Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) ngày 21/3 khiến thị trường tài chính toàn cầu bất ngờ khi đưa ra quyết định giảm lãi suất, trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trong một động thái nằm ngoài dự báo, SNB hạ lãi suất chính sách 0,25 điểm phần trăm về mức 1,5%, nhận định rằng lạm phát ở Thuỵ Sỹ sẽ duy trì dưới mức 2% trong tương lai gần. Trước đó, trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên gia dự báo lần họp này của SNB sẽ đi đến quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 1,75%.
“Trong vài tháng trở lại đây, lạm phát đã giảm về dưới 2%, và vì thế nằm trong ngưỡng mà SNB xem là ổn định giá cả. Theo dự báo mới, lạm phát có thể sẽ giữ ở trong khoảng này trong vài năm tới”, tuyên bố của SNB có đoạn viết.
Theo số liệu thống kê mới nhất, lạm phát ở Thuỵ Sỹ tiếp tục giảm trong tháng 2, còn 1,2%.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, SNB cũng giảm dự báo lạm phát hàng năm, cho rằng lạm phát ở Thuỵ Sỹ sẽ bình quân 1,4% trong năm nay, từ mức 1,9% đưa ra trong lần dự báo vào tháng 12. Dự báo lạm phát của năm 2025 giảm còn 1,2% từ 1,6%. Về năm 2026, SNB cho rằng lạm phát sẽ chỉ ở mức 1,1%.
Sau động thái gây bất ngờ của SNB, các nhà phân tích của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics dự báo ngân hàng trung ương này sẽ có thêm 2 đợt giảm lãi suất nữa trong năm nay. SNB “đã tỏ ra mềm mỏng hơn và lạm phát có thể sẽ thấp hơn cả dự báo của họ”, một báo cáo của Capital Economics nhận định.
“Chúng tôi cho rằng lạm phát thậm chí sẽ thấp hơn cả dự báo mới của SNB và sẽ duy trì ở vùng 1,2% hiện nay trước khi giảm dưới 1% vào năm tới. Theo đó, chúng tôi dự báo SNB giảm lãi suất trong các cuộc họp vào tháng 9 và tháng 12, đưa lãi suất chính sách về 1%. Sau đó, họ sẽ duy trì mức lãi suất này trong năm 2025 và 2026”, báo cáo viết.
Cuộc họp tháng 9 có thể sẽ là cuộc họp cuối cùng của SNB dưới sự chủ trì của Chủ tịch Thomas Jordan - người sẽ rời cương vị này vào cuối tháng 9 sau 12 năm cầm quyền.
SNB dự báo tăng trưởng kinh tế của Thuỵ Sỹ “có thể duy trì ở mức khiêm tốn trong những quý sắp tới”, với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ đạt khoảng 1% trong năm nay.
“Có sự thiếu chắc chắn trong dự báo của chúng tôi về kinh tế Thuỵ Sỹ, cũng như kinh tế toàn cầu. Rủi ro chính ở đây là hoạt động của các nền kinh tế khác có thể suy yếu. Xung lực của thị trường cho vay thế chấp nhà và thị trường bất động sản Thuỵ Sỹ đã yếu đi trông thấy trong những quý gần đây. Các thị trường này vẫn tiếp tục đối mặt rủi ro suy yếu trong thời gian tới ”, SNB nhận định.
Ở cấp độ vĩ mô, SNB cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ ở mức khiêm tốn trong những quý sắp tới, cùng với đó là sự giảm lạm phát có thể diễn ra trên toàn cầu một phần nhờ chiến lược chính sách tiền tệ thắt chặt được duy trì bấy lâu. Tuy nhiên, cơ quan này thừa nhận “những rủi ro lớn” và căng thẳng địa chính trị có thể phủ bóng lên triển vọng kinh tế thế giới.
Như vậy, Thuỵ Sỹ là nền kinh tế phát triển đầu tiên trên thế giới cắt giảm lãi suất sau một thời kỳ dài áp lực lạm phát ở mức cao do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với thương mại toàn cầu và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Thuỵ Sỹ cũng là một nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng ngân hàng năm ngoái, khi Chính phủ nước này phải hậu thuẫn ngân hàng UBS thâu tóm Credit Suisse - một nhà băng kỳ cựu của nước này khi đó đang ngấp nghé bên bờ vực sụp đổ.
Tuyên bố hạ lãi suất của SNB được đưa ra một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ra quyết định giữ nguyên lãi suất nhưng phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất trong năm nay. Cùng ngày 21/3, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng giữ nguyên lãi suất và nói rằng đang đi đúng hướng để tiến tới hạ lãi suất.
Ngân hàng Trung ương Na Uy và Ngân hàng Trung ương Australia cũng đều không thay đổi lãi suất trong cuộc họp vào tuần này. Riêng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nâng lãi suất trong tuần này, chấm dứt lãi suất âm cuối cùng còn lại trên thế giới.