Khởi động cách đây 2 năm, chiến dịch chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa lãi suất quỹ liên bang lên mức 5,25-5,5%, cao nhất trong 23 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ đã không gục ngã dưới áp lực của lãi suất cao; mà trái lại, tỷ lệ thất nghiệp của nước này giữ ở mức thấp, thị trường chứng khoán liên tục lập kỷ lục mới, và dường như không có cuộc suy thoái nào đang đợi phía trước trong năm nay.
Sự vững vàng này của kinh tế Mỹ đã khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên. Mỗi khi Fed tăng lãi suất để chống lạm phát, nguy cơ suy thoái thường tăng lên. Nhưng lần này, câu chuyện lại đi theo một hướng hoàn toàn khác.
Theo trang CNN Money, giải thích về điều này, các nhà kinh tế học nói rằng đó một phần là nhờ mức lãi suất vay thế chấp nhà siêu thấp mà người mua nhà ở Mỹ đã ký hợp đồng vay trong thời gian đại dịch Covid-19, khi Fed hạ lãi suất về gần 0 để vực dậy nền kinh tế. Bên cạnh đó, tình hình tài chính của các hộ gia đình Mỹ cũng khá ổn định trong những năm gần đây.
NHỮNG KHOẢN VAY THẾ CHẤP NHÀ LÃI SUẤT THẤP
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh CBS News vào tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói việc Fed tăng lãi suất dồn dập là một việc phải làm, ngay cả khi điều đó có thể gây ra một vài ảnh hưởng bất lợi cho người Mỹ. “Tôi đã trung thực khi nói chúng tôi cho rằng sẽ có những nỗi đau. Và thực sự chúng tôi đã nghĩ rằng những tổn thất sẽ xảy đến, giống như trong những chu kỳ trước đây, dưới dạng tỷ lệ thất nghiệp tăng lên”, ông nhấn mạnh.
“Nhưng điều đó đã không xảy ra”.
Công cụ chính mà Fed dùng để quản lý nền kinh tế và thực thi chính sách tiền tệ là đặt ra mức lãi suất cơ bản - tức lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate). Lãi suất ảnh hưởng đến chi phí đi vay của người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nền kinh tế Mỹ. Bất cứ khi nào cần hạ nhiệt nền kinh tế bằng cách làm cho các khoản vay trở nên đắt đỏ hơn, Fed sẽ tăng lãi suất, và biện pháp này sẽ làm giảm lạm phát.
Vay thế chấp nhà là một loại khoản vay lớn nhưng quan trọng mà người Mỹ thường vay khi mua nhà. Lãi suất cho vay thế chấp nhà có mức độ phụ thuộc lớn vào các quyết định lãi suất của Fed. Bởi vậy, đây là một kênh quan trọng để truyền tải chính sách tiền tệ của Fed đến nền kinh tế thực trên một phạm rộng hơn. Tuy nhiên, cơ chế truyền tải này trong chu kỳ thắt chặt này của Fed đã không còn hoạt động hiệu quả như trước đây.
“Phần lớn nợ của các hộ gia đình Mỹ là nợ vay thế chấp nhà. Nhưng nhiều người đã vay được khoản vay lãi suất cố định từ lúc lãi suất còn thấp, nên Fed có tăng lãi suất như thế nào họ cũng không ngại. Họ đã có mức lãi suất cố định trong 20-30 năm”, nhà kinh tế cấp cao Dan North của công ty Allianz Trade nói với CNN.
Fed đã mạnh tay hạ lãi suất quỹ liên bang về ngưỡng 0-0,25% trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19 để giúp củng cố nền kinh tế khi đó đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao. Việc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ đã khiến lãi suất vay thế chấp thế chấp giảm theo. Khi nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, một làn sóng mua nhà đã xuất hiện ở nước này, trong khi lãi suất thế chấp vẫn duy trì ở mức cực thấp trước đó.
Những chủ nhà đã chốt được lãi suất của khoản vay thế chấp nhà ở mức 3%/năm - một mức lãi suất phải chăng - sẽ không có ý định chuyển sang một hợp đồng vay khác với lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, các hợp đồng vay lãi suất thấp đó cũng có điều kiện đi kèm: nhiều chủ nhà không thể bán căn nhà, ngay cả khi họ cần hoặc muốn.
Theo dữ liệu từ công ty cho cho vay thế chấp nhà Freddie Mac, lãi suất của các khoản vay thế chấp nhà có lãi suất cố định 30 năm bình quân ở mức 6,74% đối với các khoản vay cấp mới trong tuần kết thúc vào ngày 14/3. Mức lãi suất này thậm chí đã giảm so với mức cao nhất trong hai thập kỷ là 7,79% ghi nhận vào cuối tháng 10 năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn so với lãi suất cho vay thế chấp nhà ở Mỹ tại bất kỳ thời điểm này từ năm 2008-2022.
BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN LÀNH MẠNH CỦA CÁC HỘ GIA ĐÌNH
Tình hình tài chính của người tiêu dùng Mỹ đang ở trạng thái tuyệt vời khi Fed bắt đầu tăng lãi suất. Nhiều người Mỹ đã tích luỹ được lượng tiền tiết kiệm lớn trong năm 2020-2021 nhờ tiền kích cầu của Chính phủ và bớt được các khoản chi tiêu vào dịch vụ trong thời gian giãn cách xã hội.
Thị trường việc làm Mỹ cũng nóng lên khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch vào năm 2021. Các nhà tuyển dụng đã cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút người lao động bằng cách tăng lương và tăng các chế độ đãi ngộ.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang tiếp tục thuê nhân công với tốc độ ổn định, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức dưới 4% và người lao động vẫn đang có được mức tăng lương cao hơn so với thời kỳ trước đại dịch. Theo cuộc khảo sát tài chính tiêu dùng 3 năm một lần của Fed, giá trị tài sản ròng của người Mỹ đã tăng với tốc độ lịch sử trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2022. Điều đó có nghĩa là người Mỹ đã được trang bị tốt để đối phó với những ảnh hưởng tiêu cực của việc tăng lãi suất.
Bà Karen Manna, Giám đốc danh mục khách hàng tại công ty Federated Hermes, nói với CNN: “Bảng cân đối kế toán của người tiêu dùng Mỹ đang rất lành mạnh, tỷ lệ nợ khá thấp. Danh mục đầu tư của họ hiện đang hoạt động rất tốt, các khoản đầu tư với thu nhập cố định của họ cũng mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Vì vậy, không ai cảm thấy bắt buộc phải đảo nợ và bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao hơn. Tình hình này rất khác so với những gì chúng ta thường thấy trong lịch sử”.