Trong 9 tháng năm 2022, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng kỷ lục 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 8,5 tỷ USD. VASEP dự báo xuất khẩu tôm và cá tra tăng trưởng lần lượt 13% và 55% YoY trong cả năm 2022.
Mức tăng trưởng mạnh này được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực: (1) nhu cầu phục hồi sau COVID; (2) chiến tranh Nga-Ukraine gây thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng toàn cầu; (3) lạm phát làm tăng nhu cầu tích trữ lương thực.
Sau khi đạt đỉnh vào quý 2/2022, giá trị xuất khẩu thủy sản những tháng gần đây có dấu hiệu chững lại mặc dù vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu thủy sản chững lại là do nhiều nhà bán lẻ ồ ạt nhập khẩu trong nửa đầu năm 2022 trong bối cảnh lạm phát cao thắt chặt chi tiêu của người dân, dẫn đến lượng hàng tồn kho cao.
Trong báo cáo triển vọng ngành thủy sản vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ bước vào chu kỳ giảm do không còn các yếu tố thuận lợi hỗ trợ, nhưng vẫn sẽ duy trì ở mức cao hơn so với giai đoạn 2020 - 2021. Do thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu nên nhu cầu sẽ không giảm mạnh.
Đồng thời, nguồn cung cá tra Việt Nam cũng được duy trì ở mức vừa phải nên sẽ không xảy ra tình trạng giá nguyên liệu giảm mạnh dẫn đến giá bán giảm như giai đoạn 2018 - 2019.
Việc Trung Quốc mở cửa là điểm sáng hỗ trợ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. VDSC kỳ vọng Trung Quốc có thể sẽ mở cửa lại nền kinh tế vào năm 2023 sau chính sách “Zero Covid”. Khi kênh nhà hàng phục hồi, xuất khẩu cá tra sang thị trường này sẽ theo đó phục hồi.
Từ tháng 7/2022, mặc dù Trung Quốc không còn kiểm dịch đối với các sản phẩm đông lạnh nhưng xuất khẩu cá tra sang thị trường này vẫn tương đối yếu do nhu cầu dịch vụ ăn uống thấp. Tuy nhiên, lo ngại nguồn cung cá rô phi dồi dào từ Trung Quốc sẽ gây áp lực lên nhu cầu nhập khẩu cá tra và giá xuất khẩu do cạnh tranh.
Do đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ chỉ giúp giảm bớt áp lực cho xuất khẩu cá tra Việt Nam, chứ không phải là sự bùng nổ xuất khẩu sang thị trường này.
Bên cạnh đó, cước vận tải giảm mạnh cũng hỗ trợ ngành thủy sản trong thời gian tới. Chi phí logistics tăng cao là điểm nghẽn trong tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản trong thời gian qua. Việc giảm giá cước giúp phần nào bù đắp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do giá bán giảm.
VDSC kỳ vọng chi phí vận chuyển của các doanh nghiệp thủy sản sẽ bắt đầu giảm mạnh từ Q4/2022. Chi phí vận chuyển của doanh nghiệp sẽ trở lại bình thường từ năm 2024.
Các cổ phiếu trong ngành đã đạt P/E thấp nhất trong 5 năm. Đối với cổ phiếu cá tra, VDSC cho rằng giá cổ phiếu có thể chịu áp lực trong năm 2023 khi kết quả kinh doanh ghi nhận sự sụt giảm mạnh từ mức cơ sở cao của năm 2022. Do đó, nhà đầu tư có thể chờ đợi mức giá hấp dẫn hơn hoặc theo dõi tín hiệu từ phía cầu có thể đánh dấu chu kỳ tăng trở lại của ngành.
Đối với ngành tôm, dự báo số liệu xuất khẩu nửa đầu 2023 sẽ chịu áp lực trên cơ sở cao của nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, kỳ vọng nhu cầu sẽ dần phục hồi rõ nét trong nửa cuối năm 2023.