Hiện, tín dụng đen len lỏi dưới rất nhiều hình thức. Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ thành lập nhiều cơ sở, cửa hàng tại các địa phương khác nhau, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng.
Bộ Công an cho biết, năm 2021, lực lượng công an đã xử phạt hàng nghìn đối tượng liên quan đến tín dụng đen với nhiều tội danh. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ/884 đối tượng, chiếm hơn 51% vụ vi phạm liên quan đến tín dụng đen.
Mặc dù vấn nạn tín dụng đen đã được nhận diện từ nhiều năm, nhưng đến nay, tình trạng cho vay nặng lãi, sau đó là chèn ép, đe dọa, dụ cho người vay rơi vào tròng vẫn đang gây nhức nhối trong xã hội.
Tại buổi hội thảo: "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) và Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tổ chức sáng 2/12 tại Hà Nội, các chuyên gia tài chính, đại diện các cơ quan chức năng đã đề xuất nhiều giải pháp để từng bước giải quyết vấn nạn này.