Tại Diễn đàn, ông John Rockhold, Trưởng Nhóm công tác VBF về Điện và Năng lượng cho biết lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,8% lượng phát thải toàn cầu, tương đối nhỏ nhưng đang tăng lên và ước tính năm 2022, tương đương khoảng 3,5 tấn mỗi người.
Trong đó, ngành điện Việt Nam chiếm khoảng một nửa lượng khí thải CO2 này. Theo sau là lĩnh vực công nghiệp với khoảng 30%, vận tải ở mức 16% và xây dựng là 6%. Nông nghiệp chỉ đóng góp 1% lượng khí thải carbon nhưng là nguồn chính tạo ra khí mê-tan và nitơ điôxít, cả hai đều tác động mạnh mẽ vào sự nóng lên toàn cầu trong thời gian ngắn. Nông nghiệp chiếm khoảng một phần ba tổng lượng khí thải nhà kính.
CẦN 368 TỶ USD CHO TĂNG TRƯỞNG XANH 18 NĂM TỚI
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng chỉ riêng tác động của việc tăng nhiệt độ có thể khiến Việt Nam thiệt hại tổng cộng 12-14,5% GDP, hoặc chi phí tích lũy từ 400-523 tỷ USD vào năm 2050.
Việc giảm những chi phí đó thông qua việc thích ứng và giảm thiểu sẽ đòi hỏi khoảng 368 tỷ USD trong 18 năm tới. Con số này bao gồm khoảng 254 tỷ USD để thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm 219 tỷ USD để nâng cấp tài sản tư nhân và cơ sở hạ tầng công cộng và 35 tỷ USD cho các chương trình xã hội, và 114 tỷ USD, bao gồm 64 tỷ USD để giải quyết nhu cầu năng lượng tức thời, 17 tỷ USD để giảm phát thải carbon trong công nghiệp, giao thông vận tải và nông nghiệp, và 33 tỷ USD cho các chương trình xã hội hỗ trợ để giảm phát thải và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không của Việt Nam.
“Do đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để huy động đầu tư vào quá trình giảm thải carbon có thể giảm chi phí dài hạn liên quan đến biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam”, ông John Rockhold đặt vấn đề.
Theo Trưởng nhóm công tác VBF về Điện và Năng lượng, trên toàn cầu, một loạt các công cụ tài chính đang nổi lên. Bao gồm tái chế doanh thu thông qua định giá carbon và thị trường carbon; trái phiếu xanh và quỹ tài chính xanh; liên doanh đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh quy mô lớn; quỹ đổi mới xanh; các công ty dịch vụ năng lượng tái tạo, đơn vị phân loại đầu tư xanh, và nhiều công ty khác.
“Trong vài năm tới, Việt Nam có cơ hội huy động vốn toàn cầu để tài trợ cho quá trình chuyển đổi của mình, nhưng để làm được điều đó đòi hỏi sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng tài chính và pháp lý”, ông John Rockhold nhấn mạnh.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện một thách thức kép là giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0 vào năm 2050, đồng thời đạt được vị thế nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Để đặt tham vọng của đất nước vào viễn cảnh đạt được vị thế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam đang cố gắng thực hiện trong 20 năm điều mà Hàn Quốc đã mất hơn 40 năm để làm... nhưng không có sự trợ giúp của nhiên liệu hóa thạch và công nghệ sử dụng nhiều carbon.
“Bất chấp những thách thức dường như không thể vượt qua, đặc biệt là khi đi kèm với tác động bất ổn tiềm tàng của biến đổi khí hậu, Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu này. Tuy nhiên, để làm được điều đó, Chính phủ Việt Nam cần đảm bảo quá trình giảm thải cacbon và chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung vẫn được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính sách của quốc gia”, Trưởng nhóm công tác VBF về Điện và Năng lượng khuyến nghị.
7 KIẾN NGHỊ CHO TĂNG TRƯỞNG XANH
Tổng hợp kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nhằm hiện thực hóa các định hướng phát triển xanh và bền vững, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất 7 giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu. Đó là:
Thứ nhất, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật về môi trường. Thực tế đã cho thấy, việc tăng cường tham vấn doanh nghiệp, người dân trong quá trình xây dựng pháp luật giúp cải thiện chất lượng quy định pháp luật.
Thứ hai, tạo thuận lợi trong tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật về môi trường, phát triển bền vững: các cơ quan nhà nước cần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến các chính sách, quy định để các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ) dễ dàng tiếp cận thông tin hơn.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về tăng trưởng xanh; khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch…
Thứ tư, theo dõi, đánh giá thực thi chính sách về bảo vệ môi trường, phát triển xanh, phát triển bền vững ở cấp địa phương. Bên cạnh hoàn thiện khung khổ chính sách, thì thúc đẩy thực thi chính sách cũng hết sức quan trọng.
Trên cơ sở này, VCCI đang xây dựng và dự kiến sẽ công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) trong tháng 4 tới.
“Đây là bộ chỉ số độc lập đánh giá môi trường kinh doanh xanh cấp tỉnh, mức độ thực thi, tuân thủ pháp luật về môi trường; thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương; trình độ quản lý và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư xanh của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến môi trường”, ông Tuấn cho hay.
Thứ năm, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp. Dẫn số liệu tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, ông Tuấn cho biết, Việt Nam dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tập trung cải cách một số thủ tục hành chính trong các lĩnh vực còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp, như: đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, phòng cháy, xây dựng, quản lý thị trường, môi trường, kho bạc và lao động…
Cuối cùng, trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố rất bất ổn, theo ông Tuấn, Việt Nam cần đưa ra thông điệp mạnh mẽ về sự cam kết ổn định chính sách trong nước, lấy ổn định chính sách trong nước để bù đắp cho những bất ổn trên thế giới.
TRÁNH TÌNH TRẠNG “TĂNG TRƯỞNG TRƯỚC, DỌN DẸP SAU”
Chia sẻ với các đại biểu về các nền tảng phát triển của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Thủ tướng cho rằng, đây là những các giải pháp căn cơ, lâu dài để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.
“Tuy nhiên, theo quy luật, các hoạt động kinh doanh có lúc thuận lợi nhưng cũng có lúc khó khăn, thua lỗ, điều quan trọng nhất là về tổng thể, lâu dài, nhà đầu tư bảo toàn được vốn, mở rộng được sản xuất, kinh doanh, đạt được lợi nhuận”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về chủ đề của Diễn đàn, Thủ tướng cho biết tăng trưởng xanh cũng là một chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó bao gồm đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Ngoài ra, các cam kết về phát triển bền vững cũng đã được đưa vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP và EVFTA.
Trong quá trình này, Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, đặc biệt lưu ý về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để phát triển năng lượng bền vững; đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm.
“Trong đó, tránh tình trạng “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”, không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững; và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục tác động tới Việt Nam, mang tới không ít khó khăn, thách thức. Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn với tinh thần “các khó khăn lâu dài thì có giải pháp lâu dài, khó khăn trước mắt thì có giải pháp trước mắt”.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ về tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển thông qua tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phát triển đồng bộ các loại thị trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận bình đẳng (thị trường hàng hóa và dịch vụ, tài chính - tiền tệ, chứng khoán; quyền sử dụng đất, bất động sản, khoa học - công nghệ, lao động, mua sắm công…)…
Về một số vấn đề quan tâm, kiến nghị cụ thể của nhà đầu tư, Thủ tướng cho biết các cơ quan sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan visa, giấy phép lao động theo hướng thuận lợi nhất. Các cơ quan cũng đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… và các quy định liên quan. Về tới ngành dược, Quốc hội đã ban hành Luật Khám chữa bệnh sửa đổi và sắp tới các cơ quan sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược.
Về thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.
Liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, Thủ tướng cho biết Việt Nam có tiềm năng lớn và cần phát triển ngành công nghiệp trong lĩnh vực này. Vừa qua, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã được triển khai có hiệu quả nhưng có dấu hiệu phát triển nóng, có những dự án không đúng với quy hoạch, quy định hiện hành, giá cả không phù hợp.
Do đó, các bên phải ngồi lại, đàm phán lại về giá điện trên tinh thần không để ai thiệt thòi, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện nền kinh tế và thu nhập của người dân. Mặt khác, ông cho biết Việt Nam đã thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp và sẽ khuyến khích cơ chế này trong thời gian tới. Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý với các khoản vay kéo dài hơn và lãi suất giảm đi.