Nhận lời mời của Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Boris Johnson và Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và thăm làm việc tại Vương quốc Anh từ ngày 31/10-3/11, và thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp từ ngày 3-5/11 tới.
COP là hội nghị thường niên do Liên hợp quốc tổ chức để rà soát quá trình thực hiện Công ước và đưa ra các quyết định quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các điều khoản của Công ước. Do tác động của dịch Covid-19, Hội nghị lần thứ 26 (COP26) đã bị hoãn 1 năm (từ tháng 11/2020 đến 11/2021).
COP26 là sự kiện quốc tế lớn quan trọng hàng đầu được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu.
Dự kiến COP26 năm nay có sự tham dự trực tiếp của hơn 120 Nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng. Ngoài ra, sự kiện còn có Tổng Thư ký Liên hợp quốc cùng lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế và thể chế tài chính quốc tế lớn, nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn và nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế lớn. Tổng số khoảng 30.000 sẽ đại biểu tham dự sự hiện.
COP26 do Anh đăng cai tổ chức, có sự phối hợp với Italy (Italy đăng cai Hội nghị trù bị COP26 từ ngày 30/9-02/10/2021 tại Milan). Hội nghị sẽ diễn ra tại Thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh từ ngày 31/10-12/11/2021, trong đó Thủ tướng Anh Boris Johnson gửi thư mời nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng các nước dự Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu từ ngày 1-2/11. Thời gian còn lại sẽ là các cuộc họp và đàm phán theo quy định của Công ước và các hoạt động theo chủ đề.
Trên cương vị Chủ tịch COP26 và là nước đăng cai tổ chức Hội nghị, Anh kỳ vọng và đang nỗ lực để Hội nghị đạt được thỏa thuận về một số mục tiêu chính như huy động đủ 100 tỷ USD/năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; nhất trí được về cách thức xác định trước năm 2025 mục tiêu tài chính mới cho giai đoạn sau năm 2025; thu hẹp khoảng cách giữa cam kết của các quốc gia nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và cam kết giảm phát thải khí nhà kính cần thiết theo đòi hỏi của khoa học để giữ mức tăng nhiệt độ Trái đất ở 1,5 độ C...