March 15, 2023 | 15:48 GMT+7

Thủ tướng: Muốn phát triển du lịch phải thay đổi tư duy "cung cấp cái mình có", "làm du lịch một mùa"

Tiến Dũng -

Theo Thủ tướng, ngành du lịch cần thay đổi tư duy, có cách làm sáng tạo, chuyển từ 'cung cấp cái mình có' sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: VGP

Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá sau một năm mở cửa lại du lịch, rộng hơn là giai đoạn từ 2016 tới nay, ngành du lịch Việt Nam đã đạt kết quả đáng phấn khởi, trân trọng. 

Lượng khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt năm 2015 lên 85 triệu lượt năm 2019. Khách quốc tế tăng từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 18 triệu lượt năm 2019. Năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam năm 2019 tăng 17 bậc so với năm 2011. Năm 2022, Việt Nam đón 3,66 triệu lượt khách quốc tế, 103 triệu lượt khách nội địa.

Trong năm 2020 và 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch, nhưng chỉ số năng lực phát triển Việt Nam du lịch của Việt Nam vẫn tăng, năm 2021 tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52/117; Việt Nam nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện cao nhất thế giới. Từ tháng 11/2021, chúng ta đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/03/2022.

"Đây là những minh chứng sinh động cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, củng cố niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Với những kết quả này, chúng ta có thêm sự tự tin, kinh nghiệm, nhận thức rõ hơn về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam để bước vào giai đoạn phát triển mới, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", Thủ tướng nêu rõ.

"ĐI TRƯỚC VỀ CHẬM" TRONG PHỤC HỒI DU LỊCH HẬU COVID-19

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành du lịch. Việc phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa – lịch sử.

"Sau đại dịch, du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lượng khách du lịch quốc tế chưa được như mong muốn và mục tiêu đề ra. Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, ngành du lịch đang chuyển đổi, đang phát triển nên chất lượng còn hạn chế, chủ yếu cung cấp các sản phẩm dịch vụ chúng ta có mà chưa chú trọng đáp ứng sản phẩm, dịch vụ mà du khách cần", Thủ tướng đánh giá.

Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch để giản tiện cho khách du lịch còn hạn chế. Mức chi tiêu của khách du lịch hằng năm tăng chậm; khách du lịch chủ yếu chi tiêu cho các dịch vụ cơ bản (ăn uống, đi lại, lưu trú). Thủ tục xuất nhập cảnh, lưu trú, y tế... còn bất cập.

Việc hoạch định chiến lược về thị trường, đối tác còn hạn chế, chưa kịp thời điều chỉnh trước những biến động của tình hình du lịch thế giới, khu vực. Công tác quản lý du lịch chưa chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, còn nhiều vấn đề về công khai, minh mạch, bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh, môi trường… Liên kết trong phát triển sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực, liên kết trong hoạt động quản lý, đầu tư phát triển du lịch... chưa thực sự được quan tâm. Hình thức hợp tác công - tư chưa được vận dụng hiệu quả.

Hệ thống hạ tầng, dịch vụ công cộng, thông tin chỉ dẫn du lịch chưa đáp ứng nhu cầu. Chuyển đổi số trong du lịch chưa mạnh mẽ; chưa xây dựng, đồng bộ hóa và liên thông cơ sở dữ liệu giữa trung ương với địa phương, giữa ngành du lịch với các ngành khác.

Đổi mới trong tư duy, xây dựng hành lang pháp lý, tổ chức thực hiện du lịch chưa có sự đột phá. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch còn hạn chế. Chưa có nhiều sáng tạo, chủ yếu khai thác những điều kiện tự nhiên sẵn có. Các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc riêng có chưa được phát huy tối đa để biến thành nguồn lực. Khả năng tiệm cận với trình độ, văn hóa du lịch thế giới còn chậm.

Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới, đòi hỏi phải có tư duy đổi mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới để phát triển ngành du lịch.

Nhu cầu của khách du lịch liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về cả chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo; khách du lịch ngày càng "khó tính" hơn.

Xuất phát điểm về du lịch của Việt Nam thấp hơn nhiều nước. Các nước trong khu vực đẩy mạnh đầu tư, phát triển và thu hút khách du lịch, tạo sức cạnh tranh lớn, trong khi nguồn lực đầu tư của Việt Nam còn hạn chế.

Trong giai đoạn phát triển mới, để tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển du lịch, Đại hội XIII của Đảng xác định: "Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế... Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc... Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47 - 50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14 - 15% GDP và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%".

"Đây là những chỉ tiêu cao, đạt được không phải dễ. Tuy nhiên, tôi có niềm tin vững chắc rằng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, chủ động, sáng tạo, phản ứng kịp thời, linh hoạt, phân công rõ trách nhiệm của các chủ thể, chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu này, với những nền tảng quan trọng", Thủ tướng nhấn mạnh.

THAY ĐỔI TƯ DUY LÀM DU LỊCH

Chia sẻ một số quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn.

"Cần ưu tiên các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại với tư duy mới, cách làm sáng tạo, chuyển từ 'cung cấp cái mình có' sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách", Thủ tướng nêu rõ.

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam; phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Chú trọng vừa phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn; đa dạng hóa các phân khúc, vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng, giá rẻ cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả liên kết hình thành chuỗi giá trị du lịch; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng, phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực, có tính liên kết cao, bổ trợ lẫn nhau, đồng thời chủ động trước những tình huống đột xuất, bất ngờ. Phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có; kiên định mục tiêu nhưng phải hết sức linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.

CẦN CHUNG TAY VÀ ĐỒNG BỘ

Trên cơ sở phân tích đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và cơ quan, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để phục hồi và đưa ngành du lịch bứt phá.

Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn", trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch.

Tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa. Tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh.

Tăng cường nghiên cứu thị trường, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và phản ứng chính sách nhanh, phù hợp. Triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất, đúng hướng đối với các nguồn lực đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua Quỹ phát hỗ trợ phát triển du lịch.

Khẩn trương kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí góp phần phát triển du lịch.

Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện ở nước ngoài tích cực chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam ở nước sở tại, việc này rất cần thiết trong bối cảnh chưa có Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Chỉ đạo các cơ quan giải quyết thủ tục visa thuận tiện theo quy định, chống tiêu cực, tham nhũng. Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế.

Thủ tướng giao việc cho từng bộ ngành - Ảnh: VGP
Thủ tướng giao việc cho từng bộ ngành - Ảnh: VGP

Bộ Công Thương lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam trong các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ chủ trì ở trong và ngoài nước, gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch. Thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật.

Đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.

Tập trung xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho khách du lịch. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn. Đẩy mạnh hướng dẫn du khách trên nền tảng số.

Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội du lịch Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt, cánh tay đắc lực của cơ quan quản lý nhà nước. Tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển lành mạnh, làm giàu chính đáng, tuân thủ đúng pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phát hiện, tổng hợp ý kiến và đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp du lịch.

Về phía doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động du lịch tích cực nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực. Đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa, bền vững, nhân viên cởi mở, thân thiện; góp phần đào tạo nhân lực thông qua hợp tác công tư.

Về 26 kiến nghị của các đại biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, cụ thể hóa vào Nghị quyết sắp được Chính phủ ban hành.

Theo Thủ tướng, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành "công nghiệp không khói", đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia; là xu hướng phát triển của tương lai, phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường.

Đồng thời, du lịch là một hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và học tập của con người; là cầu nối để nhân dân các nước cùng gặp gỡ, trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình đoàn kết hữu nghị hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate