Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, trong đó: xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD; cá tra 2,5 tỷ USD; hải sản 3,2 tỷ USD (cá ngừ 1 tỷ USD, mực và bạch tuộc đạt 768 triệu USD)… Các sản phẩm đều tăng trưởng bình quân từ 18 đến 65%, trong đó: kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng mạnh nhất với 65%, cá ngừ tăng trưởng lớn thứ 2 với mức 40%, mực và bạch tuộc tăng trưởng mạnh 30%, tôm tăng trưởng 14%...
THÁCH THỨC NGAY TỪ ĐẦU NĂM MỚI
Trong năm vừa qua, 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, 5 thị trường này chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Riêng thị trường Hoa Kỳ, lần đầu tiên đạt kim ngạch thủy sản trên 2 tỷ USD (cụ thể là 2,1 tỷ USD), tăng trưởng gần 10% so với năm 2021. Xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông (TQ) và Nhật Bản đạt doanh số gần tương đương nhau, khoảng 1,75 tỷ USD.
Thị trường EU đã mang về cho thủy sản Việt Nam trên 1,3 tỷ USD và Hàn Quốc mang về trên 9.622 triệu USD. Khối các nước CPTPP (bao gồm cả Nhật Bản), chiếm trên 26% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tăng trưởng 34% so với năm 2021.
"Tháng 10/2022, xuất khẩu thủy sản chỉ tăng 2% so với cùng kỳ; sang tháng 11/2022 thấp hơn 14% so với tháng 11/2021, đến tháng 12/2022 còn giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm kéo dài sang năm 2023".
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Nhìn chung, thành tựu tăng trưởng vượt bậc của xuất khẩu thủy sản là kết quả của sự tăng trưởng mạnh 3 quý đầu năm, trong khi đó xuất khẩu quý 4 có sự sa sút, đặc biệt trong 2 tháng cuối cùng của năm 2022 lần đầu tiên đã rơi vào tình thế tăng trưởng âm.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết ngành thủy sản đang chịu tác động từ lạm phát tăng cao làm giảm sức mua tại các thị trường đang tiêu dùng thủy sản.
Trong khi đó, chênh lệch tỷ giá khiến hàng xuất khẩu từ Việt Nam có giá cao hơn đối thủ tại các thị trường nhập khẩu lớn như châu Âu, Mỹ… Không ít các doanh nghiệp thủy sản rơi vào tình hình là bị đối tác hoãn giao đơn hàng đã ký kết, thậm chí hủy một số đơn hàng đã thỏa thuận, chậm chạp trong việc trao đổi kế hoạch kinh doanh năm sau…
Lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý 1/2023 gần như đình trệ. Nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết đơn hàng sụt giảm mạnh.
Kết quả khảo sát 117 doanh nghiệp thủy sản bằng hình thức trực tiếp và online do vietnambiz.vn thực hiện, cho thấy: 71% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng ngành thủy sản năm 2023 sẽ khó khăn, hơn 22% doanh nghiệp đánh giá sẽ rất khó khăn và chỉ khoảng 7% doanh nghiệp lạc quan vào bức tranh ngành thủy sản trong thời gian tới.
HƯỚNG ĐI NÀO CHO NĂM 2023?
Để vượt qua khó khăn, phần lớn các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cho rằng cần ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng và quản trị hiệu quả hàng tồn kho. Có tới 87% doanh nghiệp thủy sản nhận thức được vấn đề đầu tư vào công nghệ để phát triển bền vững, tuy nhiên số doanh nghiệp này cho biết chưa sắp xếp được tài chính nên chưa thể triển khai; chỉ 13% doanh nghiệp sẵn sàng nguồn lực đầu tư ngay.
TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, khuyến cáo trước mắt, các doanh nghiệp ngành thủy sản cần tập trung đàm phán khách hàng tìm cách giảm thiểu khó khăn, thiệt hại và có chia sẻ cho nhau. Tiếp theo, các doanh nghiệp nên xem xét lại điểm mạnh, yếu của mình để tìm ra hướng đi cho thời gian tới.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 6-2023 phát hành ngày 06-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam