Chuyển đổi kép đã và đang gõ cửa các quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới. Đây được xem là bước chuyển lớn của nhân loại, một sứ mệnh toàn cầu, một mệnh lệnh đặt ra cho tất cả các quốc gia, doanh nghiệp vì một thế giới thịnh vượng và xanh hơn.
KẾT HỢP CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ CHUYỂN ĐỔI XANH ĐỂ TỐI ƯU HÓA HIỆU SUẤT, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Ngày 30/9/2024, Trường Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo quốc tế “Chuyển đổi kép: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững”.
Hội thảo nhằm góp phần mang lại sự hiểu biết sâu sắc về chuyển đổi kép, tìm kiếm mô hình phát triển bền vững có sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống; Đồng thời, qua đó tìm kiếm các giải pháp kết hợp hài hòa giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp để không chỉ tối ưu hóa hiệu suất mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững.
Ở Việt Nam, từ năm 2020, Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Năm 2021, tại hội nghị COP26, Việt Nam đã thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ trong giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đồng hành cùng Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang có những chuyển động mạnh mẽ trong chuyển đổi kép. Song thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi mang tính toàn diện này đang tạo ra những thách thức lớn, đặt ra những yêu cầu vượt xa phương thức và ý tưởng truyền thống, đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự hiểu biết sâu sắc, thay đổi căn bản về tư duy và hành động.
GS.TS. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán (VIASM), cho biết những đột phá trong công nghệ kỹ thuật số và AI, dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, tạo ra một phương thức sản xuất kỹ thuật số.
"Chuyển đổi số phải là một cuộc cách mạng. Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội của ba cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra cơ hội cho các quốc gia không có truyền thống công nghiệp. Nếu không nắm bắt cơ hội, chúng ta sẽ tụt hậu", GS. Hồ Tú Bảo nhấn mạnh.
Cũng theo GS. Hồ Tú Bảo, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế- xã hội, mà là quá trình thiết lập “chế độ sản xuất số”- phương pháp sản xuất mới, tiên tiến và hiện đại. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới hiện nay là chuyển đổi xanh. "Chuyển đổi số phải song hành với chuyển đổi xanh," ông Bảo khẳng định.
NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG TIẾN TRÌNH CHUYỂN ĐỔI KÉP
Tại hội thảo, TS. Hoàng Xuân Vinh, PGS.TS. Trần Thị Hiền, Trường Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có bài phân tích, đánh giá về mức độ chuyển đổi số tại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi kép đang trở thành xu thế bắt buộc.
Cụ thể, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong chuyển đổi số, đặc biệt là trong các dịch vụ công trực tuyến và thương mại điện tử.
Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách để đẩy nhanh quá trình này, đáng chú ý là việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia vào tháng 6/2020 với tầm nhìn: Việt Nam sẽ là quốc gia tiên phong về công nghệ số tại ASEAN vào năm 2030. Các văn bản pháp lý để xây dựng môi trường pháp lý và các biện pháp bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư cũng đã được ban hành.
Để có lộ trình chuyển đổi số hiệu quả và thông tin rõ ràng, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia có đặc điểm kinh tế- xã hội tương tự ở Đông Nam Á và một số quốc gia đã phát triển khoa học và công nghệ số như Trung Quốc, Pháp, Hoa Kỳ.
Các quốc gia này đã triển khai các chiến lược và chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực then chốt như dịch vụ công, cơ sở hạ tầng công nghệ, thương mại điện tử và phát triển kỹ năng số.
Theo các chuyên gia, trong tiến trình chuyển đổi kép, Việt Nam có thể học hỏi bài học từ các quốc gia này để tránh những thách thức tiềm ẩn, tối ưu hóa việc triển khai các giải pháp công nghệ và xây dựng chiến lược phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa của Việt Nam.
Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, TS. Bạch Tân Sinh, Cố vấn cấp cao của Viện Phát triển Kinh tế tuần hoàn, chỉ ra một số thách thức cho Việt Nam thực hiện cam kết này, bao gồm nhận thức còn hạn chế của công chúng về các hành động cấp bách được nêu trong Thỏa thuận Paris, đặc biệt là vấn đề giảm phát thải; Thiếu năng lực thực hiện ở cấp địa phương; Thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn, TS. Sinh nhấn mạnh vai trò của ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện các cam kết về chuyển đổi xanh của Việt Nam. Theo TS. Sinh, ứng dụng khoa học công nghệ sẽ xác định được các vấn đề cần giải quyết; Tiếp cận giải quyết vấn đề, nhu cầu cấp thiết của con người; Hỗ trợ tích hợp quản lý để đáp ứng nhiều nhu cầu của con người. Chính phủ gần đây đã có chính sách liên quan đến mô hình Kinh tế tuần hoàn với cơ chế thí điểm Sand-box.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân, học giả trong và ngoài nước cũng cùng nhau thảo luận, chia sẻ quan điểm, kiến thức, kinh nghiệm, tìm ra các giải pháp sáng tạo để kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi kép hướng đến một tương lai phát triển bền vững...