Bộ Giao thông vận tải vừa có Văn bản số 427/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bạc Liêu trả lời kiến nghị cử tri về thúc đẩy đầu tư các công trình, dự án giao thông kết nối trong khu vực.
Bạc Liêu là tỉnh miền Tây Nam Bộ, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông với bờ biển dài 56 km. Hiện tỉnh Bạc Liêu rất thiếu thốn về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông khi không có cảng biển, không có sân bay, không đường sắt. Hệ thống đường bộ cao tốc đi qua địa bàn tỉnh chỉ 7km và nằm sâu ở huyện Hồng Dân, cách trung tâm TP. Bạc Liêu 40km.
Do đó, cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Chính phủ quan tâm, đầu tư một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bạc Liêu, tránh bị tụt hậu xa hơn so với các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong đó, chú trọng đầu tư các công trình, dự án giao thông kết nối trong khu vực để Bạc Liêu có điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư.
Đồng thời, các cơ quan, ban ngành quan tâm tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn tại khu vực nuôi tôm công nghệ cao tỉnh, nhằm xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.
Hồi đáp kiến nghị cử tri tỉnh Bạc Liêu, Bộ Giao thông vận tải cho biết trong những năm qua, công tác đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu quan tâm, tập trung đầu tư nên đã đạt được những kết quả nhất định.
Theo đó, nhiều công trình nội vùng, kết nối liên vùng được đầu tư có thể kể đến như: dự án nâng cấp mặt đường, rải bê tông nhựa trên toàn tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp; triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận; dự án phát triển cở sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long (dự án WB5).
Cùng với đó, làm mới, sửa chữa hàng trăm công trình cầu; sửa chữa, nâng cấp đường giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn nông thôn mới và nhiều công trình hạ tầng giao thông khác trên địa bàn.
Thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu nghiên cứu phương án đầu tư, tìm kiếm nguồn vốn báo cáo cấp có thẩm quyền để triển khai đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh và tuyến đường bộ cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu khi đủ điều kiện.
Nhờ đó từng bước hạn chế tai nạn giao thông trên địa bàn và tăng cường kết nối giao thông giữa các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu và giữa tỉnh Bạc Liêu với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Tại văn bản này, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ưu tiên huy động nguồn lực triển khai đầu tư các công trình trọng điểm đã được đưa vào danh mục dự án ưu tiên đầu tư trước năm 2030 theo Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày 08/12/2023.
Từ đó, tạo điều kiện giúp tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và góp phần xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước như kiến nghị của cử tri.
Trước đó, UBND tỉnh Bạc Liêu có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án đầu tư dự án đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, đoạn từ nút giao IC7 đến đê biển Bạc Liêu. Dự án này đi qua địa phận ba tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, với điểm đầu tại nút giao IC7 (giao với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau); điểm cuối tại đê biển Bạc Liêu.
Tổng chiều dài dự án khoảng 58 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Hậu Giang khoảng 7 km; tỉnh Sóc Trăng khoảng 15 km, tỉnh Bạc Liêu khoảng 36 km.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Bạc Liêu, từ nút giao IC7 trên tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc tỉnh Hậu Giang, tuyến đi về hướng Đông Nam vượt qua rạch Ngã Ba Tàu để vào địa phận tỉnh Bạc Liêu, tuyến đi gần song song với kênh Ngan Dừa cách khoảng 5 km, vượt kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp vào địa phận tỉnh Sóc Trăng, tuyến tiếp tục đi thẳng hết địa phận tỉnh Sóc Trăng và tiếp tục đến Quốc lộ 1 và kéo dài đến đê biển tỉnh Bạc Liêu.
Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc với mặt cắt ngang 24,75m. Trong giai đoạn phân kỳ, tuyến có quy mô mặt cắt giai đoạn 1 gồm 4 làn xe hạn chế, chiều rộng mặt cắt ngang 17,5m.
Tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, đoạn từ nút giao IC7 đến đê biển Bạc Liêu ước khoảng 22.737 tỷ đồng, trong đó chi phí đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng 16.307 tỷ đồng.