Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này khi phát biểu kết thúc chương trình đối thoại với công nhân sáng 12/6. Thủ tướng nhắc lại thời điểm hôm nay vừa tròn một năm ngày Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn trong tình hình mới”. Buổi đối thoại hôm nay cụ thể hóa, tổ chức, thực hiện Nghị quyết này.
Theo Thủ tướng, Việt Nam là nước đang phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình tăng. Trong đó, công nhân là một trong những chủ thể để phát triển công nghiệp hiện đại. Do đó, chúng ta đã thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ toàn quốc lần thứ XIII bằng nhiều nhiệm vụ, giải pháp khác nhau, trong đó 10 vấn đề hôm nay được trao đổi, thảo luận.
Thủ tướng đánh giá cao những vấn đề mà công nhân, người lao động đặt ra tại buổi đối thoại: “Đây là vấn đề rất đúng, rất trúng và rất cần được giải quyết. Tôi xin cảm ơn sự đóng góp này của anh chị em công nhân. Từ đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói chung, hệ thống chính trị trong đó có Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp thu, lắng nghe, trao đổi. Một cuộc trao đổi không thể giải quyết hết tất cả các vấn đề. Nhưng chúng ta không thể không trao đổi”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần phải liên tục tiếp thu, lắng nghe ý kiến, tập hợp các vấn đề; Tập trung rà soát lại các thể chế, cơ chế, chính sách; Sau đó cần phải nhanh chóng bổ sung sửa đổi. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải đặc biệt chú trọng đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của giai cấp công nhân.
“Những vấn đề được giải quyết kịp thời sẽ mang lại hiệu quả chung cho nhân dân trong đó có anh chị em công nhân. Những gì chưa làm được, các bộ, ngành phải thẳng thắn rút kinh nghiệm, tiếp thu để làm tốt hơn. Thời gian tới đây, đáp ứng được nguyện vọng tâm tư của anh chị em công nhân về đời sống, công ăn việc làm, nâng cao trình độ được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng lưu ý.
Với những trăn trở về tiêu cực, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm của công nhân, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng, bảo vệ pháp luật tiếp tục giám sát. Các địa phương xem xét những gì làm được thì phát huy, những gì chưa làm được cần nhanh chóng khắc phục; các cơ quan trong hệ thống chính trị cần phối hợp nhịp nhàng, các bộ, ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kịp thời xử lí thỏa đáng.
“Một lần nữa, tôi tin tưởng công nhân là giai cấp sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam; góp phần cùng với hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thách thức. Tiếp tục đóng góp hiệu quả, tích cực hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của chúng ta”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Cũng tại buổi đối thoại, Thủ tướng đã chia sẻ với công nhân Lê Văn Lượng, công ty Hacovina, tỉnh Bắc Ninh, về tâm tư mỗi khi về quê nhận được đánh giá của những người xung quanh rằng "Tưởng làm gì chứ làm công nhân", đôi khi cũng thấy chạnh lòng. Nhưng mỗi khi đến nhà máy, cùng lao động sản xuất với đồng nghiệp, tạo ra những tấn hàng hóa xuất khẩu cho công ty và đất nước anh lại thấy rất tự hào vì mình đã làm được một việc có ý nghĩa, đóng góp sự phát triển của doanh nghiệp và đất nước, lại yêu công việc của mình hơn. "Thủ tướng có ý kiến gì về những quan điểm hoặc cách nhìn nhận của một số người trong xã hội về nghề công nhân của chúng cháu ạ?", nam công nhân nêu câu hỏi.
Thủ tướng cho biết, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi sự đóng góp của tất cả lực lượng, mọi công dân. Mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn công việc phù hợp với năng lực, sở trường, sở thích. "Làm việc gì mà hết mình, hết trách nhiệm, vì đam mê, khát vọng cống hiến, hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp được cho đất nước, gia đình, bản thân thì đều cao quý, miễn là làm hết sức", Thủ tướng Chính phủ nói.
Người đứng Chính phủ khẳng định nghề nào cũng cao quý. Trong xã hội không thể tránh khỏi các ý kiến, nhưng "quan trọng nhất là bản lĩnh, nỗ lực, cố gắng và trách nhiệm đối với đất nước, gia đình, và bản thân".