Tại hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” mới đây, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -VCCI) cho rằng hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục là quốc gia nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.
GIAN NAN TÌM KHÁCH HÀNG
Trong một xếp hạng gần đây năm 2021, Tổ chức Thương mại thế giới ghi nhận xuất khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới và nhập khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 20 trên thế giới. Trong ASEAN, xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam có vị trí thứ 2, chỉ sau Singapore.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2%. Riêng trong tháng 9/2023, xuất khẩu ước tính tăng 4,6%.
Bà Tâm nhận định, tiềm năng, cơ hội để phát triển hoạt động xuất khẩu là rất lớn khi Việt Nam hội nhập sâu rộng toàn cầu, ký kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiến trình chuyển đổi số, xu thế phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử…
Tuy nhiên, thực tế cũng còn không ít những thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam về năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm hàng hóa, các quy định cần tuân thủ của các thị trường xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó là khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiếp cận các thị trường mới, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng, máy móc, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đáp ứng các thị trường xuất nhập khẩu.
Theo các Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trong những năm gần đây đều cho thấy, “tiếp cận tín dụng” và “tìm kiếm khách hàng” luôn luôn là hai vấn đề khó khăn lớn nhất doanh nghiệp gặp phải.
Mới đây nhất, báo cáo PCI 2022 vừa công bố cũng chỉ rõ, 55,6% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng và 55,1% khó tìm kiếm khách hàng.
Cũng chỉ rõ những hạn chế trong xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp này đạt tốc độ cao nhưng chưa thật sự bền vững trong trung và dài hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu ổn định.
Mặt khác, năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thấp và chậm được cải thiện, nhất là đối với các mặt hàng chế biến, chế tạo. Hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu.
Doanh nghiệp nhỏ thiếu, yếu về các chiến lược và quản trị, không có chiến lược kinh doanh bài bản theo hướng khai thác lợi thế so sánh trong thương mại quốc tế.
THÁO GỠ CÁC VƯỚNG MẮC
Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo bà Tâm, “tiếp cận tín dụng” và “tìm kiếm khách hàng” chính là hai vấn đề quan trọng cần tháo gỡ.
Bên cạnh đó cần chú trọng nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất nhập khẩu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất kinh doanh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Hội, cần tăng cường quản trị chiến lược doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh gắn với nhu cầu thị trường xuất khẩu, đảm bảo phát triển bền vững.
Khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển thị trường của doanh nghiệp nhỏ và vừa cho từng sản phẩm, đảm bảo phát huy lợi thế và thực thi hiệu quả cam kết trong các FTA song phương, khu vực và đa phương mà Việt Nam tham gia, nhất là các FTA thế hệ mới.
Đồng thời, tăng cường xây dựng bản sắc, thương hiệu, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh xuất khẩu.
Cần đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến xuất khẩu trên cơ sở nghiên cứu phân khúc thị trường, xác định thị trường trọng điểm và tiềm năng đối với sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó xác định đối tác nhập khẩu mục tiêu…
Mặt khác, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất kinh doanh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với đa dạng các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ chất lượng quốc tế.
Về chính sách tài chính, tín dụng, cần có cơ chế, chính sách sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay lãi suất thấp, vốn vay theo cơ chế ưu đãi để tăng mạnh vốn đầu tư phát triển xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu và bổ sung cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư đổi mới công nghệ - một nhu cầu tất yếu và sự sống còn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến nhận định, đẩy mạnh chuyển đổi xanh (xây dựng nền kinh tế có mức phát thải thấp và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên), chuyển đổi số sẽ giúp khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu.
Cụ thể, chuyển đổi xanh thông qua áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong sản xuất.
Ngoài ra, xây dựng tầm nhìn chiến lược về ứng dụng công nghệ số trong công tác tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Xác định rõ đối tượng khách hàng, thị trường tiêu thụ, định hướng phát triển của doanh nghiệp, giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp đem đến cho khách hàng… Tất cả những giải pháp này giúp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm xuất khẩu.