Với chủ đề “Thúc đẩy sáng kiến xanh ở Đông Nam Á”, chuỗi sự kiện triển lãm, hội thảo AGRITECHNICA Asia Vietnam 2025 dự kiến sẽ diễn ra tại TP.HCM từ ngày 12 - 14/3/2025, do Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam, tổ chức. Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 200 đơn vị triển lãm từ 25 quốc gia và hàng nghìn chuyên gia từ khắp chuỗi giá trị nông nghiệp.
Dựa trên di sản của AGRITECHNICA tại Hannover (CHLB Đức), nơi đã giới thiệu công nghệ nông nghiệp từ năm 1985, sự kiện này bắt đầu được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) nhằm phục vụ nhu cầu nông nghiệp đa dạng của Châu Á. Sau thành công tại Bangkok vào tháng 5/2024, lần đầu tiên AGRITECHNICA ASIA đến Việt Nam nhằm chia sẻ, tư vấn và tìm kiếm cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Peter Grothues, thành viên Hội đồng thị trường DLG, cho biết: “Một trong những mục tiêu chính của chúng tôi là giới thiệu những công nghệ tiên tiến nhất thế giới đến với nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ở Việt Nam. Đây chính là những nhà sản xuất không ngừng tiên phong đổi mới, cải thiện chất lượng ngành hàng, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, giảm phát thải”.
Cũng theo ông Grothues, chuỗi sự kiện tập trung vào các ngành nông nghiệp chủ lực của Việt Nam gồm lúa gạo, mía, ngô, cây lương thực, cà phê và trái cây.
Còn theo ông Hoàng Văn Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, không một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển nào không gắn liền với cơ giới hóa sản xuất và ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất. “Với đà phát triển của nông nghiệp Việt Nam đi từ sản xuất nhỏ lên sản xuất quy mô lớn, hiện đại hơn, tổ chức sản xuất là khâu cốt lõi trong ứng dụng cơ giới hóa với điều kiện hiện nay”, ông Hồng khẳng định.
Vấn đề đặt ra là nguồn vốn đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để cải tiến sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp nhỏ lẻ của người nông dân, các hợp tác xã.
Về vấn đề này, TS. Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách Công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng cần mời gọi các ngân hàng cho vay để hợp tác xã, nông dân thúc đẩy máy đầu tư ứng dụng móc nông nghiệp.
Ông Hải đề xuất rằng các hợp tác xã hiện đang có quy mô ngày càng tăng nên nhu cầu đầu tư máy móc công nghệ cũng tăng theo. Vì vậy cần sự tham gia của ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế để nông dân tránh các bẫy tài chính hiện nay. “Nhà đầu tư cần lưu ý về nhu cầu phát triển nông nghiệp chung, đặc biệt là khu vực phía Nam với đề án phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long”, ông Hải nói.
Đề cập vị trí và vai trò của Việt Nam với vị thế là trung tâm đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp ở Đông Nam Á, theo ông Peter Grothues, trên thế giới nói chung, tại Đông Nam Á và Việt Nam nói riêng đang đối mặt với các thách thức cốt lõi của ngành nông nghiệp như biến đổi khí hậu, năng suất cao hơn và đa dạng sản phẩm nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu người dân, và phát triển bền vững, tái tạo đối với các giải pháp nông nghiệp.
Để giải quyết các thách thức này, AGRITECHNICA Asia Việt Nam 2025 sẽ đóng vai trò như một nền tảng cốt yếu giúp thúc đẩy nhanh chóng cơ giới hóa và đổi mới sáng tạo nông nghiệp tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.
“Việt Nam với vị thế là trung tâm đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp ở Đông Nam Á, chuỗi sự kiện lần này hứa hẹn sẽ mang tính bước ngoặt thúc đẩy các cơ hội kinh doanh, trao đổi kiến thức và tiến bộ công nghệ”, ông Peter Grothues nhấn mạnh.
Chủ đề được đông đảo doanh nghiệp, nhà quản trị, người dùng Việt Nam quan tâm là các sáng kiến xanh, sáng tạo xanh. Ban tổ chức cho biết chủ đề “Sáng tạo xanh” nhằm nhấn mạnh vào canh tác bền vững và hiệu quả, tập trung vào các xu hướng chính trong nông nghiệp trên toàn thế giới như canh tác chính xác, IOT và AI, máy bay không người lái, cảm biến thông minh, hệ thống tưới tiêu tự động... Các công nghệ, khi được sử dụng tốt, sẽ nâng cao năng suất, giảm chất thải và góp phần đánh giá sức khỏe đất cũng như giảm việc sử dụng đầu vào của trang trại trong tương lai…