì sự quan tâm hết sức ý nghĩa này.

Bộ trưởng cho biết: Với quan niệm nhà giáo là động lực, nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ngành Giáo dục luôn dành sự quan tâm tới đội ngũ nhà giáo và xác định đây là lực lượng nòng cốt, hạt nhân trong quá trình thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, nhiều năm qua, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp không ngừng lớn mạnh về số lượng, nâng cao chất lượng; cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Chia sẻ về thực trạng đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng thông tin: Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo ở các cấp học từ mầm non, phổ thông, dạy nghề, đại học, làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập.

 

Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo ở các cấp học từ mần non, phổ thông, đến dạy nghề, đại học, làm việc trong cả hai khố công lập và ngoài công lập.

Tính đến hết năm học 2022 - 2023, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của cấp mầm non là 86,3%, cấp tiểu học là 83,3%, cấp THCS là 90,3%, cấp THPT là 99,9%.

Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, bước đầu đáp ứng yêu cầu cơ bản về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn đều là nhà giáo giỏi được điều động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; cơ bản đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo, quản lý ở cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục.

Nhà giáo, nhà khoa học công tác tại cơ sở giáo dục đại học đã và đang đóng góp quan trọng trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Những phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, công bố khoa học quốc tế, phần lớn được thực hiện bởi các nhà giáo - nhà khoa học.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, khoảng trên 80% người tốt nghiệp qua đào tạo nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có việc làm. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín về chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp có tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp đạt 100%.

Đã hình thành các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từng vùng, địa phương và trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực. Đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu và từng bước khắc phục được tình trạng bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề của nhà giáo; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là trình độ kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm từng bước được chuẩn hóa và nâng cao.

Đội ngũ nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN đáp ứng yêu cầu giảng dạy các chương trình chuyển giao, tiếp cận trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đời sống của nhà giáo với nhiều khó khăn, nhất là các thầy cô ở vùng sâu vùng xa. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo vẫn mất cấn đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

Tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra tại nhiều địa phương. Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển, thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp, ...

Nhận thức về các khó khăn và thách thức, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chỉ đạo địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ tham mưu trình Bộ Chính trị phê duyệt 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022 - 2026.

Đồng thời, tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế tuyển dụng hợp đồng lao động để các cơ sở giáo dục được ký kết hợp đồng lao động góp phần giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Luật Nhà giáo đang bước đầu được triển khai và hướng tới mục tiêu tạo ra những thay đổi tích cực về thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo. Cho biết hiện còn rất nhiều việc phải làm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong mỏi các thầy, cô giáo cùng nỗ lực vượt qua thách thức, khó khăn để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate