April 16, 2023 | 18:13 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM

Hải Vân -

Sáng 16/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp  với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM - Ảnh TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM - Ảnh TTXVN

Trước đó, trong chiều 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi thực địa, nghe báo cáo về dự án xây dựng nút giao thông An Phú, khảo sát dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên), dự lễ khánh thành Bệnh viện Ung Bướu TPHCM (cơ sở 2). Ngoài ra đoàn đã có buổi khảo sát, nghe báo cáo và kiến nghị về dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn.

Nhận định về tình hình chung của nền kinh tế, Thủ tướng, cho biết thời gian qua và sắp tới tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới suy giảm, các nước thực hiện chính sách thắt chặt, kéo theo đó là sự thu hẹp của thị trường Việt Nam, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt trong giai đoạn giá nguyên liệu ngày càng tăng. Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại bên cạnh tạo cơ hội còn mang đến sự cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam… Ở trong nước, các vấn đề nội tại của nền kinh tế bộc lộ sâu sắc hơn sau đại dịch Covid-19.

“Chính phủ sẽ thường xuyên có các cuộc làm việc với Thành phố để cùng trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh và bền vững. Bởi vì TP.HCM là đầu tàu kinh tế, là trung tâm văn hóa, xã hội của khu vực phía nam và cả nước. Thành phố phát triển hay khó khăn có ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của cả nước”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Thành ủy TP.HCM, năm 2022, mặc dù có nhiều khó khăn song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp lớn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 9,03%, cao hơn bình quân chung cả nước với mức thu ngân sách nhà nước đạt trên 471.000 tỷ đồng, đứng đầu và chiếm 30% tổng thu ngân sách cả nước.

Tuy nhiên, quý 1/2023, tình hình phát triển kinh tế của Thành phố gặp khó khăn, GRDP trên địa bàn Thành phố ước chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ. Thời gian gần đây, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sụt giảm. Tốc độ tăng trưởng của Thành phố chậm dần đã ảnh hưởng đến vai trò của nền kinh tế đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước có phần giảm sút. Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập, quy hoạch, quản lý đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai có mặt chưa hiệu quả hiệu lực, hiệu quả và công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, môi trường đầu tư chậm được cải thiện.

Nói về mục đích của buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho biết phiên làm việc này của Thường trực Chính phủ với TP.HCM nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, nhất là trong khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19. Từ đó đưa ra giải pháp chắc chắn, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Tiếp tục thực hiện rà soát các nghị quyết, quyết định, thông tư mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành vừa ban hành thời gian qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển. Tiến hành kiểm điểm sự phối hợp giữa Thành phố với các bộ, ngành Trung ương và các nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục thực hiện.

Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề đã được TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Thành phố mong muốn Chính phủ xem xét thành lập Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu các động lực, cơ chế phát triển đột phá cho Thành phố, chỉ đạo triển khai sớm các dự án giao thông trọng điểm vùng, liên vùng và quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế cho 3 bệnh viện cửa ngõ Thành phố.

Ngoài ra, còn có vấn đề liên quan đến việc xem xét sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và cơ chế đặc thù thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà, sắp xếp lại các cơ sở nhà đất của các bộ, ngành trên địa bàn Thành phố và tháo gỡ những vướng mắc thị trường bất động sản.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate