Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh mới đây đã tổ chức lễ phát động mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời tổ chức diễn đàn chia sẻ thông tin, khuyến khích cộng đồng xã hội và doanh nghiệp trong tỉnh phát huy các kỹ năng khởi nghiệp, bán hàng thông qua thương mại điện tử.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, hiện nay cơ bản các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các đơn vị tài chính trung gian như chuyển khoản, quét mã QR...; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh dịch vụ và tiểu thương kinh doanh cố định tại các chợ đều sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại Bình Thuận, Sở Thông tin và Truyền thông có văn bản số 1679/STTTT-BCVT&CNTT về việc triển khai phát động cao điểm thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số (ngày 10/10/2024).
Theo đó, nhằm triển khai hiệu quả hoạt động “Phát động cao điểm thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt” hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Ngày Chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận (ngày 10/10) theo Kế hoạch số 2772/KH-UBND ngày 24/7/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương phối hợp triển khai phát động cao điểm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và vận động tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp…
Đồng thời, ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, triển khai hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng thực hiện cao điểm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và vận động tổ chức, cá nhân thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế và chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội, thanh toán phí, lệ phí giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai các hoạt động phù hợp nhằm tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế và chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội…
Tại Hà Tĩnh, UBND thành phố phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng đóng trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai trưng bày, quảng bá, giới thiệu một số sản phẩm, dịch vụ số; ra mắt mô hình nhà văn hóa hướng đến chuyển đổi số.
Bên cạnh đó phát động chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng, nền tảng số” như: dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, phòng chống lừa đảo trên môi trường mạng…
Tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long là Cà Mau cũng tổ chức sự kiện với gần 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp số của các đơn vị thanh toán không dùng tiền mặt; về tiện ích của định danh điện tử, ứng dụng VNeID; hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt, cài đặt sinh trắc học; hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị, người dân tham gia các sàn thương mại điện tử;...
Đặc biệt, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) còn tổ chức livestream giới thiệu sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau trên nền tảng xã hội để trực tiếp tập huấn, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp ứng dụng.
Sự kiện tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, bao gồm: tổ chức tham quan các gian hàng sản phẩm, dịch vụ số; hội nghị tập huấn kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng xã hội; tổ chức livestream sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau trên nền tảng xã hội.
Tại TP. Đà Nẵng, Sở Công Thương phát động cao điểm mua sắm trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử, thanh toán các sản phẩm, dịch vụ trực tuyển không dùng tiền mặt. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng triên khai đây mạnh chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Đã Nẵng yêu cầu các sở, ban, ngành chỉ đạo các tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý (bệnh viện, trường học, khu điểm du lịch, cơ sở lưu trú, chung cư, nhà ở xã hội,..) triển khai cao điểm thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt để chi trả các dịch vụ như học phí, viện phí, phí dịch vụ viễn thông, điện, nước, rác thải,...
UBND các quận, huyện, phường, xã đẩy mạnh triển khai các mô hình chợ, tuyến phố kinh doanh không dùng tiền mặt; ra quân truyền thông, hướng dẫn các hộ kinh doanh cá thể, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn thuộc các ngành hàng như thực phẩm, hàng tiêu dùng, thời trang, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ăn uống, cửa hàng tiện lợi, minimart, siêu thị, dịch vụ viễn thông... thực hiện đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử, trang bị mã QR code để hỗ trợ thanh toán trực tuyến.
Ngoài ra, nhiều tỉnh thành cũng đã phát động các chương trình hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia năm nay thông qua các sự kiện giới thiệu sản phẩm, dịch vụ số để trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng sử dụng các phần mềm, các ứng dụng số cho người dân đặc biệt đẩy mạnh sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử trong mua bán, tiêu dùng nhằm thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 505/QĐ-TTg, lấy ngày 10/10 hằng năm là ngày “Chuyển đổi số Quốc gia”. Năm nay, Ngày Chuyển đổi số Quốc gia với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.