January 20, 2022 | 17:33 GMT+7

Thủ tướng: Thống nhất biện pháp chống dịch trên toàn quốc, không "ngăn sông cấm chợ"

Phúc Minh -

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các biện pháp phòng chống dịch dứt khoát phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc, nhưng linh hoạt trong phạm vi nhất định. Các địa phương nếu áp dụng các biện pháp khác hoặc cao hơn quy định chung thì phải báo cáo. Không được ngăn sông cấm chợ, cản trở di chuyển của người dân…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022. Ảnh - VGP.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022. Ảnh - VGP.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 lưu ý nội dung này khi dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức ngày 20/1.

LO NGẠI ĐỢT BÙNG PHÁT DỊCH MỚI

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, năm 2021 với sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan nhanh và mạnh, dịch Covid-19 đã diễn ra hết sức phức tạp, kéo dài trên nhiều địa phương, các ca lây nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt xa so với dự báo. 

Dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước, làm đình trệ hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế, tâm lý của nhân dân. Dịch bệnh tăng nhanh gây quá tải hệ thống y tế và làm tăng các ca tử vong.

“Chỉ tính đợt dịch thứ 4, ngành Y tế đã huy động lực lượng lớn nhất với hơn 25.000 giáo sư, y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y dược tham gia phòng, chống dịch. Nhiều người hiện nay vẫn đang tiếp tục trực chiến tại các địa phương ở khu vực miền Nam. Hầu hết các nhân viên y tế tại các địa phương có dịch vẫn đang miệt mài làm việc và có gần 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm Covid-19 và hơn 10 trường hợp mắc đã mất do Covid-19 trong quá trình làm nhiệm vụ", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin

Theo Bộ trưởng, các giải pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ đã được Bộ Y tế triển khai như: Thành lập các Sở chỉ huy tiền phương; giám sát, xét nghiệm, cách ly, phân tầng điều trị, thiết lập 11 trung tâm hồi sức tại các tỉnh miền Nam trong thời gian ngắn kỷ lục; thành lập hàng nghìn các trạm y tế lưu động, điều trị tại nhà… đã được triển khai kịp thời, phù hợp, hiệu quả theo thực tiễn. 

Cùng với đó, chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công với hơn 170 triệu liều vaccine, trong đó tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 hiện nay thuộc những nước hàng đầu trên thế giới, và đã về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, năm 2022, dịch Covid-19 được nhận định là chưa thể kiểm soát được hoàn toàn, hiện vẫn diễn biến phức tạp với hơn 15.000 ca nhiễm mới và hơn 150 trường hợp tử vong mỗi ngày. Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng và nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất cao. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh - VGP.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh - VGP.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên số mắc tăng rất nhanh, có thể gây quá tải hệ thống y tế.

Với tốc độ lây lan nhanh của chủng Omicron và có thể các chủng mới khác, Bộ Y tế lo ngại về sự bùng phát đợt dịch trong thời gian tới, nên đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch và yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Do đó, ngành Y tế xác định nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo hướng quản lý rủi ro, ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong như: Nâng cao năng lực điều trị tất cả các tuyến; bảo đảm người mắc Covid-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp.

Đồng thời, nhanh chóng hoàn thành việc tiêm đủ 3 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên và triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân được Thủ tướng Chính phủ phát động.

KHÔNG CHỦ QUAN VỚI CÁC BIẾN CHỦNG MỚI

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2021 vừa đi qua với khó khăn, thách thức chưa từng có, để lại những dấu ấn đặc biệt với nhiều cung bậc cảm xúc, nhất là đối với toàn ngành Y tế.

Trong đó, điểm sáng nổi bật nhất chính là việc chúng ta thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời chuyển trạng thái. Các chủ trương, chính sách, biện pháp triển khai phòng chống dịch được Trung ương đánh giá là đúng đắn, kịp thời và chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng.

Chúng ta đã huy động hơn 25.000 chuyên gia, cán bộ y tế, y bác sĩ, sinh viên các trường y dược hỗ trợ các địa phương; hàng trăm nghìn cán bộ y tế thường xuyên, ngày đêm quả cảm nơi tuyến đầu, đối diện hiểm nguy tính mạng, sức khỏe và cũng có không ít người đã hy sinh... để quyết tâm bảo vệ, chăm lo tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, yếu kém đòi hỏi phải quyết liệt hành động để giải quyết. Công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát còn những hạn chế, sơ hở, cần kiểm điểm sâu sắc, phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân để khắc phục bằng được, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vừa qua.

Các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao phủ hết được các vấn đề y tế, còn nhiều vướng mắc trong thực hiện. Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn…

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh - VGP. 
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh - VGP. 

Về nhiệm vụ của ngành Y tế trong năm 2022 và thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh vẫn phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Từ đó, tiếp tục tập trung cho chương trình phòng, chống dịch Covid-19, chú trọng bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người ở tuyến đầu, và không để khủng hoảng y tế, đổ vỡ, quá tải hệ thống y tế.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân tại nhà; nắm chắc tình hình, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với các biến chủng mới; phát hiện sớm, ngăn chặn từ xa các vấn đề, tình huống mới có thể phát sinh nhưng không áp dụng các biện pháp cực đoan.

THỐNG NHẤT BIỆN PHÁP CHỐNG DỊCH TRÊN TOÀN QUỐC

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng lần nữa yêu cầu ngành Y tế tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh, thần tốc hơn nữa về tốc độ bao phủ vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh, nếu thiếu vaccine thì Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân. Nếu đủ vaccine mà không đạt mục tiêu tiêm chủng đã đề ra thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm.

Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4, khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi, quyết tâm mở cửa trường học an toàn trong thời gian sớm nhất.

Cùng với đó, đảm bảo chủ động về thuốc, Bộ Y tế công bố các loại thuốc được thế giới công nhận theo quy trình, thủ tục nhanh nhất, chống đầu cơ, nâng giá, lũng đoạn thị trường, tiêu cực, tham nhũng, xem xét, công nhận thuốc và vaccine trong nước nhanh nhất về thủ tục hành chính nhưng bảo đảm các yêu cầu khoa học, an toàn, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương làm sớm, làm ngay, làm khẩn trương việc nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Ngay sau khi chương trình tổng thể phòng chống dịch và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành, phải phân công nhiệm vụ cụ thể, xây dựng lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp từng tháng, từng quý, từng năm để hoàn thành nhiệm vụ này.

Thủ tướng lưu ý, các biện pháp phòng chống dịch dứt khoát phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc nhưng linh hoạt trong phạm vi nhất định, các địa phương nếu áp dụng các biện pháp khác hoặc cao hơn quy định chung thì phải báo cáo. Thủ tướng nhắc lại, không được ngăn sông cấm chợ, cản trở di chuyển của người dân, đồng thời thực hiện nghiêm 5K, nhất là với các phương tiện giao thông công cộng.

Đối với vấn đề nhân lực y tế, Thủ tướng cho rằng cần có chiến lược đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rà soát lại chính sách, chế độ để thu hút nhân lực chất lượng cao, thu hút người vào học ngành y, các bác sĩ về cơ sở, vùng sâu, vùng xa…Về lâu dài, cần quan tâm xử lý các vấn đề tâm lý – xã hội, các di chứng sau đại dịch, xây dựng và phát triển môn khoa học nghiên cứu về Covid-19…

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần nâng cao hiệu quả điều hành, "miệng nói tay làm", tránh "nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm". Đặc biệt, cần quyết liệt, không khoan nhượng trong phòng chống tiêu cực, tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ, tăng cường giáo dục cán bộ y tế về tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.

Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu phát động chiến dịch tiêm chủng mùa xuân từ ngày 1/2 đến ngày 28/2 để đạt mục tiêu đề ra.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate