TikTok Shop là thị trường thương mại điện tử của ứng dụng video ngắn TikTok, thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance. Ứng dụng mua sắm cho phép người bán, thương hiệu và người sáng tạo giới thiệu và bán hàng hóa của họ cho người dùng.
Năm 2022, TikTok Shop đã mở rộng sang sáu quốc gia Đông Nam Á bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan.
“TikTok tiếp tục phát triển nhanh chóng ở các nước Đông Nam Á. Chúng tôi ước tính rằng tổng giá trị hàng hóa của TikTok vào năm 2023 sẽ bằng 20% tổng giá trị hàng hóa của Shopee. Điều này đã thúc đẩy Shopee tăng doanh số bán hàng và tiếp thị từ tháng 4” Shawn Yang, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Blue Lotus cho biết.
Theo dữ liệu nội bộ do hãng truyền thông công nghệ The Information thu được tổng giá trị hàng hóa bán ra (GMV) của TikTok Shop đã tăng vọt hơn 4 lần lên 4,4 tỷ USD ở Đông Nam Á vào năm 2022. Tuy nhiên GMV của TikTok Shop chỉ bằng một phần nhỏ so với Shopee và Lazada. Shopee đã thu được 73,5 tỷ USD GMV vào năm 2022 trong khi GMV của Lazada là 21 tỷ USD tính đến tháng 9 năm 2021.
MỐI ĐE DỌA GIA TĂNG
Tại Đông Nam Á, sự phổ biến của thương mại điện tử đã được đẩy nhanh nhờ tỷ lệ thâm nhập internet di động cao. Những thế hệ trẻ ưu tiên sử dụng thiết bị di động thường dành nhiều thời gian cho mạng xã hội.
Người phát ngôn của TikTok chia sẻ rằng TikTok Shop sẽ “tiếp tục phát triển nhanh chóng” khi cả người dùng lớn và nhỏ đều sử dụng nền tảng này để tiếp cận khách hàng mới. Người phát ngôn cho biết TikTok tập trung phát triển TikTok Shop ở Đông Nam Á.
Theo Insider Intelligence, tính đến tháng 5 số lượng người dùng TikTok ở Đông Nam Á là 135 triệu người. Trong đó, Indonesia – quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á – có số lượng người dùng TikTok lớn thứ hai sau Mỹ, khoảng 113 triệu người dùng.
Sachin Mittal, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu lĩnh vực viễn thông & internet tại Ngân hàng DBS, chia sẻ với CNBC: “Thói quen mua sắm bốc đồng của người dùng là một lợi thế mà TikTok có”.
Ngoài ra, Shopee đang mở rộng dấu ấn của mình tại Malaysia và tiếp tục xây dựng các hoạt động tại Brazil sau khi rời khỏi một số thị trường châu Âu và Mỹ Latinh.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty chuyên sâu về bán lẻ trực tuyến Cube Asia đã tiết lộ rằng người tiêu dùng chi tiêu cho TikTok Shop đang giảm chi tiêu cho Shopee -51%, Lazada -45%, Offline -38% ở Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Dữ liệu từ công ty phân tích trang web Similarweb tiết lộ rằng Shopee hiện là thị trường trực tuyến lớn nhất ở Đông Nam Á, nắm giữ 30% đến 50% lưu lượng truy cập trên toàn khu vực trong ba tháng qua, trong khi Lazada giữ vị trí thứ hai với 10% đến 30% lưu lượng truy cập.
CHIẾN LƯỢC KHÔNG BỀN VỮNG
Jonathan Woo, nhà phân tích cấp cao của Phillip Securities Research cho biết “TikTok hiện đang chi một số tiền khổng lồ để khuyến khích người mua và người bán tham gia nền tảng, điều này có thể không bền vững”. Woo ước tính các ưu đãi này chiếm từ 600 triệu đến 800 triệu USD một năm, và sẽ chiếm 6% đến 8% của tổng giá trị hàng hóa bán ra GMV của TikTok vào năm 2023.
Để khuyến khích người bán tham gia nền tảng, TikTok Shop đã miễn phí hoa hồng khi ra mắt tại Singapore và người bán chỉ phải trả phí thanh toán 1%. Trong khi đó, Shopee tính phí hoa hồng, phí giao dịch và dịch vụ cao hơn 5%. Dữ liệu từ Apptopia, một công ty phân tích ứng dụng, cho thấy số lượt tải xuống của ứng dụng TikTok Shop Seller Center tại Indonesia đã tăng mạnh trong vòng 1 năm qua.
Woo lưu ý rằng TikTok Shop “vẫn còn rất non trẻ” và đang trong giai đoạn cần đầu tư nhiều để phát triển. Đây là điều không tốt trong giai đoạn chi phí sử dụng vốn cao như hiện nay.
Không còn nghi ngờ gì nữa, nền tảng truyền thông xã hội thuộc sở hữu của Bytedance đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những người chơi lâu đời như Shopee và Lazada. Tuy nhiên, mặt tích cực là sự bùng nổ thương mại điện tử ở Đông Nam Á vẫn đang diễn ra và TikTok hoàn toàn tận dụng và thu được một nguồn doanh thu từ đó.