Tiếp tục chương trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị liên quan, sáng 6/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN với các đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
ASEAN - TRUNG QUỐC ĐƯA KHU VỰC TRỞ THÀNH TÂM ĐIỂM TĂNG TRƯỞNG
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 26, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đề cao tầm quan trọng của Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc và cho rằng điều này có được nhờ nỗ lực của cả hai bên, cùng vun đắp lòng tin chiến lược, tương trợ lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm.
Thủ tướng Lý Cường khẳng định với sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, quan hệ sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cùng theo đuổi mục tiêu hòa bình, hợp tác và khát vọng phát triển trong tương lai.
Các lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc vui mừng ghi nhận kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức kỷ lục mới 722 tỷ USD; Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN liên tục trong 14 năm.
Hoan nghênh tiến triển đàm phán nâng cấp Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, hỗ trợ tiếp cận thị trường, đồng thời mở rộng hợp tác về chuyển đổi số, kinh tế số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh và bền vững,...
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan hệ tương hỗ giữa Trung Quốc phát triển và Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò trung tâm ở khu vực. Đây là nền tảng vững chắc cho Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện phát triển vững mạnh.
Thủ tướng mong muốn ASEAN và Trung Quốc không chỉ là đối tác kinh tế-thương mại lớn nhất của nhau mà còn là một trong những đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất của nhau vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thủ tướng đề nghị là những đối tác thương mại hàng đầu của nhau, ASEAN và Trung Quốc cần phối hợp chặt chẽ chung tay đưa khu vực trở thành tâm điểm tăng trưởng kinh tế; cần tận dụng ưu thế gần gũi địa lý, nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, duy trì giao thương thông suốt, đẩy mạnh kết nối, bảo đảm chuỗi sản xuất và cung ứng, mở rộng hợp tác phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Trung Quốc mở rộng thị trường, nâng hạn ngạch hàng hóa quá cảnh và đẩy nhanh tiến độ mở cửa cho nông thủy sản và hoa quả các nước ASEAN, trung chuyển qua Việt Nam, thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Trung Quốc sẽ phát huy hiệu quả, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển trong khu vực, đồng thời là nhân tố tích cực thúc đẩy xây dựng lòng tin, tăng cường đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở khu vực, trong đó có Biển Đông, góp phần triển khai đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Hội nghị thông qua tuyên bố chung về hợp tác cùng có lợi dựa trên quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và tuyên bố chung về làm sâu sắc hợp tác nông nghiệp.
TẠO BƯỚC CHUYỂN LỚN TRONG HỢP TÁC ASEAN - HÀN QUỐC
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 24, phát biểu thay mặt ASEAN trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định quan hệ Đối tác Chiến lược và Hợp tác Toàn diện ASEAN-Hàn Quốc tiếp tục được đẩy mạnh, đồng thời hoan nghênh Hàn Quốc đề xuất Sáng kiến Đoàn kết ASEAN-Hàn Quốc (KASI) nhằm nâng tầm quan hệ hai bên.
Thủ tướng cảm ơn các nước đã ủng hộ sáng kiến Ngày ASEAN-Hàn Quốc vào tháng 11/2023 tới đây tại Việt Nam.
Hướng tới kỷ niệm 35 năm quan hệ ASEAN-Hàn Quốc vào năm 2024, Thủ tướng đề nghị hai bên cần cùng nỗ lực mở ra một hành trình mới với tầm nhìn xa hơn và mục tiêu cao hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh cần tạo bước chuyển lớn trong hợp tác kinh tế, đẩy mạnh thương mại và đầu tư theo hướng cân bằng và bền vững. Thủ tướng bày tỏ mong muốn Hàn Quốc mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hoá xuất khẩu như nông thuỷ sản, trái cây theo mùa từ các nước ASEAN, hỗ trợ các doanh nghiệp ASEAN tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ASEAN mở rộng cơ hội đầu tư sang Hàn Quốc.
Nhằm nâng tầm hợp tác vì tương lai phát triển bền vững cho người dân hai bên, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hơn nữa hợp tác chuyển đổi số, công nghệ sinh học, điện tử công nghệ cao, bán dẫn, năng lượng sạch, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các tổ hợp sản xuất công nghiệp chuyên sâu theo chuỗi giá trị, thân thiện với môi trường, thực hiện cam kết giảm phát thải, tăng cường giao lưu văn hóa, đồng thời thúc đẩy hợp tác tiểu vùng Mekong thông qua khuôn khổ Đối tác Mekong-Hàn Quốc.
Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN và Hàn Quốc cần phối hợp nâng tầm đối tác, cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm chung trong bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực, trong đó có Biển Đông và Bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vì những đóng góp quan trọng của Việt Nam trong vai trò nước điều phối thúc đẩy quan hệ ASEAN-Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ thời gian qua.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc khẳng định Sáng kiến Đoàn kết ASEAN-Hàn Quốc (KASI) thể hiện Hàn Quốc coi trọng và cam kết ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như quan điểm AOIP của ASEAN, cùng ASEAN phát triển toàn diện mối quan hệ đối tác thời gian tới.
Nhân dịp này, Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ mong muốn các nước ASEAN ủng hộ việc Hàn Quốc đăng cai tổ chức EXPO tại Busan, Hàn Quốc năm 2030, tạo diễn đàn trao đổi và tìm kiếm giải pháp cho các thách thức chung của nhân loại, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho khu vực và thế giới.
Lãnh đạo các nước ASEAN và Hàn Quốc hoan nghênh những tiến triển tích cực trong hợp tác hai bên trên tất cả các lĩnh vực. Hàn Quốc là đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ 5 của ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều là 222,8 tỷ USD và tổng vốn FDI từ Hàn Quốc đạt 12,7 tỷ USD trong năm 2022.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên như chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, hợp tác an ninh biển; đẩy mạnh giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp, trao đổi văn hóa, giáo dục, du lịch, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực nhiều tiềm năng như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, thành phố thông minh, đô thị hóa bền vững và các ngành công nghiệp trong tương lai.
Kết thúc hội nghị, lãnh đạo hai bên thông qua Tuyên bố chung ASEAN-Hàn Quốc về hợp tác dựa trên AOIP.
THÚC ĐẨY THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ VÀ ỔN ĐỊNH CHUỖI CUNG ỨNG
Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26 đã thông qua Tuyên bố chung thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Nhật Bản, đánh dấu mốc phát triển mới nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ.
Các bên cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN kỷ niệm vào tháng 12/2023 tại Tokyo.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đề cao tầm quan trọng mối quan hệ đối tác tin cậy, gắn bó từ trái tim đến trái tim với ASEAN với những thành quả quan trọng đạt được trong 5 thập kỷ qua, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng bền vững tại khu vực; tái khẳng định ủng hộ đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như quan điểm AOIP của ASEAN, cam kết tiếp tục tích cực tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả vào các cơ chế do ASEAN chủ trì.
Nhân dịp này, Thủ tướng Kishida mong muốn được đón tiếp các lãnh đạo ASEAN đến dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm tại Tokyo vào tháng 12 tới, khẳng định đây là cơ hội vàng để cùng nhau nhìn lại chặng đường 50 năm đã qua và đề ra những định hướng, tạo thêm những động lực mới, đưa quan hệ hai bên phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Hợp tác ASEAN-Nhật Bản đạt nhiều kết quả. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 và đối tác đầu tư lớn thứ 2 của ASEAN, kim ngạch thương mại đạt 268,5 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư từ Nhật Bản đạt 26,7 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước.
ASEAN đánh giá cao Nhật Bản đóng góp thêm 100 triệu USD cho Quỹ Hội nhập ASEAN-Nhật Bản, hỗ trợ ASEAN thành lập và vận hành Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED).
Hướng tới tương lai, hai bên nhất trí duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng, triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định RCEP, đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, quản lý thiên tai, giao lưu nhân dân, thanh niên, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái xe điện, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch, tăng trưởng xanh.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định là thành viên ASEAN và là Đối tác Chiến lược sâu rộng của Nhật Bản, Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để đóng góp đưa quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất; đề nghị đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính, là động lực thúc đẩy Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Nhật Bản.
Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu của các nước ASEAN vào thị trường Nhật Bản, hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khẳng định Việt Nam và các nước ASEAN đã, đang và sẽ tạo thuận lợi cho hơn 15.000 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động, Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư chiến lược của Nhật Bản chung tay với ASEAN thúc đẩy hơn nữa các lĩnh vực hợp tác mới nổi, nhiều tiềm năng như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Nhấn mạnh Đối tác Chiến lược Toàn diện cần hướng đến tương lai phát triển bền vững cho người dân, Thủ tướng hoan nghênh và khẳng định sẵn sàng hiện thực hóa ý tưởng xây dựng khu vực thành trung tâm đổi mới sáng tạo. Đồng thời, đề nghị cần chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao, giao lưu nhân dân, văn hoá, du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang làm việc, sinh sống tại Nhật Bản
Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tích cực phối hợp với ASEAN triển khai hiệu quả các sáng kiến về chuyển đổi năng lượng và cộng đồng phát thải ròng bằng không châu Á của Nhật Bản, đồng thời cùng ASEAN hỗ trợ các nước tiểu vùng Mekong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản ra tuyên bố chung về hợp tác dựa trên quan điểm AOIP của ASEAN.
Tại các hội nghị nêu trên, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, ASEAN tái khẳng định lập trường chung về tình hình khu vực và quốc tế, trong đó có những nội dung như tình hình Biển Đông, Myanmar, bán đảo Triều Tiên. Các nước đối tác ghi nhận và đánh giá tích cực lập trường của ASEAN, cam kết sẽ phối hợp để thúc đẩy giải quyết thỏa đáng các vấn đề đang nảy sinh.
Trước những biến chuyển ngày càng phức tạp và khó lường trong khu vực và trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh ASEAN và các đối tác cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm chung trong bảo đảm hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực, trong đó có Biển Đông.