Sáng 27/6, tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra việc thực hiện chống dịch và hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh Bình Dương. Đây là một trong các địa phương xuất hiện các chùm ca bệnh, chuỗi lây nhiễm khiến tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua.
“Cần quán triệt cán bộ, y bác sĩ là làm nhiệm vụ đặc biệt phải có chế độ, chính sách đặc biệt, quản lý đặc biệt; phải thực hiện hết sức nghiêm ngặt các quy định, quy trình phòng chống dịch, không để “thủng” từ vòng trong tại các bệnh viện”.
Thủ tướng
Phạm Minh Chính.
Kiểm tra khu điều trị của Bệnh viện đa khoa Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên, mong muốn lãnh đạo bệnh viện, các y bác sĩ tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, phục vụ người bệnh, nhân dân tốt nhất, chú trọng công tác điều trị thông thường bên cạnh điều trị bệnh nhân Covid-19, đồng thời thực hiện nghiêm ngặt các quy định, quy trình phòng chống dịch để tránh bị lây nhiễm chéo ngay tại cơ sở điều trị.
Thủ tướng cũng lưu ý, rút kinh nghiệm vừa qua, một số bệnh viện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nên để lây lan dịch tại bệnh viện, là “điểm cuối” chống dịch. Vì vậy, bệnh viện phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt hơn đối với đối tượng điều trị trực tiếp, không để xảy ra lây nhiễm từ trong bệnh viện.
“Cần quán triệt cán bộ, y bác sĩ là làm nhiệm vụ đặc biệt phải có chế độ, chính sách đặc biệt, quản lý đặc biệt, phải thực hiện hết sức nghiêm ngặt các quy định, quy trình phòng chống dịch, không để “thủng” từ vòng trong tại các bệnh viện”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với các ca nhiễm Covid-19, Thủ tướng đề nghị bệnh viện vừa điều trị bệnh nhân về mặt bệnh lý, vừa chăm sóc tinh thần để người bệnh có tâm lý tốt, nâng cao hiệu quả điều trị. Thủ tướng cũng lưu ý cần có chế độ chính sách cho cán bộ, y bác sĩ làm nhiệm vụ đặc biệt; kết hợp hài hòa giữa khoa học, y học, xã hội học, tâm lý học trong điều trị bệnh nhân cả về mặt bệnh lý và tâm lý.
Đợt dịch thứ 4 tại Bình Dương ghi nhận 226 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Ổ dịch lớn nhất ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên với 190 ca và đến nay vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm. Từ ổ dịch này đã lan ra các công ty, khu nhà trọ công nhân ở thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An và thị xã Tân Uyên.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương hiện đang điều trị cho 146 bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện cũng đang khẩn trương mở rộng thêm 200 giường điều trị mới. Cơ sở mới của bệnh viện với quy mô 1.500 giường cũng đang được xây dựng.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số địa phương trong tỉnh Bình Dương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều điểm dịch tễ, công ty, khu nhà trọ ở Bình Dương đã được phong tỏa, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng. Bình Dương cũng đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất để tập trung biện pháp và nguồn lực kịp thời chống dịch.
Ngoài việc đẩy nhanh truy vết, xét nghiệm sàng lọc, Bình Dương cũng đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho tất cả lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trong tháng 7 này, Bình Dương sẽ triển khai tiêm vaccine đợt 4 tại doanh nghiệp, ưu tiên cho những người tiếp xúc nhiều và có nguy cơ cao, như: ban giám đốc, quản đốc, tổ trưởng các phân xưởng, bộ phận cấp dưỡng, lái xe, bảo vệ…