January 10, 2022 | 17:56 GMT+7

Tiến tới một hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương

Chu Khôi -

Đến thời điểm này, đã có hơn ¾ số quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có Việt Nam ủng hộ việc xây dựng một hiệp ước về ô nhiễm nhựa đại dương…

Rác thải nhựa rất nguy hại cho đại dương
Rác thải nhựa rất nguy hại cho đại dương

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam vừa công bố Bản Báo cáo “Việt Nam trong tiến trình phát triển Hiệp ước toàn cầu của Liên Hợp Quốc về ô nhiễm nhựa”, cùng với đó là báo cáo “Các tiêu chí thành công cho Hiệp ước về ô nhiễm nhựa”.

Trong các báo cào này, WWF đã làm rõ các bài học quan trọng từ việc phân tích các hiệp ước hiện có và đưa ra một loạt các khuyến nghị để đảm bảo rằng một thỏa thuận toàn cầu mới mang tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa sẽ có một khởi đầu tốt nhất.

VIỆT NAM THAM GIA MẠNH MẼ GIẢI QUYẾT Ô NHIỄM RÁC THẢI NHỰA

Ô nhiễm nhựa là một vấn đề toàn cầu, xuyên biên giới và liên ngành, đòi hỏi phải có hành động phối hợp, trách nhiệm chung và một phương pháp tiếp cận tổng hợp. Từ năm 2014 đến nay, Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA) đã tổ chức 4 phiên họp, thông qua các nghị quyết công nhận sự cần thiết phải ngăn chặn thải bỏ rác nhựa và hạt vi nhựa ra đại dương.

Báo cáo tại các phiên họp cho thấy pháp luật quốc tế và khuôn khổ chính sách còn nhiều lỗ hổng. Các quốc gia thành viên đã bắt đầu nghiên cứu các chính sách cũng như giải pháp ứng phó nhằm tăng cường cơ cấu quản trị toàn cầu, bao gồm khả năng về một thoả thuận toàn cầu mới.

Từ đầu năm 2019, ngày càng có nhiều chính phủ các nước đưa ra tuyên bố kêu gọi hành động toàn cầu về ô nhiễm nhựa, xem xét đến các yếu tố có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Theo WWF, đến nay đã có hơn 150 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc chính thức kêu gọi một thỏa thuận toàn cầu mới về ô nhiễm nhựa. “Sự ủng hộ rộng rãi và ngày càng gia tăng cho việc bắt đầu các cuộc đàm phán cho một hiệp ước mới về ô nhiễm nhựa đại dương là một tia sáng hy vọng cho động vật biển hoang dã và các cộng đồng cư dân ven biển trên toàn thế giới. Điều đó tạo ra một cơ hội chưa từng có cho cộng đồng quốc tế để thay đổi tình trạng ô nhiễm nhựa”, WWF nhận định.

 

Từ góc độ các doanh nghiệp, một báo cáo năm 2020, thực hiện với sự hợp tác của WWF, Quỹ Ellen MacArthur (EMF) và Boston Consulting Group (BCG), đã chỉ ra rằng một hiệp ước toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa sẽ mang lại lợi ích cho cả môi trường và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu. Đến thời điểm này đã có hơn 50 công ty, tập đoàn đa quốc gia lên tiếng ủng hộ Lời kêu gọi hành động này.

Đề cập về tiến trình Việt Nam tham gia vào phát triển Hiệp ước toàn cầu của Liên Hợp Quốc về ô nhiễm nhựa, WWF cho hay, vào tháng 5/2020, đại diện Việt Nam và 6 nước trong vùng châu Á Thái Bình Dương đã tham gia vào hội thảo cấp vùng “Giải quyết ô nhiễm nhựa tại châu Á: Các thành tố tiềm năng cho một thoả thuận toàn cầu", do WWF tổ chức.

Tháng 8/2020, Việt Nam nộp kiến nghị các giải pháp tiềm năng để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương. Đến tháng 11/2020, Việt Nam đã tham gia vào các hội thoại song phương và đa phương với chính phủ các nước, thảo luận các giải pháp tối ưu và khám phá các cơ chế tiềm năng nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.

Ngày 26/11/2020 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân thay mặt Chính phủ tái khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam cho một thoả thuận toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa, và sẵn sàng tham gia cùng với các nước vào tiến trình đàm phán chi tiết cho thoả thuận này.

Ngày 1/1/2021, Nghị quyết Chính phủ Số 01/NQ-CP giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm vụ xây dựng Đề án Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngày 27-28/5/2021, Việt Nam cùng đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia tham dự phiên họp trù bị đầu tiên cho Hội nghị Bộ trưởng, thảo luận các vấn đề liên quan đến mục tiêu, cơ chế báo cáo và thu thập dữ liệu, và hướng tiếp cận về luật định trong về rác thải nhựa.

KHUYẾN NGHỊ 5 VẤN ĐỀ CHO HIỆP ƯỚC TOÀN CẦU

Dự kiến vào tháng 2/2022, Kỳ họp thứ 5 (phiên trực tiếp tại Nairobi) của UNEA sẽ đưa ra Bản thảo Nghị quyết về việc thành lập Uỷ ban đàm phán liên quốc gia (với danh sách các quốc gia thành viên LHQ đồng đệ trình) được đưa vào chương trình nghị sự của kỳ họp và biểu quyết thông qua để chính thức bắt đầu tiến trình đàm phán.

 

Nếu tiến trình đàm phán suôn sẻ, các chuyên gia kỳ vọng đến tháng 2/2023, tại Kỳ họp thứ 6 của UNEA, sẽ có Bản thảo Hiệp ước được trình bày. Sau đó, Hiệp ước có thể tiếp tục được chính sửa và thảo luận, hoặc được thông qua bằng Nghị quyết của UNEA để đến năm 2024 sẽ được ký kết.

“Bằng cách hành động với sự quả cảm, niềm tin và quyết tâm, các nhà đàm phán cho hiệp ước mới có thể thiết lập một tiêu chuẩn mới cho quản lý môi trường đa phương — một tiêu chuẩn phù hợp để giải quyết các mối đe dọa cấp bách đối với sự bền vững và đa dạng của sự sống trên trái đất. Để đảm bảo cơ chế quản trị mới về ô nhiễm nhựa có khởi đầu tốt nhất có thể, các nhà đàm phán nên áp dụng cách tiếp cận dựa trên bằng chứng, nghĩa là việc xây dựng hiệp ước mới nên được dẫn dắt bởi việc rà soát, đánh giá và phân tích chặt chẽ về các hiệp ước và cơ chế quản trị hiện có khác, để nắm rõ hơn cách tái lập các thành tựu trong quá khứ và tránh lặp lại những sai lầm đã xảy ra”, Báo cáo của WWF nhấn mạnh.

Dựa trên các bài học được phân tích, 5 khuyến nghị chính đã được WWF nêu ra cho Bản Hiệp ước toàn cầu về rác thải nhựa. Một là, cần đồng thuận về một tập hợp các định nghĩa và tiêu chuẩn được hài hòa hoá và nhất quán để xác định sản phẩm và quy trình, được áp dụng trong toàn bộ các bối cảnh lập pháp và dọc theo chuỗi giá trị.

Hai là, cần có sự đồng thuận về khung chính sách chung, từ đó điều phối tiếp cận toàn cầu cho các chỉ tiêu và kế hoạch hành động quốc gia.

Ba là, cần đồng thuận về các thước đo và phương pháp luận, đặt ra các tiêu chuẩn chung về báo cáo và giám sát ở cấp độ doanh nghiệp và quốc gia, thiết lập ban đánh giá khoa học liên quốc gia.

Bốn là, cần xây dựng quy chế báo cáo toàn cầu.

Năm là, hỗ trợ triển khai thực hiện Hiệp định, cần thiết lập cơ chế nâng cao năng lực quốc tế, cấp ngân sách cho năng lực quản lý rác thải tại các thị trường trọng yếu, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao kiến thức cho từng quốc gia và các doanh nghiệp.

Đến thời điểm này, đã có hơn ¾ số quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có Việt Nam ủng hộ việc xây dựng một hiệp ước về ô nhiễm nhựa đại dương. Điều này cho thấy triển vọng cho một quyết định bắt đầu đàm phán chính thức về Hiệp ước toàn cầu về giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương, dự kiến sẽ được đưa ra tại Phiên họp của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) vào tháng 2/2022

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate