June 27, 2023 | 16:12 GMT+7

Tiền vào ít, trụ yếu, vốn ngoại xả lớn

Kim Phong -

Kịch bản bắt đáy và phục hồi lại diễn ra chiều nay, nhưng lực đẩy ở nhóm trụ quá yếu. Các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường đã không tham gia vào nhịp phục hồi này, khiến mức tăng điểm rất hạn chế. Thanh khoản phiên chiều nay trên hai sàn niêm yết cũng là kém nhất 22 phiên...

VN-Index vẫn có nhịp hồi lên ngắn cuối phiên chiều.
VN-Index vẫn có nhịp hồi lên ngắn cuối phiên chiều.

Kịch bản bắt đáy và phục hồi lại diễn ra chiều nay, nhưng lực đẩy ở nhóm trụ quá yếu. Các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường đã không tham gia vào nhịp phục hồi này, khiến mức tăng điểm rất hạn chế. Thanh khoản phiên chiều nay trên hai sàn niêm yết cũng là kém nhất 22 phiên.

HoSE phiên chiều khớp khoảng 6.385 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với buổi sáng, là thấp nhất kể từ phiên ngày 26/5 vừa qua. Với lượng tiền hạn chế, khả năng tăng giá cổ phiếu cũng không nhiều, nhất là với blue-chips vì nhóm này quá nặng. VN30 thậm chí chỉ giao dịch thêm khoảng 2.400 tỷ đồng, cũng thấp nhất 22 phiên.

Dù vậy các chỉ số vẫn có một nhịp đi lên từ đáy lúc 2h chiều. VN-Index giảm sâu nhất mất 0,28% và đóng cửa tăng 0,2%, tương đương +2,3 điểm. VN30-Index giảm sâu nhất 0,27% và chốt ngày tăng 0,28%.

Thống kê cho thấy rổ VN30 chiều nay có 11 cổ phiếu tăng giá so với mức chốt buổi sáng, 11 mã khác tụt giá. Độ rộng đến cuối ngày cũng chỉ cân bằng 12 mã tăng/13 mã giảm. Nhóm trụ lớn nhất như VIC, VHM nhích giá lên không đáng kể, trong khi VCB, GAS đứng im, TCB, GVR, SAB, VPB tụt giá. Nhóm tăng tốt nhất chiều nay là FPT, HPG, SSI thì chỉ có HPG là đáng làm trụ.

Thực tế HPG đã trở thành trụ mạnh nhất của chỉ số và chiều nay dẫn dắt thị trường đi lên. HPG cuối phiên sáng rất kém, tăng không đáng kể 0,4%, nhưng chiều nay tăng thêm tới 1,98% nữa, đóng cửa trên tham chiếu tổng cộng 2,38%. Đà tăng của HPG chỉ bắt đầu trong khoảng 15 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục. Đó chính là thời điểm VN-Index bắt đầu vượt trở lại ngưỡng tham chiếu.

Thanh khoản của HPG cũng là tốt nhất rổ VN30 chiều nay và cũng là tốt nhất thị trường khi giao dịch thành công 280,1 tỷ đồng. NVL, SSI, STB, VNM và VPB là các mã khác thu hút dòng tiền khá tốt, đều khớp riêng phiên chiều trên 100 tỷ đồng, tuy nhiên không phải mã nào cũng có giá tốt hơn. Chỉ 6 cổ phiếu này đã chiếm tới 58% thanh khoản của cả nhóm VN30 trong buổi chiều. Điều này cũng phản ánh sự giằng co về giá chung trên thị trường, khi các mã có dòng tiền tốt nhất vẫn không tiến triển một cách rõ ràng.

Các trụ lớn không đồng thuận nên nhịp phục hồi ở chỉ số khá yếu.
Các trụ lớn không đồng thuận nên nhịp phục hồi ở chỉ số khá yếu.

Diễn biến phục hồi cuối phiên chiều vẫn là một tín hiệu tích cực, vì sau khi chịu sức ép cả ngày, cầu vẫn dâng lên cao hơn một chút. Dù vậy sức bật hôm nay kém các nhịp phục hồi trước đó khi thanh khoản hạn chế đáng kể. Nếu cầu bắt đáy nhập cuộc, tiền phải tạo thanh khoản càng nhiều càng tốt, đẩy giá lên càng cao hơn càng tốt.

Quan sát độ rộng của VN-Index ở nhịp phục hồi cũng kém xa các phiên trước. Tại đáy chỉ số ghi nhận 171 mã tăng/241 mã giảm. Đà phục hồi sau đó đến hết phiên chỉ đem lại độ rộng 221 mã tăng/194 mã giảm. Khoảng 100 cổ phiếu chốt phiên tăng quá 1%, hầu hết là các mã nhỏ, VN30 chỉ đóng góp SSI tăng 3,1%, VRE tăng 2,81%, HPG tăng 2,38%, FPT tăng 1,75%, PLX tăng 1,6%.

HoSE có 8 cổ phiếu kịch trần, với PVT, PVP, PSH là duy nhất thanh khoản cao. PVT xác lập kỷ lục giao dịch kể từ tháng 3 năm ngoái với 9,11 triệu cổ 206,2 tỷ đồng thanh khoản. Giá tăng kịch trần cũng giúp PVT đóng cửa cao nhất kể từ đầu tháng 6/2022. Ngoài ra, có thể kể thêm loạt cổ phiếu tăng trên 2% với thanh khoản nổi bật như HAH, VOS, ANV, VIP, DXS, HBC, GEG, giao dịch cũng trên 20 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài phiên chiều bán ra dữ dội, mức ròng lên tới 314,1 tỷ đồng, gấp đôi phiên sáng. Tính chung cả ngày mức bán ròng là 457 tỷ đồng. Đây là mức bán ròng trên HoSE lớn nhất 20 phiên. VHM bị bán ròng tới 364,1 tỷ đồng, STB -91 tỷ, VNM -40,7 tỷ, VRE -37,5 tỷ, KBC -24,9 tỷ, SAB -20,3 tỷ. Phía mua ròng có HPG +139,5 tỷ, CTG +61 tỷ, SSI +31 tỷ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate