Tại Việt Nam hiện nay, những cam kết về lao động, công đoàn trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) nói riêng cơ bản đã được nội luật hoá trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Theo đó, những nguyên tắc và quyền cơ bản của người lao động theo Tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 1998 đều đã được bảo vệ trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
NỘI LUẬT HÓA CÁC CAM KẾT VỀ LAO ĐỘNG TRONG FTA
Bộ luật Lao động năm 2019 đã công nhận sự ra đời và hoạt động hợp pháp của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp. Những quy định trong Bộ luật Lao động 2019 đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và thực hiện cam kết về lao động, công đoàn trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.
Quy định này thể hiện rõ quan điểm về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động của Đảng, Nhà nước Việt Nam, đồng thời giúp người lao động có thêm cơ hội được lựa chọn thành lập, gia nhập hoặc tham gia các tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Nói về sự cam kết của Việt Nam, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLaw, cho rằng những cam kết lao động đã được nội luật hoá trong Bộ luật Lao động năm 2019, cũng như trong các nghị định, thông tư… góp phần giúp hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện và tiệm cận với những tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới. Mặt khác, điều này cũng giúp hoạt động quản lý của Nhà nước được thuận lợi và quyền của người lao động cũng được thể chế hoá.
Điều này là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đã là thành viên của 16 hiệp định thương mại và FTA thế hệ mới. Dự kiến, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia thêm 3 hiệp định thương mại tự do, nâng tổng số FTA mà Việt Nam tham gia lên 19. Trong đó, đơn cử như với EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ nhiều quy định và tiêu chuẩn khắt khe trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Mới đây nhất phải kể đến việc tuân thủ các quy định mới về tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD), do Uỷ ban Pháp lý của Nghị viện châu Âu và EU nhất trí ban hành. Với quy định này, toàn bộ hoạt động trong chuỗi cung ứng của khoảng 13.000 tập đoàn lớn của trụ sở tại EU, bao gồm cả những công ty có trụ sở chính ở nơi khác đều phải kiểm tra và khắc phục các tác động tiêu cực đối với môi trường, xã hội trong chuỗi cung ứng liên quan đến lao động trẻ em, lao động bắt buộc hoặc đánh giá tác động về việc có tiềm ẩn nguy cơ phá hoại môi trường hay mất đa dạng sinh học không?
Tại Việt Nam, ngành dệt may là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động với khoảng 1,5 triệu lao động và 80% sản phẩm hàng hoá xuất khẩu. Vì vậy việc đáp ứng các cam kết, tiêu chuẩn về tính bền vững nói chung cũng như lao động nói riêng, trong đó có lao động trẻ em luôn được ngành da giày đặt lên hàng đầu.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho biết đối với ngành da giày việc đáp ứng những cam kết, yêu cầu về lao động luôn phải đặt lên hàng đầu, nếu không đơn hàng xuất khẩu chắc chắn sẽ không thể thực hiện.
“Không chỉ dừng lại ở đó, việc hệ thống pháp luật tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế cũng giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói chung và ngành da giày nói riêng nâng cao nội lực trong việc đáp ứng những yêu cầu về lao động trong quá trình hội nhập kinh tế như hiện nay”, bà Xuân nói.
VẪN CÒN “KHOẢNG TRỐNG” PHÁP LÝ VỀ LAO ĐỘNG TRẺ EM
Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động với tư cách là luật sư liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và người lao động, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng hiện nay ở góc độ pháp lý vẫn còn một số điểm chưa phù hợp và cần phải hoàn thiện, trong đó có thể kể đến chế định liên quan đến lao động trẻ em.
Đơn cử như việc thanh tra và xử lý vi phạm trong hoạt động sử dụng lao động trẻ em. Cụ thể, hiện Việt Nam vẫn theo mô hình thanh tra lao động hợp nhất, nghĩa là chưa có thanh tra chuyên ngành về lao động chưa thành niên.
Hiện Thanh tra ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đang phụ trách tất cả các vấn đề liên quan đến lao động, trong đó có lao động chưa thành niên. Trong khi đó, hiện có 2/3 tổng số trẻ em làm 21 công việc, thuộc lĩnh vực nông nghiệp - ngư nghiệp, dịch vụ và công nghiệp là khu vực sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ và lực lượng thanh tra ít tiếp cận.
Bên cạnh đó, biện pháp xử phạt hiện áp dụng đối với người sử dụng người lao động chưa thành niên phần lớn là biện pháp hành chính, ít áp dụng chế tài hình sự do vướng mắc trong việc xác định hành vi phạm tội. Chẳng hạn, rất khó xác định hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình để xử lý về Tội hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Một ví dụ khác nữa cho thấy điểm chồng chéo trong quy định giữa pháp luật về lao động trẻ em đó là Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 đã xác định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Trong khi đó, độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019 là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI Bộ luật Lao động.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn, tránh bị xử phạt, hoặc phải đáp ứng các quy định ngặt nghèo khác liên quan đến việc tuyển dụng lao động là trẻ em, thì phần lớn các doanh nghiệp thường tuyển lao động từ 16 đến dưới 18 tuổi, dù Bộ Luật Lao động 2019 đã có Thông tư 09/2020 hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên, “điểm mù” giữa 2 luật về độ tuổi lao động từ đủ 15 cho đến 16 vô tình sẽ trở thành điểm “dễ bị bắt lỗi” của doanh nghiệp nếu sử dụng lao động đủ 15 tuổi, khi thanh tra nếu đối chiếu theo quy định của Luật trẻ Em 2016.
Ngoài ra, theo kết quả báo cáo về việc thực hiện quyền trẻ em tại gần 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam do VCCI thực hiện dưới sự hỗ trợ của UNICEF (2021), cho thấy đến nay Việt Nam mới chỉ phê chuẩn 15 trong số 178 Công ước Kỹ thuật. Một số công ước Kỹ thuật quan trọng về bảo vệ quyền của trẻ em tại nơi làm việc chưa được phê chuẩn, bao gồm công ước Công ước Bảo vệ Tiền lương, Công ước về Di cư vì Việc làm; Công ước về Nghỉ có trả lương phục vụ cho việc học; Công ước về Trách nhiệm với Gia đình và Công ước Bảo vệ Thai sản.
Vì vậy, trong thời gian tới, để đảm bảo việc thực hiện những thỏa thuận trong các Hiệp định thương mại tự do, đồng thời đáp ứng đầy đủ quyền của người lao động, trong đó có trẻ em cần hoàn thiện “khoảng trống” pháp lý để nâng cao vai trò, tầm quan trọng của quyền trẻ em trong kinh doanh.
Bên cạnh đó cộng đồng doanh nghiệp cũng cần tự nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy “lối mòn”, hướng đến thực hiện các hoạt động kinh doanh sản xuất đi cùng trách nhiệm với xã hội và cộng đồng. Chỉ có như vậy thế hệ trẻ Việt Nam mới có tương lai rộng mở trong một nền kinh tế đất nước phát triển một cách bền vững.