Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tình hình người lao động mất việc làm.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nắm chắc tình hình thực tế người lao động mất việc làm để chủ động, kịp thời thực hiện các giải pháp theo quy định. Cùng với đó, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng với nội dung vượt thẩm quyền.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/5.
Liên quan đến tình hình lao động, việc làm, trong báo cáo mới nhất, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ quý 4/2022, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, một số doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, hệ quả nhiều lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm.
Số lao động nghỉ giãn việc tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu ở một số ngành như da giày, dệt may. Những doanh nghiệp này tập trung ở một số tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Tiền Giang, Vĩnh Long...
Thống kê trong 3 tháng đầu năm 2023, số lao động mất việc làm là 149.000 lao động, chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai (khoảng gần 32,6 nghìn người), Bình Dương (khoảng gần 21,7 nghìn người), Bắc Ninh (14 nghìn người), Bắc Giang (khoảng 7,7 nghìn người)…Cũng trong 3 tháng đầu năm, cả nước có hơn 205.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (giảm hơn 1% so với cùng kỳ năm trước).
Mặc dù vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm quý 1/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, thời gian qua, nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn diễn ra trên thị trường lao động.
Theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh/thành phố thì nhu cầu tuyển dụng lao động trong các doanh nghiệp những tháng cuối năm 2022 và quý 1/2023 khoảng 377,7 nghìn người.
Số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động chủ yếu ở các lĩnh vực như sản xuất dệt may - da giày; sản xuất, sửa chữa, lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp, điện, điện tử; ngoài ra còn có các ngành công nghiệp khác chiếm xu thế tuyển dụng như sản xuất, chế biến thực phẩm - đồ uống; sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, hóa chất, nhựa...
Để ổn định thị trường lao động trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ tăng cường giải pháp kết nối cung - cầu lao động, giới thiệu việc làm; đề xuất giải pháp hỗ trợ lao động bị mất việc, thiếu việc, hỗ trợ doanh nghiệp bị thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai hiệu quả công cụ bảo hiểm thất nghiệp trong hỗ trợ lao động mất việc làm.